Nắng nóng kéo dài vùng cao Quảng Bình ‘khát nước’

Đợt nắng nóng kéo dài khiến người dân vùng cao tỉnh Quảng Bình phải mang can, thùng đi hàng chục km để lấy nước về sinh hoạt. Song với đó trên địa bàn tỉnh nhiều hồ, đập nước đã xuống mức báo động, việc này đã gây ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất của người dân.

Giọt nước vàng nơi vùng cao

Tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) nắng nóng kéo dài những ngày qua không chỉ gây cháy rừng, mà còn gây hạn hán, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt trầm trọng ở nhiều thôn, bản. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mang can, thùng đi hàng chục km để lấy nước.

Chúng tôi tìm về đây vào một buổi sáng giữa ngày nắng nóng như chảo lửa, chứng kiến cảnh người dân tờ mờ sáng xách từng can, thùng để đi hàng chục km lấy nước về sinh hoạt. Người dân ở đây cho biết, để có đủ nước sinh hoạt, những ngày này bà con trong vùng thôn, bản đang trông chờ vào trời mưa vì năm nay nắng nóng kéo dài dẫn đến việc thiếu nước càng trầm trọng. Cuộc sống thiếu nước rất khổ cực để có nước về sinh hoạt chúng tôi phải đi xa hàng chục km để lấy.

Nắng nóng kèo dài, nhiều gia đình tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phải đi xin nước về sinh hoạt

Ông Trương Quang Thắng một trong 3 gia đình trong thôn 1 (giếng nhà ông còn nước) cho biết: “Nhà tôi may mắn đào được giếng nước có mạch ngầm mạnh nên hàng năm cứ đến mùa hạn hán người dân đều đến đây xin nước về sinh hoạt. Hiện trong thôn này đa số các hộ gia đình đã hết nước dùng đều đến đây lấy nước về sinh hoạt. Tôi chỉ khuyên họ dùng tiết kiệm lại vì đây mới là đợt nắng đầu của mùa hè năm nay thôi”.

Chị Quỳnh Như ở đầu thôn 1 đến nhà ông Thắng lấy nước chia sẻ: “Nước ở thôn, bản này đều kiệt hết, bà con mỗi ngày chia thành 2 lần đi lấy là sáng và tối. Từ đầu tháng 6 đến nay ở đây chưa có giọt nước mưa nào dẫn đến nhiều giếng nước bị cạn trơ đáy. Qua kênh truyền thông chị Như có mong muốn rất lớn là được nhà nước hỗ trợ cho thôn, bản một cái bể chứa nước hoặc một cái giếng khoan để họ đỡ khổ hơn về mùa hạn hán”.

Chị Như phải đạp xe đi hàng chục km mới đến nơi xin nước về dùng

Nắng nóng kéo dài những ngày qua càng khiến cơn khát nước của người dân xã Lâm Hóa nói riêng và các địa phương tỉnh Quảng Bình nói chung trầm trọng hơn.

Ông Cao Trung Kiên – Chủ tịch xã Lâm Hóa cho biết: Tại xã có 3 bản gồm bản Kè, bản Chuối, bản Cáo và 3 thôn, có khoảng 260 hộ dân sinh sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và trồng rừng. Hiện nay trên địa bàn nắng nóng kéo dài đa số người dân đã hết nước sinh hoạt. Tại các bản thì họ ra khe suối để lấy nước, các thôn có giếng đào sâu thì đi xin về dùng với mức tiết kiệm nhất.

Hồ đập cạn kiệt, nông nghiệp nguy cơ mất trắng

Tính từ đầu năm 2019 đến nay thời tiết tại tỉnh Quảng Bình ít có mưa, đầu hè thì nắng nóng khắc nghiệt kéo dài khiến các hồ, đập, sông suối luôn ở mức báo động. Cụ thể tại huyện Quảng Trạch đã có thống kê, mực nước tại các hồ chứa lớn của địa phương đang ở mức rất thấp như tại hồ Vực Tròn, Tiên Lang, Trung Thuần mực nước chỉ đạt từ 17 đến 18%.

