Theo cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, hoạt động của con người trong năm 2021 sẽ đẩy nồng độ CO2 trong khí quyển lên mức cao hơn 50% so với trước cuộc cách mạng công nghiệp.
Theo TTXVN, cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) ngày 8/1 cảnh báo hoạt động của con người trong năm 2021 sẽ đẩy nồng độ CO2 trong khí quyển lên mức cao hơn 50% so với trước cuộc cách mạng công nghiệp, vi phạm một ngưỡng mang tính biểu tượng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Ông Richard Betts, một nhà khoa học khí hậu tại Met Office cho biết sự tích tụ khí CO2 trong khí quyển do hoạt động của con người gây ra đang tăng tốc.
Trước đây, phải mất hơn 200 năm để lượng khí này trong khi quyển đạt mức tăng 25%. Nhưng bây giờ, thế giới chỉ cần hơn 30 năm để tiến tới mức tăng 50%.
Khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng sẽ khiến CO2 tiếp tục tích tụ trong khí quyển vào năm 2021, với nồng độ dự kiến lần đầu tiên vượt quá 417 phần triệu (ppm) trong vài tuần từ tháng 4-6/2021.
Met Office cho hay mức kỷ lục đó sẽ cao hơn 50% so với nồng độ 278 ppm ghi nhận trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên công nghiệp vào cuối thế kỷ 18.
Trong giai đoạn sau đó, nồng độ khí CO2 sẽ có sự sụt giảm theo chu kỳ do các loài thực vật phát triển ở Bắc Bán cầu vào mùa hè hấp thụ bớt CO2.
Từ tháng 9 trở đi, mức CO2 trong khi quyển sẽ tiếp tục tăng, với nồng độ trung bình hàng năm của loại khí gây hiệu ứng nhà kính này vào khoảng 416,3 ppm.
Met Office cho biết sau khi giảm mạnh vào mùa Xuân năm ngoái do các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lượng khí thải hầu như đã trở lại mức trước đại dịch.
Trước đó, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change ước tính khí thải trên toàn cầu có thể giảm tới 7% năm 2020. Tuy nhiên theo TS Pieter Tans – phòng giám sát khí thải gây hiệu ứng nhà kính của NOAA, dù lượng khí thải có thể giảm nhẹ, mật độ CO2 vẫn tăng.
Nhóm nghiên cứu lý giải dù lượng khí thải toàn cầu đã giảm 26% trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, nhưng không thể bù được cho lượng carbon mà cây trồng và đất thải ra khi phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm và nhiều yếu tố khác.
Sự tích tụ của CO2 dự kiến sẽ chậm hơn một chút so với bình thường vào năm 2021 do các kiểu thời tiết liên quan đến hiện tượng La Nina sẽ thúc đẩy sự bùng nổ tăng trưởng các vùng rừng nhiệt đới, qua đó hấp thụ bớt một số lượng khí thải.
Trước đó, các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ, nhiều CO2 trong khí quyển đồng nghĩa với nhiệt độ tăng lên, băng tan, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, và các đại dương bị axit hóa và gây hại với sinh vật biển.
Kể từ năm 1990, WMO cho biết khí nhà kính trong không khí đã gây ra sự gia tăng 45% tổng lực bức xạ – thuật ngữ chỉ tổng thể hiệu ứng ấm lên đối với khí hậu. Và CO2 chiếm 4/5 hiệu ứng này.
Giáo sư Taalas cho biết: “Chúng ta đã vượt ngưỡng toàn cầu là 400 phần triệu lượng CO2 vào năm 2015. Và chỉ bốn năm sau, chúng ta đã vượt qua 410 ppm. Tốc độ gia tăng như vậy chưa từng thấy trong lịch sử ghi chép của chúng tôi”.
CO2 là khí nhà kính quan trọng nhất tồn tại lâu dài trong khí quyển liên quan đến hoạt động của con người, đóng góp khoảng 2/3 lực bức xạ. Hàng năm mức CO2 trung bình trên toàn cầu là khoảng 410,5 ppm vào năm 2019, tăng từ 407,9 ppm vào năm 2018, đã vượt qua mốc 400 ppm ở 2015. Mức tăng CO2 từ năm 2018 đến năm 2019 lớn hơn mức tăng từ năm 2017 đến 2018 và cũng lớn hơn mức trung bình trong thập kỷ qua.
Phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng, phá rừng và các hoạt động thay đổi sử dụng đất khác đã đẩy CO2 trong khí quyển năm 2019 lên 148% so với 278 ppm ở giai đoạn tiền công nghiệp khi có một sự cân bằng giữa khí quyển, đại dương và sinh quyển đất liền. Trong thập kỷ trước, khoảng 44% CO2 vẫn còn trong khí quyển, trong khi 23% được hấp thụ bởi đại dương và 29% từ đất liền, với 4% không được phân bổ.
Hà Linh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Hoạt động con người sẽ khiến nồng độ CO2 cao hơn 50% so với trước cuộc cách mạng công nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)
Xem bài viết gốc tại đây: