Mới đây, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng – Kiến trúc tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học và chuẩn bị hồ sơ đăng ký chức danh GS/PGS khối ngành Xây dựng – Kiến trúc năm 2003”.
Vừa qua, tại Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng – Kiến trúc (HĐGS liên ngành XDKT) tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học và chuẩn bị hồ sơ đăng ký chức danh GS/PGS khối ngành Xây dựng – Kiến trúc năm 2003”.
Theo PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học cũng như công tác xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS rất chú trọng chuyên môn, học thuật, và uy tín, buổi tọa đàm diễn ra nhằm chia sẻ thông tin về tiêu chí đánh giá tạp chí, bài báo khoa học, sách phục vụ đào tạo của HĐGSNN và HĐGS liên ngành XDKT.
Đây là cơ hội để các Tạp chí đánh giá thực trạng hoạt động cùng trao đổi học hỏi kinh nghiệm của các tạp chí đã gia nhập thành công hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế Scopus, ACI.
Để hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, một trong những tiêu chí quan trọng là các sản phẩm của nghiên cứu khoa học (trong đó có các bài báo khoa học) cần tuân thủ và được đánh giá theo những chuẩn mực và được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước công nhận. Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, một trong những kết quả của các chính sách này là số lượng bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được đăng tải trên các tạp chí có uy tín trên thế giới ngày càng tăng.
PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGSNN cho biết, đến nay cả nước có hơn 600 tạp chí khoa học, hầu hết mỗi bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các hội, phân hội,… đều có tạp chí khoa học riêng. Trên thế giới, có nhiều tổ chức thành lập để định kỳ đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học và bình chọn vào các danh mục.
Các tổ chức này đã đưa ra những công cụ có chất lượng và đầy đủ để đo lường, tìm kiếm, theo dõi chất lượng các tạp chí khoa học thuộc các lĩnh vực và bình chọn vào các danh mục trích dẫn trong CSDL đa ngành (như: Web of Science, Scopus, DOAJ, EBSCO, Proquest, ACI), trong CSDL chuyên ngành (như: Pubmed, Embase, IEEexplore, Inspec, Compendex…)
Ở Việt Nam, về mặt quản lý nhà nước, cho đến nay, chưa có Bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học của Bộ, ngành và của quốc gia một cách chính thức.
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đề án thí điểm nâng cấp tạp chí của một số trường Đại học và được tiếp tục triển khai vào năm 2018. Đến nay, đã có tổng cộng 18 cơ sở giáo đại học được thụ hưởng dự án này và đạt hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng.
Từ năm 2017 đến 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích hợp chung 02 cơ sở dữ liệu (Chỉ số trích dẫn Việt Nam (VCI) và Nghiên cứu Việt Nam) thành V-CitationGate bước đầu đánh giá và định lượng chỉ số trích dẫn các tạp chí khoa học, tuy nhiên số lượng tạp chí tham gia còn hạn chế (hiện nay, theo cập nhật mới từ 2020, có 83 tạp chí).
Hiện nay, tạp chí khoa học Việt Nam đã có trong Danh mục tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và trong khu vực, hội nhập quốc tế: 08 tạp chí thuộc Danh mục Scopus, trong đó 01 tạp chí thuộc SCIE và 07 tạp chí thuộc ESCI (01 tạp chí đã ra khỏi Scopus từ 2018, nhưng vẫn thuộc ESCI); 26 tạp chí thuộc Danh mục ACI.
Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐGS liên ngành XDKT, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Nội, các Tạp chí khoa học nên có lộ trình đầu tư nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. có định hướng chiến lược rõ ràng, bền bỉ, kiên trì; phương án, lộ trình cụ thể.
Từ năm 2020, HĐGS liên ngành XDKT đã xây dựng tiêu chí đánh giá tạp chí khoa học đảm bảo 17 tiêu chí và đánh giá bài báo khoa học đảm bảo 15 tiêu chí, trong đó Tạp chí phải có đăng ký mã số chuẩn quốc tế (ISSN) được xuất bản bởi một Nhà xuất bản uy tín, hoặc trường đại học nằm trong Top 1.000 Thế giới có xuất bản online (truy cập được vào từng bài báo) với đầy đủ thông tin về mục tiêu, phạm vi xuất bản, tần số xuất bản, quy trình xuất bản, các công cụ tăng cường chất lượng bài báo và cơ sở dữ liệu trực tuyến dễ tiếp cận,…
Bài báo khoa học đảm bảo 15 tiêu chí trong đó đáp ứng yêu cầu chung về tính mới, tính khoa học, tính sáng tạo, đáp ứng thể thức trình bày và đạo đức nghiên cứu, hợp hiến và hợp pháp…
Để tạp chí khoa học Việt Nam gia nhập hệ thống ACI, theo PGS.TS Đinh Văn Thuật, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, ACI là tập hợp các công bố khoa học của các quốc gia thành viên để chia sẻ kết quả nghiên cứu ra phạm vi thế giới, đồng thời là cầu nối để đưa các công trình khoa học của ASEAN vào Cơ sở dữ liệu ISI và Scopus.
