Hóa chất Amoniac (NH3) là hóa chất có độc tính cao, khi xảy ra sự cố sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe con người & môi trường xung quanh do cháy, nổ, phát tán chất độc,…
Trên thực tế, lượng hóa chất NH3 cũng như các sản phẩm liên quan đến hóa chất NH3 được sản xuất và sử dụng ngày càng tăng và rộng rãi trên nhiều lĩnh vực trong công nghiệp hóa chất nói chung và đời sống nói riêng. Từ đó tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm nếu để xảy ra các sự cố rò rỉ hay cháy, nổ trong quá trình sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất NH3.
Thực tế, trong thời gian qua ở Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến hóa chất NH3 gây ảnh hưởng lớn về người, tài sản và môi trường như: Vụ rò rỉ khí NH3 tại Trạm chiết Gas Amoniac thuộc Công ty TNHH Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh, TP.HCM) xảy ra vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 10/10/2017 khiến 4 người phải nhập viện; hàng chục gia súc, gia cầm của người dân tại khu vực chết vì ngạt khí; hơn 1.200 người phải sơ tán khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Hay vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Amoniac tại Nhà máy sản xuất nước đá Phi Hùng (P.Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) xảy ra vào ngày 10/12/2018 làm nhiều hộ dân sống lân cận hoảng loạn, 13 công nhân nữ của công ty bị ngạt khí phải đi cấp cứu và ảnh hưởng đến môi trường trên phạm vi rộng xung quanh.
Để khắc phục các sự cố hóa chất NH3, đã tìm ra nhiều phương pháp xử lý nhằm khắc phục sự cố như các phương pháp cơ học, phương pháp hóa học, phương pháp sinh học… Tuy nhiên, trong quá trình xử lý sự cố hóa chất NH3 còn gặp nhiều khó khăn chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, cần có các biện pháp hiệu quả hơn để xử lý các sự cố liên quan loại hóa chất này.
1. Đặc điểm khi xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất NH3
Khí NH3 là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, NH3 là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước. Khí NH3 thường bị nén dưới dạng lỏng khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi, ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Vì vậy, khí NH3 rất nguy hiểm bởi tốc độ lan rộng của hơi nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê rất hẹp, một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao.
Đặc điểm của hóa chất NH3 bị rò rỉ thường xuất phát ở một điểm nhỏ. Sau đó phát tán rất nhanh, diện tích tác động tăng nhanh theo thời gian nếu không xử lý kịp thời. Khi rò rỉ sẽ trực tiếp thoát ra môi trường chiếm thể tích khu vực xảy ra sự cố gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người trong cơ sở và khu dân cư xung quanh, đăc biệt là các cơ sở, khu dân cư cuối hướng gió.
Mức độ nguy hiểm của khí NH3 đối với cơ thể phụ thuộc vào đường tiếp xúc cũng như liều lượng và thời gian. Ở nồng độ cao, khí này có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Hít phải khí NH3 nồng độ thấp hơn sẽ gây ho, kích ứng mũi, họng, nuốt vào cơ thể gây bỏng miệng, họng và dạ dày. Khi xâm nhập vào người, NH3 tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành Amoni hydroxit (NH4OH), hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào; các mô tổn thương lại bị thoát dịch sẽ làm biến đổi Amoniac thành Amoni Hydroxit (NH4OH) tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa; chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng; các tổn thương ở đường hô hấp có thể dẫn tới bệnh phổi mạn tính.
Đối với môi trường: Khí NH3 nhẹ hơn không khí nên thường không tụ lại ở những nơi thấp nhưng trong môi trường ẩm ướt, NH3 có thể chuyển thành dạng hơi nước nặng hơn không khí, có thể lan ra trên mặt đất và những vùng thấp. Khi nồng độ NH3 cao khiến cho động vật xung quanh chết, cây trồng bị khô héo, rụng lá.
2. Biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất NH3
Trong khắc phục sự cố hóa chất nói chung, các biện pháp xử lý đều hướng đến mục tiêu ngăn chặn hóa chất phát tán rộng ra môi trường xung quanh, ngăn chặn hóa chất tiếp tục rò rỉ và cuối cùng là thu hồi lượng hóa chất đã rò rỉ ra môi trường.
2.1 Trường hợp sự cố rò rỉ hóa chất tại nơi sản xuất hóa chất NH3
Nơi sản xuất thường là các công ty sản xuất phân đạm và các công ty khí hóa lỏng với quy mô lớn, được trang bị hệ thống cảm biến rò rỉ NH3. Khi có sự cố xảy ra, các thiết bị báo động sẽ hoạt động thông báo đến lực lượng chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cơ sở. Lực lượng cơ sở được đào tạo và có trách nhiệm xử lý tình huống cần phải hành động ngay để xác định vị trí đánh giá mức độ sự cố và kiểm soát tình hình trong khả năng. Thiết bị thở và quần áo bảo hộ chuyên dùng phải được mặc, tất cả những người khác phải tránh xa khu vực bị ảnh hưởng và đứng ở đầu gió nếu có thể.
