Sau hơn 10 năm triển khai, tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023, sau nhiều khó khăn về giải ngân vốn, sự cố kỹ thuật và chi phí vận hành, đào tạo nhân sự.
15 năm, thời gian đủ để một đứa trẻ được sinh ra đời và lớn lên, nhưng để hoàn thành một tuyến metro ở TP.HCM, người dân sẽ phải chờ đợi nhiều hơn như thế.
8 tuyến metro của TP.HCM được nhắm đến nhằm hóa giải tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí của siêu đô thị lớn nhất cả nước. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ, “lời hứa” tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đến nay trở thành nỗi thất vọng cho cư dân thành phố.
Lùi tiến độ
4 năm đại học, 6 năm ra trường (2012-2022), Phan Ngọc Phương Văn (28 tuổi, nhân viên truyền thông, cựu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) không còn hồ hởi khi nhắc đến dự án metro số 1.
“Nhiều thế hệ sinh viên từng nghĩ có thể đi học bằng tàu điện giờ đã ra trường, đi làm, một số người có gia đình, sinh con, thế nhưng bóng dáng metro vẫn chưa thấy. Cột mốc hoàn thành metro vẫn rất mơ hồ”, Phương Văn nói.
Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, có điểm đầu từ Bến Thành đến depot Long Bình, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án được duyệt năm 2007 và đến 2012 mới khởi công. Với cột mốc này, công trình dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2018.
Tuy nhiên, dự án liên tục gặp khó khăn về vốn trong quá trình triển khai, khiến TP.HCM nhiều lần tạm ứng ngân sách thanh toán cho nhà thầu, nhân viên… Đỉnh điểm, cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến lãnh đạo TP.HCM cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.
Các đoàn tàu của tuyến metro số 1 đã nhập về toàn bộ và đặt tại depot Long Bình. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đến cuối năm 2019, Quốc hội mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với trước. Việc duyệt điều chỉnh giúp dự án được gỡ nút thắt kéo dài, bởi đây là cơ sở để Trung ương bố trí vốn ODA mà thành phố vay lại.
Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro 1, số 2, 3a và số 4 nên thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến được dời lần thứ hai đến cuối năm 2021.
Lần thứ 3, vào tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR – chủ đầu tư) tiếp tục báo cáo về việc lùi thời gian hoàn thành metro số 1 lại cuối năm 2023 với cam kết không phát sinh chi phí.
Mặt khác, sự cố rơi, trượt gối cầu cao su metro số 1 sau 2 năm xảy ra, kể từ tháng 10/2020 đến nay vẫn dừng lại ở báo cáo nguyên nhân sơ bộ. Hồi tháng 3, Cơ quan Thường trực hội đồng (thuộc Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng) cũng đánh giá chủ đầu tư đã chậm trễ trong việc kết luận về nguyên nhân sự cố và giải pháp khắc phục sửa chữa.
Thiếu kinh phí
Tính đến tháng 10 năm nay, tổng khối lượng dự án hiện đạt 93% với 17 đoàn tàu được nhập về chờ thử nghiệm. Theo kế hoạch, sau bước thử nghiệm đánh giá kỹ thuật, tàu metro tiếp tục được thử nghiệm trên tuyến chính rồi nghiệm thu, đưa vào khai thác.
Tuy nhiên đến nay, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đơn vị chuẩn bị nhân sự, công tác vận hành tuyến metro số 1), lại đối mặt với vấn đề thiếu kinh phí hoạt động. Gần cả năm qua, công ty không có tiền trả lương cho toàn bộ nhân viên và lãnh đạo quản lý, số tiền nợ lương đến nay đã lên 2,9 tỷ đồng, khoản nợ bảo hiểm khoảng 330 triệu đồng.
Đơn vị vận hành, chuẩn bị nhân sự cho tuyến metro số 1 đang đối mặt với khó khăn về kinh phí duy trì hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh.
Hồi tháng 10, đơn vị vận hành metro số 1 đã gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND TP gửi Chính phủ về tạm ứng kinh phí từ ngân sách để đảm bảo hoạt động, trong thời gian chờ các thủ tục được cấp bổ sung vốn điều lệ, để thanh toán các khoản nợ lương của người lao động và các khoản nợ về bảo hiểm xã hội, y tế và tai nạn.
Trước tình huống cấp bách này, JICA – nhà tài trợ metro số 1 cũng có thư gửi lãnh đạo UBND TP.HCM, đề nghị sớm giải quyết kinh phí để đảm bảo hoạt động Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1.
JICA nhìn nhận việc thiếu kinh phí, nhân sự là vấn đề rất nghiêm trọng bởi đây là vấn đề rất nghiêm trọng bởi đây là nhân tố rủi ro lớn đối với việc đảm bảo đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại đúng tiến độ.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ khoa học Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, cho biết từng trong hoàn cảnh tương tự với đơn vị vận hành metro số 1 TP.HCM, Hà Nội metro đã khởi đầu với “5 không”: Không trụ sở, không kinh phí, không nhân sự, không phương tiện đi lại và không tài sản.
“Chúng tôi phải đối mặt với 2 vấn đề là làm sao để giữ chân được nhân sự và sử dụng thời gian chờ đợi đó làm sao để hiệu quả nhất. Trong thời gian chờ nhận bàn giao dự án, vấn đề lương, phụ cấp cũng ảnh hưởng lớn đến tâm tư nguyện vọng của người lao động”, ông Trường cho biết.
Tàu Cát Linh – Hà Đông từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Ảnh: Việt Linh.
Tuy nhiên, thời gian đã sàng lọc để giữ lại những người thực sự đam mê, tâm huyết với nghề. “Khi công trình đi vào khai thác đảm bảo an toàn, được người dân ủng hộ, đó là niềm động viên an ủi cho những tháng ngày vất vả của đội ngũ nhân sự của Hanoi Metro”, ông Trường chia sẻ.
Trong bối cảnh khó khăn mà đơn vị vận hành metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang gặp phải, ông Trường cho biết luôn sẵn sàng đón nhận học viên từ TP.HCM đến Hà Nội để hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn. “Việc này có thể giúp thành phố tiết kiệm chi phí rất nhiều, thực tiễn chúng ta đã có tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hoạt động rất hiệu quả”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nói.
Thư Trần – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/mot-thap-ky-chat-vat-cua-metro-so-1-post1372562.html