‘Moi ruột’ Vườn Quốc gia trên nóc nhà Đông Dương!

Chúng tôi thật sự không tin vào tai và mắt mình nữa, khi hòa cùng “lâm tặc” trực tiếp chứng kiến cảnh phá rừng pơ mu cổ thụ, tàn sát vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chuyện mới diễn ra vào nửa cuối tháng 4 năm 2021 này! Màu gỗ pơ mu lúc trắng toát, khi vàng ươm. Các lão mộc tinh, báu vật của nóc nhà Đông Dương (đỉnh cao nhất là Phan Xi Păng, 3.143m so với mực nước biển) đã bị xẻ thịt.

Thoảng trong gió, lan man dọc con suối hoang vu đang gầm réo, chốc chốc, tôi cứ ngỡ mình đang gặp mùi nhang khói trong một buổi mặc niệm tống tiễn linh hồn Mẹ Rừng.

Một cây pơ mu thuộc vùng lõi VQG Hoàng Liên bị cưa xẻ thành tấm để dễ vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Lam Anh

Kho báu thiên nhiên, rừng pơ mu nghìn năm tuổi trên Vườn Quốc gia, Vườn Di sản ASEAN, nóc nhà Việt Nam sẽ bị xóa sổ trong bao lâu nữa? Câu trả lời: Không biết điều gì đang đợi chúng ta, nếu không có một bàn thay thép. Hiện nay, cơ bản chúng đã rỗng ruột rồi!

Bài 1: Nhật ký “giết rừng” cổ thụ ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Từ một khách sạn ở Sa Pa, chúng tôi dậy lúc 5 giờ sáng để bắt đầu hành trình “nhập vai” làm “lâm tặc”. Mang theo đồ ăn mặn để tránh bị thiu, cõng thêm giỏ cơm nắm và mấy cái lều sinh tồn khi cần qua đêm trong rừng già hoang lạnh.

Sau 1,5 giờ lái xe, xe hai cầu đời mới nhất mà vẫn trầy trật trồi thụt pa-ti-nê. Có lúc mây mù phủ kín mặt đường đầy ổ voi ổ trâu, đồng nghiệp lâm tặc phải xuống cởi áo trắng ra vẫy để “xi nhan” tránh bị rơi xuống ta luy âm.

Lúc về, trời tối, sương đặc quánh, trước ánh đèn pha đục như nước vo gạo, có khi chúng tôi chỉ còn nước kiên trì ngồi chờ màu sương nhạt bớt mới dám đi…

Trung tâm thị xã Sa Pa lúc 5h sáng, nơi Nhóm PV xuất phát. Ảnh: Hoàng Chiên

Anh bạn dẫn đường tên là A Sử, giống cái tên gã vũ phu trong “Vợ chồng A Phủ” của cố nhà văn Tô Hoài. Sử nhận lời dẫn đường cho chúng tôi “đi du lịch bụi” khám phá Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nhà ở cách trung tâm du lịch Sa Pa độ 15km, song, Sử kiên quyết tự lái xe máy, đánh vật với các cung đường trơn dốc để bám theo chúng tôi.

Vào sâu trong phía rừng già, mới thấy Sử thâm ý. Đường sống trâu, lối đi trườn trong bùn nhão thế này thì đi xe máy sướng hơn ngồi ô tô nhiều.

Hai nữa, khi xe ô tô không thể bò được nữa, xe máy của A Sử sẽ “tăng bo” đưa anh em vào sát cửa rừng thêm vài cây số, thay vì lếch thếch lội bộ dọc các lối mòn chỉ bé bằng bụng ngựa.

Tiếng cưa máy như ong vỡ tổ, rừng ngã đổ chặn kín lối đi

Giấu xe vào một góc khuất bìa núi. Chúng tôi bắt đầu đi bộ từ một cụm dân cư nhỏ bé của người Mông thuộc thôn Dền Thàng, xã Tả Van, Sa Pa. Nơi đây, gỗ pơ mu được sử dụng làm ván thưng dựng nhà, làm cọc rào, làm ván trải đường, làm cống dẫn nước, làm máng cho lợn ăn, làm thùng chứa nước, làm mái lợp mọi công trình (kể cả chuồng gà lợn).

