Một số dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM gặp khó chờ tháo gỡ

Metro số 1 và 2 xin lùi tiến độ 5 năm vì những khó khăn chưa được xử lý, nhà ga T3 – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị vướng mặt bằng…

Hiện nay các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM đang được khẩn trương thực hiện, trong số này có dự án thành phần 1 và 2 thuộc dự án vành đai 3; dự án đường sắt số 1 và số 2; nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, những dự án này hiện đang gặp một số khó khăn chưa được tháo gỡ.

Đẩy nhanh tiến độ, khởi công Vành đai 3 vào giữa năm 2023

Dự án vành đai 3 đã cắm cột mốc ranh GPMB đoạn TP Thủ Đức

Dự án vành đai 3 đã cắm cột mốc ranh GPMB đoạn TP Thủ Đức

Năm 2023 là năm thành phố sẽ khởi công dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thành phố đã chuẩn bị hơn 10 năm nay.

Dự án vành đai 3, có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Binh Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên… Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Theo Ban quản quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM, đối với dự án thành phần 1 “xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc)” đến nay đang được triển khai đúng tiến độ.

Cụ thể, chủ đầu tư đã triển khai xong công tác chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và đang lập dự án đầu tư để trình duyệt vào ngày 30/11. Song song đó các công tác liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, mỏ vật liệu, khung tiêu chuẩn, thiết kế điển hình cho dự án, điều chỉnh 30 đồ án quy hoạch phân khu cũng đang được Ban phối hợp với Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở QH&KT, Sở TN&MT cùng các sở ngành liên quan và 4 địa phương khẩn trương thực hiện để hoàn thành đồng bộ với dự án đầu tư.

Về công tác bàn giao ranh mốc, đến nay đã hoàn tất công tác bàn giao cho 9/13 xã, phường. 4 xã, phường còn lại bao gồm: xã Phạm Văn Hai, xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và phường Long Trường, Long Bình (TP Thủ Đức).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình giao thông TP cho biết, dự kiến 30/6/2023 có 70% mặt bằng sạch, đủ điều kiện để khởi công dự án vành đai 3. Sau đó, dự án cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Để dự án sớm triển khai, theo ông Phúc, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, hỗ trợ các địa phương các vấn đề kỹ thuật phức tạp như khung tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho dự án, để chủ đầu tư hoàn thiện làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bộ Tài Nguyên và Môi trường quan tâm, sớm xem xét thẩm định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định, tác động môi trường trước ngày 25/11.

Lùi thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 và 2

Đối với dự án metro số 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tổng khối lượng dự án đạt 93%. Tuy nhiên, dự án đã được điều chỉnh lại thời gian hoàn thành thay vì khai thác vào năm 2023 thì dự án sẽ lùi lại đến năm 2028.

Nguyên do sự tồn đọng chính của công tác đàm phán, hoàn thành ký kết Phụ lục Hợp đồng số 19 của Hợp đồng Tư vấn chung giữa Chủ đầu tư dự án và Liên danh tư vấn NJPT kéo dài do các thay đổi về trình tự, quy định, pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phát sinh. Công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian…

Còn tuyến metro số 2, hiện GPMB đạt 85,49% (501/586 trường hợp bàn giao mặt bằng). Kinh phí giải ngân đạt 85%. Dự án có 8 gói thầu xây lắp, đến nay gói thầu xây dựng tòa nhà văn phòng depot Tham Lương (gói thầu CP1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các gói thầu còn lại của dự án đang được cập nhật để chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu. Thế nhưng, mới đây UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép UBND TP điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án năm 2030 và 2 năm cho công việc sửa chữa các khiếm khuyết…

Lý do gia hạn thời gian hoàn thành được đưa ra là công tác bồi thường GPMB dự án chậm, ban đầu xác định hoàn tất cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Công tác đấu thầu gói thầu chính CP3a/b (xây dựng đoạn đi ngầm) phải hủy thầu để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, dẫn đến không thể trao thầu theo kế hoạch….

Những khó khăn cần giải quyết

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, về vấn đề giải ngân, hiện tuyến metro số 1 được giao là 1.704,6 tỷ đồng; thực hiện giải ngân năm 2021 là 36,182 tỷ đồng và dự kiến giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2022 (1.343,6 tỷ đồng). Như vậy số vốn trung hạn đã giao không còn để phân bổ cho các năm sau (trước mắt năm 2023 dự kiến nhu cầu là 1.344 tỷ đồng).

Do đó, Ban đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh hợp đồng cho vay lại và các công việc tiếp theo. Cụ thể hoàn tất vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021 – 2025. Hoàn tất việc ký kết thỏa thuận vay số 4 và điều chỉnh giá trị vay lại.

Về vấn đề khai thác, tuyến đường sắt đô thị số 1 nói riêng và các tuyến đường sắt đô thị khác nói chung phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Các tiêu chuẩn thiết kế, thi công, khai thác đang áp dụng theo tiêu chuẩn nước ngoài, dẫn đến sự thiếu đồng bộ về công nghệ, thiết kế, vận hành, khai thác.

Trước thực trạng đó, Ban kiến nghị Bộ GTVT sớm chủ trì soạn thảo, ban hành các quy chuấn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn về thiết kế đường sắt đô thị khổ đường 1435mm, thi công và nghiệm thu đường sắt đô thị, khai thác đường sắt đô thị,… làm cơ sở triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ, giảm chi phí trong quản lý và tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ đường sắt đô thị. Đồng thời xem xét điều chỉnh nội dung cấp/thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo hướng phân quyền cho UBND cấp tỉnh đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị.

Riêng dự án nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa) được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2020, với công suất 20 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp khoảng 1.494 tỷ đồng, chi phí bồi thường GPMB khoảng 2.412 tỷ đồng). Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công đầu tháng 10, tuy nhiên tới nay việc khởi công chưa thể diễn ra do vướng GPMB.

Theo Sở GTVT TP.HCM, khó khăn lớn nhất của dự án là vướng mặt bằng khoảng 15,5ha đất quốc phòng và việc cung cấp hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất, thời điềm xây dựng các công trình. TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Quốc phòng bàn giao trước 11,89ha cho thành phố quản lý để triển khai dự án. Công tác bàn giao mặt bằng chậm nhất tháng 12/2022 hoàn tất chi trả tiền bồi thường.

“Để đảm bảo được tiến độ này thì dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa phải có toàn bộ mặt bằng thi công đoạn từ đường Thăng Long đến cuối tuyến chậm nhất trong tháng 3/2023. Nếu được giao đủ mặt bằng, công trình nhà ga T3 dự kiến hoàn thành tháng 9/2024”, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Anh Thư – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Đoàn tàu sẽ được chạy thử trước khi vận hành chính thức. Ảnh: Đỗ Loan

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/mot-so-du-an-giao-thong-trong-diem-o-tphcm-gap-kho-cho-thao-go-d572209.html