Nan giải bài toán nước thải đô thị

default

Xử lý nước thải đô thị đang được xem là một trong những thách thức lớn đối với nhiều đô thị tại Việt Nam; đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của Việt Nam rất nhanh chóng. Điều này trở thành một thách thức lớn trong việc xử lý nước thải đô thị. Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung cũng như hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu hụt dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường đe doạ môi trường và trở thành khó khăn lớn cho các đô thị Việt Nam.

Chỉ 13% lượng nước thải được thu gom, xử lý

Theo Bộ Xây dựng năm 2019 cho thấy, cả nước chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm, nhưng tỉ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Thống kê của UBND TP.Hà Nội cũng cho thấy, TP có khoảng hơn 5.700 km cống rãnh; hơn 250 km mương, sông, kênh; hơn 40.000 ga thu; hơn 110 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính…

Trong khi đó, Hà Nội có 6 nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động, gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ngày đêm). Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.

UBND TP. Hà Nội cũng thừa nhận tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải còn kéo dài và số dự án cần thực hiện vẫn chưa đáp ứng được Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 đề ra (còn 12 dự án cần được triển khai thực hiện). Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều khó khăn. Các công trình đầu mối, hạng mục ưu tiên đầu tư nhưng chưa được triển khai do vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước rất lớn, việc kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ riêng Hà Nội, nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối của TP.HCM. Báo cáo của TP này cho biết, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Tronng khi TP mới chỉ vận hành 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung với tổng công suất 302.000 m3/ngày đêm gồm: Bình Hưng giai đoạn 1 (công suất 141.000 m3/ ngày đêm), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000 m3/ ngày đêm), Tham Lương – Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày đêm).

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng, nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại, chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý. Mức thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém ước tính là khoảng 780 triệu Đô la Mỹ mỗi năm, tương đương 1,3% GDP.

Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại – dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn TP là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỉ lệ 21,2%).

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho biết Hà Nội hiện có nhiều nhà máy xử lý nước thải nhưng chỉ với công suất nhỏ, đáp ứng xử lý được khoảng 25 đến 30% lượng nước thải đô thị, lượng nước thải còn lại vẫn đang được xả thẳng ra các sông, hồ. Đây là một trong những nguồn thải có khối lượng và nồng độ ô nhiễm cao, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của TP, đặc biệt là suy thoái nguồn nước.

Hàng loạt chính sách ra đời

Để giải quyết bài toán xử lý nước thải trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý cho các vấn đề quản lý và xử lý nước thải, cũng như đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường. Kể từ khi ban hành tiêu chuẩn đầu tiên (TCVN 5945:1995) vào năm 1995, các quy định về chất lượng nước thải sau xử lý đã nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Nghị định 88 ban hành năm 2007 là cột mốc quan trọng đối với hoạt động quản lý nước thải đô thị và khu công nghiệp do Nghị định này khắc phục nhiều vấn đề cản trở sự phát triển hiệu quả của lĩnh vực này. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với những quy định về hệ thống thu gom, xử lý nước thải và quan trắc nước thải tự động của khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh lực hạ tầng kỹ thuật trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về Thoát nước và xử lý nước thải đã được hợp nhất và có hiệu lực từ ngày 15/2/2010. Theo đó, Nghị định quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có các quy định cụ thể về Đầu tư phát triển hệ thống thoát nước; Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; Đấu nối hệ thống thoát nước; Giá dịch vụ thoát nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải…

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải theo quy định đi kèm là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.

UBND TP.HCM cũng cho biết, để giải quyết bài toán xử lý nước thải trong thời gian tới, TP đã xây dựng Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045. Theo đó, đến năm 2025 khoảng 80% tổng lượng nước thải của TP sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường với khoảng 2.580.000 m3/ngày. Muốn như vậy, TP tập trung hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3; Hoàn thành dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 2); và mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải gồm: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum.

Chính quyền TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ xử lý nước thải 50%-55%. Thời gian qua, công tác triển khai xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, một trong những công trình trọng điểm cải thiện môi trường của TP.Hà Nội, được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao. Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy công suất 270.000 m3/ngày – đêm và 3 gói thầu thu gom nước thải gắn với sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần sông Nhuệ và các khu đô thị mới. Dự án này được kỳ vọng làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ…

Cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện kinh tế TN&MT TP.HCM, cho rằng để xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị lớn như TP.HCM đạt hiệu quả cao cần nhìn ở góc độ tổng thể. Hiện nay, hạ tầng thu gom nước thải của các TP là thu gom chung cả nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và cả nước biển. Do đó, nếu đưa lượng nước thải này về một nhà máy để xử lý thì không có quy trình công nghệ nào có thể xử lý hết được. Chưa kể, muốn đầu tư hàng loạt nhà máy xử lý nước thải này, cần phải tốn cả chục tỉ USD, nguồn vốn từ ngân sách không đảm đương nổi, còn kêu gọi nhà đầu tư thì phải chờ đợi lâu.

Theo TS Thuận, nên khoanh vùng thu gom theo từng vùng, sau thu gom sẽ đưa toàn bộ nước thải vào hồ sinh thái, xử lý bằng hệ thống sục khí tạo oxy cho vi sinh vật phát triển, tự cải thiện chất lượng nước theo thời gian. Ngoài chia nhỏ vùng thu gom, chính quyền TP cần quản lý “đầu vào” các nguồn xả thải, sớm nghiên cứu có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bột giặt, nước giặt, các loại mỹ phẩm… chuyển sang công nghệ không sử dụng xút tổng hợp mà sử dụng xút hữu cơ, thân thiện cho môi trường.

“Nếu xây các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch thì cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp… để việc xử lý đạt hiệu quả” – TS Thuận đề xuất.

Hà Lan – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý ở Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 13%.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/nan-giai-bai-toan-nuoc-thai-do-thi-56246.html