Về vấn đề này ông Nguyễn Xuân Đạt – Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “lường trước được mùa hạn năm nay sẽ diễn ra phức tạp, huyện đã lên nhiều phương án chóng hạn. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và không có mưa khiến mực nước dự trữ tại các đập chứa, ao hồ cạn kiệt. Huyện đã có kế hoạch tích trữ nước để sử dụng cho tưới tiêu và sinh hoạt song hạn hán năm nay quá phức tạp từ năm ngoái đến nay lượng mưa ít nên mực nước tại các hồ chứa luôn ở mức thấp. Hiện nước dự trữ tại các hồ chứa gần như đã sử dụng hết, một số hồ đã cạn kiệt trơ đáy”, ông Đạt cho biết thêm.

Hồ Bàu Bàng ở huyện Bố Trạch bị cạn trơ đáy

Cùng chung cảnh với huyện Quảng Trạch tại huyện Bố Trạch, các hồ đập chứa tại đây cũng trong tình trạng khan hiếm nước. Các hồ Khe Tắt, Đồng Suôn, Khe Nước, Cồn Roọng, Bàu Bàng mực nước luôn ở mức thấp báo động. Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới tiêu diễn ra phức tạp như hiện nay, nhiều địa phương đã lên phương án nạo vét, cải tạo lòng hồ, lòng sông sẵn sàng tích nước khi có mưa.

Ông Phan Văn Duẫn – Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch cho hay, hồ Bàu Bàng là hồ chứa cung cấp nước tưới cho đa số diện tích đất sản xuất cho địa phương. Nhưng hiện tại hồ chứa này đã cạn trơ đáy, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con. Để khắc phục tình trạng này, mới đây xã đã lên phương án nạo vét, cải tạo lòng hồ Bàu Bàng và đã được tỉnh phê duyệt.

“Mấy năm gần đây thời tiết khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước diễn ra liên tục, một trong những nguyên nhân chính là do dung tích hồ chứa nhỏ không đủ tích nước trong mùa mưa. Đến mùa hạn lượng nước tưới không đủ khiến nhiều diện tích đất sản xuất phải bỏ hoang. Do vậy, xã đã lên phương án nạo vét, cải tạo lòng hồ nhằm mở rộng dung tích chứa. Khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo nước tưới trong mùa khô và điều tiết nước vào mùa lũ”, ông Duẫn nói.

Hạn hán kéo dài kiến nhiều cánh đồng không có nước để canh tác

Ảnh hưởng từ việc nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước bị cạn kiệt nó gây ảnh hưởng lớn đến công tác sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là các cây trồng, hoa màu của người dân đang đứng trước nguy cơ khô, héo.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình, đợt hạn năm nay có hơn 4.000 hecta lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó hơn 1.000 hecta lúa thiếu nước trầm trọng có nguy cơ mất trắng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Khoa- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, địa phương nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chống hạn cụ thể cho từng khu vực. Trước mắt sẽ rà soát và đánh giá mức độ hạn của từng địa bàn, tập trung nạo vét, duy tu bảo dưỡng các hồ chứa, đập thủy lợi. Tổ chức điều tiết nước đảm bảo tối thiểu mức độ thiệt hại cho cây trồng.

Đứng trước cơn hạn, hán năm nay, tỉnh Quảng Bình cho biết đang xin kinh phí chống hạn từ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông Thôn để sớm cứu hạn cho người dân.

Doãn Đạt – Báo Dân Sinh

Theo Dân Sinh

Ảnh: Người dân vùng Cao Quảng Bình phải đi tìm từng giọt nước vàng

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baodansinh.vn/nang-nong-keo-dai-vung-cao-quang-binh-khat-nuoc-d100517.html