Nếu rò rỉ xảy ra trong thiết bị hoặc đường ống, phải ngừng vận hành ngay và cẩn thận xả khí NH3 từ hệ thống trước khi cố gắng tháo gỡ bất cứ bộ phận nào để sửa chữa. Sự xuất hiện của tuyết trên bề mặt ngoài của đường ống cho thấy sự có mặt của khí NH3 lỏng hóa hơi trong hệ thống, tuyết phải được làm tan trước khi mở bất kỳ mối ghép nào. Nếu cần hàn, hệ thống cần được làm sạch hết NH3 và dầu mỡ.
Nếu sự cố vượt quá khả năng của lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở thì ngay lập tức thông báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến ứng cứu đồng thời báo động toàn công ty nhanh chóng sơ tán công nhân viên đến nơi an toàn và cảnh báo đến các hộ dân xung quanh.
2.2 Trường hợp sự cố xảy ra khi vận chuyển, sang chiết hóa chất NH3
Xe bồn, trạm bơm hóa chất NH3 là những nơi thường xảy ra sự cố rò rỉ trong quá trình vận chuyển, sang chiết. Đây là nơi mà người lao động thường xuyên tiếp xúc, lao động trong nơi có khả năng cao xảy ra sự cố. Người làm việc cần đeo mặt nạ hoặc kính đeo mắt và khẩu trang ướt, đi ủng và găng tay cao su butyl để phòng hộ. Lúc này rò rỉ khí NH3 dễ dàng phát hiện bởi mùi cay, vị trí nơi rò rỉ nhỏ có thể xác định bởi giấy phenol ướt hoặc giấy quỳ. Tốc độ và mức độ đổi màu của giấy thử sẽ chỉ rõ mức độ rò rỉ, giấy phenol sẽ đổi từ màu trắng sang màu hồng hoặc đỏ đậm, giấy quỳ sẽ ngả màu xanh.
Nếu có rò rỉ cần nhanh chóng khóa ngắt nguồn phát hóa chất, cần nhanh chóng nằm thấp để tránh luồng khí NH3; bịt mũi bằng khẩu trang ướt và rời khỏi nơi ô nhiễm theo hướng ngược chiều gió. Trong trường hợp sự cố van bình bị hỏng và có một lượng lớn NH3 lỏng bị thoát ra, có thể dùng đất, cát để ngăn hoặc đào hố chứa NH3 lỏng để giảm khả năng tràn rộng và hạn chế sự bốc hơi chất này. Có thể dùng bọt bình bọt cứu hỏa hoặc tấm nhựa để che lên bề mặt NH3 lỏng. Nếu không có đất, cát hoặc không đào được hố chứa NH3 lỏng thì có thể tìm cách quay thùng chứa NH3 lỏng sao cho van ở vị trí cao nhất nhằm hạn chế tốc độ NH3 thoát ra (một lít NH3 thể lỏng thoát ra tương đương với 1000 lít khí NH3).
Nhanh chóng thông báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để xử lý sự cố đồng thời hô hoán cho người dân xung quanh tránh xa sự cố.
Một yếu tố vô cùng nguy hiểm khi rò rỉ hóa chất NH3 của các xe bồn vận chuyển là xảy ra sự cố khi đang tham gia giao thông. Lúc này, mật độ phương tiện giao thông đa dạng, các lứa tuổi người nằm trong khu vực ảnh hưởng của hóa chất trải rộng; dòng phương tiện tham gia giao thông qua khu vực xảy ra sự cố cũng khó kiểm soát. Vì vậy, yếu tố tiên quyết cực kì quan trọng trong xử lý sự cố rò rỉ NH3 của các xe bồn vận chuyển khi tham gia giao thông là di tản người dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng ngay lập tức; phong tỏa giao thông khu vực xảy ra sự cố, ngăn dòng phương tiện đi vào hướng khu vực ảnh hưởng của hóa chất.
Việc phong tỏa và di tản khu vực xảy ra sự cố được thực hiện bởi chủ phương tiện, người đã được đào tạo, tập huấn bài bản trong tình huống này. Bên cạnh đó, những người dân có khả năng hỗ trợ, cơ quan chức năng như Cảnh sát PCCC&CNCH, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khu vực,…
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy triển khai màng ngăn bằng nước để ngăn ngừa phát tán ra môi trường; sử dụng các lăng chữa cháy đa tác dụng hoặc dùng vòi đục lỗ (sản phẩm sáng kiến cải tiến của Trường đại học Phòng cháy chữa cháy)
2.3 Trường hợp sự cố rò rỉ hóa chất xảy ra tại các hộ kinh doanh
Các hộ kinh doanh là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, đôi khi là các hộ dân. Đây là các vị trí xảy ra sự cố có tính chất phức tạp và nguy hiểm, các hộ kinh doanh này có vị trí thường là trong các khu dân cư nên đôi khi lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH mất nhiều thời gian để tiếp cận.