Chúng tôi đi đường nhánh, qua các cầu gỗ bé xíu hổng hoác bắc qua suối, vậy mà vẫn bị một thanh niên chặn lại hỏi: “Anh làm nghề gì, từ đâu đến và sẽ đi về đâu”. “Ta đi du lịch”. “Chắc lại công an, kiểm lâm chứ gì”.

Họ mặc chúng tôi đi, song những chiếc máy quay cài lại ở hiện trường cho thấy: anh ta là người dưới xuôi, vùng Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, có quan hệ khá phức tạp ở vị trí “ngã ba đường” lên xuống núi.

Ít giờ sau, thấy vài đồng chí kiểm lâm phi xe máy vượt núi vào, rủ rỉ, đi lại, điện đóm, ngó nghiêng. Chúng tôi đoán, việc nhập vai của mình khó qua mắt được họ.

Tuy nhiên, đi bộ vài ngày trong rừng quốc gia, không làm tổn hại gì đến rừng, chắc cũng chẳng ai bắt tội được mình. Thế là cứ đi.

Thôn Dền Thàng, xã Tả Van là cửa rừng Quốc gia Hoàng Liên, nơi người phá rừng tập kết gỗ. Ảnh: Hoàng Chiên

Bỏ lại phía sau bản Dền Thàng, bỏ lại các vựa suối mênh mông được ngăn ra để nuôi cá hồi nước lạnh với các ông chủ người Mông lái xe bán tải đời mới nhất, chúng tôi bạc mặt leo núi.

Ở gần bản Dền Thàng, rừng không còn tí nào. Nắng đổ chan chan, ve kêu điếc óc, chim chóc, thú hoang hầu như không có gì. Chỉ thấy miên man các triền cây lá ngón.Người dẫn đường dặn đừng có ăn, ăn ba lá thì dũng sỹ trứ danh nhất cũng đứt ruột mà chết, chứ đừng nói gì cái mặt anh.

Đi khoảng 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi gặp nhiều xe máy. Có bãi khoảng 30 chiếc. Xe độ chế, xe tay côn, đủ hình dạng, song tất cả chúng đều được phủ cây xanh lên trên một cách khéo léo.

Có khi một bó hoa sim tím ngát, có khi cây vàng anh óng ả được chặt, phủ lên bình xăng của xe. Tránh cái nắng chói chang làm cho xăng cháy nổ khi mà các cỗ xe đứng 1 hoặc 2 ngày để đợi ông chủ vác gỗ pơ mu về.

Một trong nhiều điểm để xe máy của những người phá rừng tại ven rừng Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Lam Anh

Nhiều cảnh ngộ nghĩnh mà buồn bã hiện ra trước mắt. Lúc ấy mệt phờ râu trê, cũng chẳng ai nói với ai câu nào. Tất cả như thước phim câm.

Tôi, vào vai người đi vác gỗ hộ bạn, khi có cây pơ mu giá chợ đen đắt đỏ vừa bị xẻ. Nhân tiện đi du lịch ngắm thiên nhiên. Tóm lại là một kẻ vô hại, thuê người cõng theo rượu và gà, vào rừng hạ trại, trải nghiệm cuộc sống giữa mây mù của “Vườn Quốc gia Hoàng Liên”.

Tất cả vỏ bọc do Sử lo. Đi bên, có cô em gái dân tộc Mông. Má hồng, mặc áo Mông thung thăng, gùi sau lưng một cái gì rất nặng. Tôi nhìn vào, hóa ra chiếc cưa máy đỏ chót của Tiệp Khắc.

Anh chồng vừa khuyên tôi đừng có dại thử ăn lá ngón, vừa vung vẩy hai lưỡi cưa sáng loáng, to bằng bàn tay xòe ra, dài khoảng 80-90cm, lởm chởm răng nhọn.

Người phụ nữ này mang theo cưa máy, lưỡi cưa dài 1,2m cùng chai xăng để vào rừng xẻ gỗ. Ảnh: Hoàng Chiên

Họ cứ đi vào lõi Vườn Quốc gia, mà như đến chỗ không người. Giờ hành chính (và cả lúc về là ban đêm), chúng tôi đi qua mấy trạm gác kiểm lâm, mà tất cả đều ngỏng barie lên. Vẻ như, không ai làm nhiệm vụ.

Cưa của cô em có sẵn mấy chai xăng, giật một cái là nổ u u gầm gừ, rèo vài phút là đứt cây gỗ quý với đường kính một hai mét.

