Mưa lũ kèm động đất càng làm tăng nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp

Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp càng lớn trong bối cảnh mưa lớn dai dẳng, lở đất và cả động đất khiến con đập phải chịu thách thức nặng nề nhất khi từ khi xây dựng.

Mưa lớn và liên tục tại miền nam Trung Quốc đã bước vào tháng thứ hai. Ngày 2-7, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc ra cảnh báo mưa lớn khắp nước này cho ngày thứ 31 liên tiếp.

106 người chết và mất tích

Theo thông tin từ báo New York Times, mưa lớn dài ngày ở miền nam Trung Quốc đã làm 106 người chết và mất tích, chưa kể 15 triệu người bị ảnh hưởng, một lượng lớn nhà cửa bị lũ cuốn, hư hại.

Theo Taiwannews, từ cuối tháng 6, Phượng Hoàng cổ trấn với hơn 2.000 năm lịch sử ở tỉnh Hồ Nam nằm gần đập Tam Hiệp bị ngập nặng. Nước tràn ngập các con đường, cao tới cả vai người dân.

Ngày 1-7, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết tính từ tháng 6 đã có 250 con sông khắp nước hứng lũ vượt mức cảnh báo, đặc biệt báo động ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quỳ Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Tứ Xuyên, An Huy, và TP Trùng Khánh.

Sơ tán người dân vùng lũ ở Trùng Khánh tuần này. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Bộ Tài nguyên nước đã ra “cảnh báo xanh dương” với các địa phương gần một số con sông, khu vực đập Tam Hiệp, và các nhánh thượng nguồn sông Dương Tử.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, ngày 2-7, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc thông báo đã kích hoạt mức ứng phó khẩn cấp bốn (mức thấp nhất trong hệ thống cảnh báo bốn mức) nhằm kiểm soát lũ.

Đập Tam Hiệp mở ba cửa xả lũ

Theo đài CGTN (Trung Quốc), đến chiều ngày 2-7, sông Dương Tử và đập Tam Hiệp đều đã đạt đỉnh lũ.

Theo báo Taiwannews, nhà quản lý đập Tam Hiệp đã ra cảnh báo đợt lũ số 1 với con đập này. Theo quy định, khi lượng nước đổ vào hồ chứa đập Tam Hiệp lên tới mức 50.000 m3/giây và mực nước dâng cao đến mức cảnh báo, thì nhà quản lý sẽ ra cảnh báo lũ.

10 giờ sáng 2-7, Ủy ban Nguồn nước Trường Giang thông báo mức nước chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp đạt 50.000m3/giây, đạt mức năm 1998. Vào trưa cùng ngày, Ủy ban Nguồn nước Trường Giang ra cảnh báo khẩn với các nhánh thượng nguồn sông Dương Tử rằng có thể hứng đợt lũ số 1 của năm 2020.

Tính đến thời điểm này, đập Tam Hiệp đã mở ba cửa xả lũ. Hai cổng được mở vào sáng 29-6. Đây là đợt xả lũ có thông báo chính thức đầu tiên của đập Tam Hiệp trong năm nay, trước đó nhiều người dân địa phương nghi ngờ đập Tam Hiệp cũng đã xả lũ nhưng không thông báo, khiến các địa phương hạ nguồn sông Dương Tử bị ngập nặng.

Mục tiêu của đợt xả lũ này là nhằm giảm mực nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp về mức an toàn 145 m, so với mức cao nguy hiểm 147 m ngày 21-6, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2 m.

Bên cạnh đập Tam Hiệp, đập Tiểu Lãng Để được xây dựng trên sông Hoàng Hà (lớn thứ hai Trung Quốc) cũng đang xả lũ. Tân Hoa xã cho biết sông Hoàng Hà sắp tới sẽ vào mùa lũ lớn, kéo dài từ đầu tháng 7 đến hết tháng 10.

Các quan chức Trung Quốc vẫn nhiều lần khẳng định không cần phải lo lắng về nguy cơ con đập bị vỡ. Tuy nhiên cư dân mạng vẫn tiếp tục đồn đoán về khả năng trụ được của đập Tam Hiệp trong bối cảnh mưa lớn dai dẳng, lở đất và cả động đất khiến con đập này đang phải chịu thách thức nặng nề nhất khi từ khi hoàn thành xây dựng năm 2003.

Trận động đất mạnh 3,2 độ Richter xảy ra vào bốn giờ sáng 2-7 ở huyện Nhược Nhĩ Cái thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở độ sâu tám km, theo Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc. Trận động đất có cường độ nhẹ nhưng tâm chấn nông dẫn đến lo ngại sẽ kéo theo lở đất và đe dọa đến sự an toàn của đập Tam Hiệp.

ĐĂNG KHOA – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Đập Tam Hiệp đã mở đến ba cửa xả lũ. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/quoc-te/mua-lu-kem-dong-dat-cang-lam-tang-nguy-co-vo-dap-tam-hiep-922217.html