Mặc dù trữ lượng hóa chất NH3 không lớn so với nơi sản xuất nhưng điều kiện về an toàn phòng cháy, trang bị phương tiện chưa cao; người dân thiếu kiến thức và kinh nghiệm ứng phó và đa số không có lực lượng ứng cứu tại chỗ nên khi xảy ra sự cố thì có thể xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng về con người, môi trường và vật nuôi.
Khì rò rỉ hóa chất phải tắt hệ thống nguồn phát hóa chất NH3, nhanh chóng thông báo cho mọi người xung quanh để di tản tránh xa nơi xảy ra sự cố, đồng thời cấp báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến ứng cứu, chú ý luôn luôn đi ngược chiều gió. Khi bị kẹt trong vùng bị ảnh hưởng NH3, cần hạn chế thở và chỉ mở mắt khi cần thiết vì hơi NH3 nhẹ hơn không khí nên người bị kẹt cần giữ tư thế thấp sát mặt sàn trong khi tìm đường thoát ra; nếu thiết bị thở không có sẵn có thể dùng khăn ướt để bịt mũi và miệng. Khi đến nơi an toàn cởi bỏ quần áo có dính khí độc, rửa sạch NH3 dính trên cơ thể bằng nước sạch.
Những sự cố rò rỉ hóa chất tại các cơ sở này thường chỉ phát hiện khi sự cố đã xảy ra được một thời gian, hóa chất đã rò rỉ khối lượng lớn ra môi trường và người dân nhận biết qua mùi. Lúc này, lượng hóa chất rò rỉ sẽ ảnh hưởng tới con người nên khâu sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Các bước sơ cứu người bị ngộ độc khí NH3 được trình bày như sau:
– Bước 1: Người cứu nạn nhân bị ngộ độc Amoniac phải dùng mặt nạ phòng độc;
– Bước 2: Di chuyển nạn nhân ra nơi an toàn;
– Bước 3: Cởi bỏ quần, áo có nhiễm khí độc cho nạn nhân;
– Bước 4: Cho đồ vào túi nhựa buộc kín và để nơi an toàn tránh lây nhiễm;
Nếu có nạn nhân hôn mê cần làm hô hấp nhân tạo đến khi tỉnh; trường hợp bệnh nhân không tỉnh, tiếp tục hà hơi thổi ngạt cho tới khi có nhân viên y tế tới hỗ trợ.
3. Một số yêu cầu khi sơ cứu tai nạn do NH3 gây ra
– Sơ cứu khi hít phải NH3: Chuyển nạn nhân khỏi khu vực bị ô nhiễm (trong khi phải chú ý bảo vệ cho mình), hô hấp nhân tạo hoặc nếu có điều kiện thì cho thở oxy. Giữ nạn nhân nằm ấm và yên tĩnh. Lưu ý các vết thương ở phổi có thể còn tiến triển sau 18-24 giờ. Nếu nạn nhân bị ngất cần xoa bóp lồng ngực và nhanh chóng đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.
– Sơ cứu các tại nạn ở mắt do tiếp xúc với NH3: Chuyển nạn nhân khỏi nguồn ô nhiễm và nhanh chóng rửa mắt bằng nước sạch hoặc vòi sen. Nhanh chóng nhưng nhẹ nhàng lau sạch các vết hóa chất. Tiếp tục rửa mắt (có thể cả 2 mắt) bằng dòng nước chảy nhẹ 15 phút hoặc lâu hơn và đưa đẩy tròng mắt về các phía cho sạch. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.
– Sơ cứu các tai nạn do da tiếp xúc với NH3: Dùng nước để xử lý quần áo, găng tay, ủng dính NH3. Không chà xát hoặc dùng thuốc mỡ bôi lên vết thương trên da;
Chuyển nạn nhân khỏi vùng bị ô nhiễm và nhanh chóng tắm rửa nạn nhân bằng nước sạch hoặc vòi sen (chú ý bảo vệ mắt). Rửa khoảng 1 giờ hoặc hơn. Sau đó cần đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.
– Sơ cứu khi uống hoặc nuốt phải NH3: Nới lỏng cà vạt, khăn, cổ áo nạn nhân và cho nạn nhân súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh và nhổ đi. Tiếp tục cho nạn nhân uống 1-2 chén sữa. Không gây nôn và không cho nạn nhân uống các loại dầu với mục đích trung hòa axit, không cho nạn nhân uống natri cacbonat hoặc các loại nước giải khát có ga. Nếu nạn nhân nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi. Sau đó cần đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.
Th.S: Diệp Xuân Hải và KS: Vương Văn Khôi
Khoa Cứu nạn Cứu hộ – Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ lao động- Thương binh và Xã hội- Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 2, Sổ tay “An toàn khi làm việc với hoá chất”;
2. TCVN 5507- 1991 “Quy phạm An toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm”;
3. Trường Đại học PCCC, Tập bài giảng ‘‘Tổ chức cứu nạn cứu hộ trong một số sự cố đặc biệt’’.
Theo congnghiepmoitruong.vn
Ảnh: Tình huống giả định của buổi diễn tập ứng phó với sự cố xì hở hóa chất Amoniac tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Nguồn ảnh: Trung tâm Ứng phó sự cố và an toàn Hóa chất.