NASA phóng kính viễn vọng lớn nhất từ trước đến nay vào không gian

Kính thiên văn James Webb – kính viễn vọng không gian lớn nhất từ trước đến nay đã sẵn sàng để được phóng vào không gian đúng 12h20 ngày 25/12 (giờ GMT) từ bãi phóng ở Guiana, một tỉnh hải ngoại của Pháp.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA chuẩn bị món quà đặc biệt cho giới khoa học khi chọn đúng dịp Giáng sinh năm nay là thời điểm để phóng lên vũ trụ kính viễn vọng không gian James Webb. Kính thiên văn hồng ngoại trị giá 9 tỷ USD mang tính cách mạng này được NASA ca ngợi là đài quan sát khoa học không gian hàng đầu của thập kỷ tới.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, thiết bị có kích thước gần bằng sân quần vợt này sẽ tách khỏi tên lửa đẩy do Pháp chế tạo sau 26 phút bay vào vũ trụ. Trong tháng tới, kính viễn vọng James Webb sẽ di chuyển đến đích của nó trong quỹ đạo mặt trời cách Trái đất khoảng 1 triệu dặm – xa hơn khoảng cách tới mặt trăng khoảng 4 lần.

Kính viễn vọng James Webb được đánh giá là lớn hơn và mạnh hơn 100 lần so với kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Các nhà khoa học kỳ vọng, James Webb sẽ phá vỡ kỷ lục của Hubble trong việc khám phá thiên hà xa nhất từ Trái đất.  James Webb hứa hẹn có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học do có thể thu thập thông tin về các giai đoạn đầu tiên của vũ trụ, sự hình thành của các vì sao và trả lời những thắc mắc liệu các hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta có tồn tại sự sống hay không.

tm-img-alt
James Webb được xem là kính viễn vọng không gian mạnh mẽ nhất từng được chế tạo. Ảnh: NASA

Đài quan sát hồng ngoại quay quanh quỹ đạo được thiết kế nhạy hơn khoảng 100 lần so với người tiền nhiệm là Kính viễn vọng Không gian Hubble. Sau khi bay vào vũ trụ, kính sẽ mất khoảng 1 tháng để tới vị trí cuối cùng – nơi thiết bị quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo cách Trái Đất 1,5 triệu km.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào khẳng định về sự sống ngoài hành tinh. Mặc dù vậy, rất nhiều nhà khoa học tin rằng sự sống có tồn tại trên một số hành tinh xa xôi cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng. Kính viễn vọng mới được kỳ vọng sẽ là công cụ phù hợp để kiểm chứng giả thiết này.

Kính viễn vọng James Webb sẽ tìm kiếm các dấu hiệu tiềm năng về khả năng sinh sống bằng cách quét các ngoại hành tinh trong khí quyển để tìm các dấu hiệu hóa học riêng lẻ của chúng (đặc điểm sinh học). Theo NASA, chúng được định nghĩa là những biến đổi về thời gian và các loại khí trong khí quyển có thể bị ảnh hưởng bởi sự sống trên bề mặt.

Kính viễn vọng không gian có thể nhìn vào ánh sáng chiếu qua bầu khí quyển để chọn ra các vạch phát xạ hoặc hấp thụ các loại khí cụ thể liên quan đến sự sống. Chúng có thể bao gồm oxy, có thể được tạo ra bởi quá trình quang hợp, hoặc mêtan, có thể được tạo ra bởi hoạt động của vi khuẩn.

Tú Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Mô hình của James Webb được trưng bày tại Austin (Mỹ). Ảnh: NASA