Đi thêm 1 giờ đồng hồ, đã đến lúc gặp suối là vồ vập lao xuống… uống nước, lấy các vỏ chai nhựa trữ nước đem theo rồi. Cảm giác, cơ thể gã 30 năm ở thành phố như tôi đang gặn chắt đến giọt mồ hôi cuối cùng để bỏ lại với đại ngàn.

Một trong nhiều dốc thẳng đứng mà nhóm phóng viên phải rất vất vả mới vượt qua được. Ảnh: Hoàng Chiên

Đó là lúc, những cây gỗ tươi còn ròng ròng chảy nhựa hiện ra. Tán lá, cành cây bị xẻ thịt nằm án ngữ ven đường. Nhiều con dốc “kinh hoàng” đúng như nhạc sỹ Lê Trọng Hùng (người cả đời gắn bó với Sa Pa, tác giả bài hát nổi tiếng “Dáng đứng Sa Mu”) đã đặt tên khi mở đường chinh phục Phan Xi Păng: Dốc Lê Trôn.

Chúng tôi phải bò, lê mông và dùng cả hai tay bám đất đá, bùn nhão thì mới tụt xuống dốc nổi. Dốc đứng như vách vực. Những cung đường thơm ngát mùn cưa và các súc gỗ mới vừa bị xẻ thịt.

Một điểm cây rừng bị cưa ngã đổ
Vết cưa, xẻ còn khá mới
Không riêng gì gỗ pơ mu, rất nhiều loại gỗ khác cũng bị cưa đổ, xẻ nhỏ đem ra khỏi rừng. Ảnh: Lam Anh

Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng nhất của Việt Nam, nằm ở độ cao từ 1.000 đến 3.000m so với mặt biển, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Đông Dương (3.143m).

Vùng lõi của vườn nằm trọn trong các xã San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và một phần thuộc các xã Mường Khoa, Thân Thuộc huyện Than Uyên. Vườn có tổng diện tích 28.509ha được quy hoạch làm 03 phân khu, trong đó: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.848,45ha, phân khu phục hồi sinh thái là 17.607,87ha.

Trong khu vực Vườn có 6 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Dao và Mông chiếm đa số. Trong ranh giới VQG quản lý có 19 thôn bản, đặc biệt có 05 thôn (Séo Mý Tỉ, Dền Thàng, Tả Trung Hồ, Séo Trung Hồ, Ma Quái Hồ) nằm sâu trong vùng lõi của VQG. (Đây cũng là khu vực mà phóng viên Dân Việt đã xâm nhập điều tra phục vụ loạt bài này).

Đoàn người hò hét nhao theo những khúc pơ mu quý

Dòng người đi vác gỗ pơ mu hùng hục vượt đèo dốc, họ vừa đi vừa hò hét chúng tôi tránh xa ra, gỗ trượt khỏi vai mà lao vào người thì nát bét. Họ lao không dừng nổi, vì đường trơn và dốc, súc gỗ thì nặng 50-70kg!

Từ chỗ ngấm ngầm căm phẫn kẻ phá rừng pơ mu nghìn năm tuổi cuối cùng của đại ngàn, tôi đã ngắm họ và rưng rưng đồng cảm. Cũng là một kiếp con người, cuộc mưu sinh đày ải nhân gian.

Vác gỗ hai ngày trong rừng, ra ngoài đại lý “thu mua”, mỗi kẻ tàn sát pơ mu thu về khoảng 1 triệu đồng sau khi dốc cạn mình kiểu “đòn gánh tre chín rạn hai vai”. Tôi đem hết cơm, rượu, thịt gà đen rang muối ra mời họ. 15 giờ chiều mà chưa ai được dùng bữa trưa.

Những người vác gỗ dừng chân ăn trưa bên bờ suối trong vùng lõi VQG Hoàng Liên. Ảnh: Lam Anh

Họ ngồi ăn phần cơm mà chúng tôi chia sẻ rồi vục bát nhựa xuống suối múc nước làm canh, uống nốt những hạt cơm cuối cùng.

Ngoài cột nhà gỗ pơ mu, thanh dầm, gỗ tấm, họ còn “đào tận gốc, trốc tận rễ”, mang cả các u mấu, gốc rễ của pơ mu ngàn năm tuổi ra khỏi rừng già.

