Mối nguy hại từ đồ chơi bỏ đi – tác nhân gây ra rác thải điện tử

Hơn 3 tỉ kg đồ điện tử có giá trị bên trong đồ chơi trẻ em bị vứt đi mỗi năm và rất ít người ý thức sâu sắc về loại rác thải điện tử này

Theo một phân tích của Liên Hợp Quốc, đồ chơi là tác nhân gây ra rác thải điện tử lớn hơn nhiều so với thuốc lá điện tử.

Nhân ngày rác thải điện tử quốc tế 14/10, Diễn đàn rác thải thiết bị điện và điện tử (WEEE) đã hợp tác với Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc để định lượng lượng rác thải điện tử bị thế giới thải bỏ mà không nhận ra rằng chúng có tiềm năng tái chế.

Theo phân tích, tổng cộng có 9 tỉ kg rác thải điện tử được gọi là “vô hình” bị vứt đi mỗi năm, trị giá gần 10 tỉ USD. Hơn 1/3 lượng rác thải này đến từ đồ chơi trẻ em có chứa các thiết bị điện tử, tức hơn 3 tỉ kg. Đồ chơi đóng góp vào lượng rác thải điện tử vô hình của thế giới gấp 77 lần so với thuốc lá điện tử, vốn chỉ chiếm 42 triệu kg mỗi năm. Liên Hợp Quốc ước tính có 844 triệu tẩu thuốc lá điện tử bị vứt đi mỗi năm.

Ông Oliver Franklin-Wallis, tác giả cuốn Wasteland (một cuốn sách về xử lý chất thải), cho biết: “Rác thải điện tử là dòng rác thải phát triển nhanh nhất của chúng ta”, đồng thời nhấn mạnh: “Cho đến nay, đây cũng là dòng rác thải có giá trị nhất khi chúng ta nói đến nguồn rác thải sinh hoạt”.

Tuy nhiên, dường như rất ít người nhận ra rằng nhiều vật dụng thông thường họ vứt đi đều chứa rác thải điện tử. Nhấn mạnh đó là mục đích của nghiên cứu, ông Magdalena Charytanowicz tại Diễn đàn WEEE cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng làm cho mọi người hiểu rằng những món đồ mà họ có thể không ngờ là đồ điện tử thực ra lại chứa rất nhiều vật liệu quý giá, như đồng và các nguyên tố đất hiếm”.

Trên toàn cầu, chỉ 17% rác thải điện tử được thu gom và tái chế, mặc dù ở một số khu vực con số này có thể cao hơn. Trên khắp Liên minh châu Âu, khoảng 55% rác thải điện tử được thu gom và báo cáo rõ ràng.

Theo ông Louise Grantham thuộc REPIC, một thành viên của WEEE có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết mọi người dễ dàng nhận ra rằng thuốc lá điện tử bỏ đi là rác thải điện tử vì thấy rõ ràng chúng chạy bằng pin. Ông Grantham đặt vấn đề: “Tôi cho rằng việc liên tưởng đồ chơi là rác thải điện tử sẽ khó khăn hơn vì nhiều người có lẽ chẳng để ý một món đồ chơi lớn là rác thải điện tử vì pin được giấu trong đồ chơi rất khó quan sát”.

Ông Charytanowicz cho biết một nghiên cứu từ Thụy Sĩ cũng tiến hành khảo sát và ghi nhận tâm lý từ người dùng rằng nếu chức năng chính của thiết bị không hiển thị điện tử thì họ sẽ không coi nó là đồ điện tử.

Chúng ta lấy đi gần 100 tỉ tấn vật chất trên bề mặt Trái đất mỗi năm và phần lớn chúng đều bị lãng phí. Thay đổi điều đó có nghĩa là phải xem xét lại hoàn toàn thói quen chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Ông Franklin-Wallis cho biết việc bỏ qua những khối lượng đồ chơi góp mặt trong tổng lượng rác thải điện tử là một rủi ro. Wallis nói: “Bất cứ ai có con nhỏ đều hiểu hiện nay mỗi hộ gia đình có biết bao nhiêu là những thứ này”, đồng thời ông gọi đây là “nguồn cung vô cùng phong phú” cho các nhà xử lý rác thải.

Tuy nhiên, việc thu gom rác thải đó nói dễ hơn làm – đặc biệt với tình trạng cơ sở hạ tầng tái chế hiện nay ngay ở cả các quốc gia như Vương quốc Anh. Franklin-Wallis đánh giá: “Việc thu gom rác thải điện tử tương đối kém. Tôi nghĩ thiết thực hơn là tuyên truyền cho mọi người hiểu về giá trị của vật liệu, cách xử lý và tái chế chúng một cách an toàn”.

Ông Charytanowicz cho biết, một cách để giải quyết vấn đề đó là thực hiện một hiệp ước của Liên Hợp Quốc quy định việc tái chế chất thải điện tử ở cấp độ toàn cầu – tương tự như hiệp ước ràng buộc các quốc gia tái chế nhựa.

An Đông (T/h)

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Nhiều đồ chơi trẻ em chứa các linh kiện điện tử ẩn có thể tái chế. Ảnh: AFP