Vì vậy, tiêu chuẩn tuyển chọn của ACI được xây dựng một cách chuẩn mực, tiệm cận với tiêu chuẩn của của các hệ thống trích dẫn uy tín hàng đầu thế giới.
Để đạt được mức độ yêu cầu cần thiết ngưỡng của tờ tạp chí khoa học ACI cần đảm bảo 10 tiêu chí trong đó mức độ phản biện thể hiện tính khách, đánh giá được tính chính xác chất lượng của bài báo;
Thời gian xuất bản đảm bảo được số lượng bài báo gửi đến đều đặn, mức độ trích dẫn yêu cầu nội dung bài báo có tầm ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng nghiên cứu, sự phù hợp về định dạng bài báo theo tiêu chuẩn quốc tế;
Cấu trúc nội dung bài báo gồm có thực trạng vấn đề nghiên cứu, trình bày cơ sở lý luận và đề xuất mới, lựa chọn phương pháp phương tiện nghiên cứu phù hợp để kiểm chứng đề xuất mới, có thể bằng thực nghiệm, mô phỏng số, bán thực nghiệm, phân tích có ví dụ áp dụng với số liệu giả định hoặc có từ thực tiễn,…
Đối với, cơ sở dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGSNN cho biết, mục đích xây dựng, nhằm minh bạch hóa thông tin các cơ sở dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam, tạp chí khoa học trong Danh mục tính điểm hằng năm, góp phần thúc đẩy để các tạp chí đổi mới, nâng cao chất lượng và tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và thế giới, làm cơ sở để phát triển hệ thống trích dẫn đối với các tạp chí khoa học, thúc đẩy phát triển công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Yêu cầu về thông tin dữ liệu, các thông tin chung về tạp chí khoa học phải theo thông lệ quốc tế được bình chọn vào các danh mục Tạp chí có uy tín trong khu vực và thế giới, các thông tin và công cụ liên quan khác (kiểm soát đạo văn, định lượng chỉ số trích dẫn, định lượng công bố khoa học của các cơ sở giáo dục đại học,…), có lịch sử quá trình phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm qua các thời kỳ, để có cách nhìn tổng thể về quá trình phát triển của từng tạp chí, Tập hợp đầy đủ thông tin cơ bản của tạp chí về ban biên tập, trang web, quy trình phản biện, thể lệ đăng bài, đường link đến các số tạp chí và bài báo; Có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng tạp chí hướng đến tiệm cận với tiêu chuẩn trong khu vực và trên thê giới;…
Cũng theo PGS.TS. Trần Anh Tuấn cho biết, năm 2023 Văn phòng HĐGSNN bắt đầu thử nghiệm phần mềm cơ sở dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam; dự kiến cơ sở dữ liệu sẽ được HĐGS ngành, liên ngành tham khảo để xem xét đánh giá và đề xuất Danh mục Tạp chí khoa học của ngành; HĐGSNN xem xét phê duyệt đề xuất của các HĐGS ngành, liên ngành. Cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật 2 lần/năm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc chuẩn bị các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và các cơ sở dữ liệu quốc tế khác, đặc biệt là các vấn đề: thu hút tác giả nước ngoài, mức độ trích dẫn, các chính sách xuất bản, xây dựng hệ thống website trực tuyến;
Thực tiễn quá trình gia nhập Scopus, ACI của các tạp chí khoa học trong nước; Chia sẻ các giải pháp nâng cấp tạp chí khoa học nói chung và tạp chí khoa học chuyên ngành kiến trúc – xây dựng nói riêng đáp ứng tiêu chuẩn ACI và các cơ sở dữ liệu quốc tế khác.
Tọa đàm trở thành diễn đàn mở để lãnh đạo các tạp chí khoa học cùng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý báu, từ đó đề xuất những giải pháp đổi mới liên tục, đột phá, từng bước đưa tạp chí trong nước hội nhập với tạp chí quốc tế và hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.
Được biết, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là tạp chí khoa học chuyên ngành lĩnh vực môi trường, xây dựng, kiến trúc được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phê duyệt khi tính điểm công trình khoa học (Theo quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN).
Tùng Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư Nhà nước phát biểu