Không máy móc, không trâu kéo, tất cả là vác trên vai, cõng bằng lưng, bế bằng tay suốt nhiều giờ đồng hồ.

Chúng tôi chứng kiến và chụp những bức ảnh buốt lòng: “lâm tặc” 15 tuổi nằm thuồi luồi ven suối vì kiệt sức, nhiều người mặt đỏ tía tai, mồ hôi đầm đìa, cuộn tròn đánh giấc trên hai tấm gỗ pơ mu tươi giữa bầy ruồi vàng bay như vãi chấu…

Những khúc gỗ pơ mu mới xẻ được người dân khiêng, vác ra khỏi rừng. Ảnh: Lam Anh

Chúng tôi không dám tin đó là chuyện xảy ra ở Vườn Quốc gia quan trọng bậc nhất Việt Nam; nóc nhà thiêng liêng của nước ta và 3 nước Đông Dương nói chung; Vườn Di sản ASEAN.

VQG Hoàng Liên được chọn là một Trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loàì thực vật của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN).

Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2006, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN

VQG Hoàng Liên có số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm tới 25% các loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam. Đây cũng là nơi sở hữu kho tàng gene cây rừng quý hiếm bậc nhất trong các vườn quốc gia của Việt Nam.

Thực vật tại VQG Hoàng Liên có 2.024 loài thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng…

Khảo sát theo dọc tuyến Hoàng Liên, các nhà khoa học cũng đã phát hiện thêm nhiều loài quý hiếm, như ở độ cao 2.000 mét của khu vực các xã Séo Mý Tỷ đến Dền Thàng có rừng pơ mu cổ thụ mọc liên tiếp với diện tích trên 100ha, mỗi cây có đường kính khoảng 1m trở lên.

Những phần gỗ không tận dụng được việc gì nên bị bỏ lại. Ảnh: Lam Anh
Cây rừng Quốc gia bị cưa vuông thành sắc cạnh trước khi chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Lam Anh
Gỗ pơ mu còn tỏa ra mùi hương thơm ngát khi những người phá rừng nghỉ chân bên bờ suối ăn trưa. Ảnh: Lam Anh
Gỗ pơ mu được người dân khai thác với danh nghĩa làm quan tài, làm nhà nhưng khi có người hỏi mua sẵn sàng bán. Ảnh: Lam Anh
Những người khiêng, vác gỗ dừng nghỉ bên bờ suối trước khi tiếp tục hành trình 3 giờ đồng hồ nữa để tới thôn Dền Thàng. Ảnh: Lam Anh
Khiêng gỗ ra khỏi rừng. Hình ảnh được nhóm phóng viên định vị nằm trong vùng lõi VQG Hoàng Liên, cách bản gần nhất khoảng 5km đường rừng núi. Ảnh: Lam Anh
Những thanh gỗ lớn được chở trên đường về bản
Gỗ sau khi được đưa đến bìa rừng, những chiếc xe máy chờ của người phá rừng để sẵn từ sáng sớm sẽ chở gỗ về nhà hoặc đem bán cho các chủ buôn ở gần trung tâm thị xã Sa Pa. Ảnh: Lam Anh

Sau khi nghe PV Báo NTNN/Dân Việt phản ánh, trưa ngày 23/4, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc VQG Hoàng Liên – cho biết: “Hiện nay đơn vị vẫn đang thực hiện các kế hoạch bảo vệ rừng, không thấy ở cơ sở phản ánh lên. Việc kiểm tra là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Nếu có thông tin cụ thể như nào rất mong cơ quan báo chí chuyển tải đến tôi, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tôi sẽ chỉ đạo anh em kiểm tra, xử lý. Năm 2020 phát hiện 5 vụ vi phạm, từ đầu năm đến nay đơn vị quản lý chặt chẽ, theo các kế hoạch chỉ đạo của tỉnh nên không phát hiện vụ nào”.

Còn ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai nói: “Rất cảm ơn thông tin phản ánh, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra. Khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên trong những năm gần đây công tác quản lý rất tốt và cơ bản không có vụ việc phát sinh”.

Lam Anh – Hoàng Chiên/Dân Việt

Xem bài viết gốc tại đây:

https://danviet.vn/pha-rung-po-mu-co-thu-moi-ruot-vuon-quoc-gia-tren-noc-nha-dong-duong-20210426183120808.htm