Cách xã Châu Hồng không xa, tình trạng sụt lún bất thường, nứt nẻ nhà cửa cũng đang xảy ra tại xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Khu vực sụt lún, nứt nẻ nằm gần với một mỏ thiếc. Điều khiến người dân lo lắng là mỏ thiếc này được phép bơm hút lượng nước rất lớn.
Những dấu hiệu bất thường
Khuôn mặt tiều tụy, ông Lò Văn Huế (53 tuổi) ngồi thất thần trước hiên nhà cạnh Tỉnh lộ 532 (bản Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp). Kể từ khi phát hiện căn nhà bị nứt nẻ, ông lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.
Nhiều đêm không dám ngủ đâu, cứ sợ nhà sập. Mỗi lần nghe tiếng nổ bên phía mỏ quặng lại giật mình. Sợ lắm!
Ông Lò Văn Huế (bản Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp)
Mỏ quặng mà ông Huế nhắc đến chỉ cách nhà ông chỉ chừng 100m, được rào kín xung quanh bằng tôn kèm thép gai khá nghiêm ngặt. Bên trong, ngoài hệ thống máy móc phục vụ công tác khai thác quặng đang nằm ngổn ngang, chỉ thấy thấp thoáng những hầm lò đi sâu vào lòng núi.
Theo người dân, trước đây tại mỏ thiếc này có khoảng 30 công nhân làm việc. Tuy nhiên, nhiều tháng nay không thấy công nhân ra vào, chỉ có bảo vệ. Đặc biệt, mỏ quặng thiếc cũng nằm sâu trong lòng núi, vì thế, muốn khai thác được quặng, doanh nghiệp phải thực hiện việc hút nước ngầm.
Cả gian nhà chính lẫn phụ của gia đình ông Huế đều đã bị nứt nẻ. Những vết nứt chạy dài, có những đoạn đã tạo kẽ hở rộng hơn 1cm. Ông đặt nghi vấn, việc mỏ quặng bơm hút nước ngầm để khai thác thiếc đã khiến mạch nước ngầm cạn kiệt, dẫn đến sụt lún, nứt nẻ nhà cửa.
Chỉ vào một trong những vết nứt chạy dọc nhà, ông Huế lo lắng vì sợ nhà sập. Ảnh: Tiến Hùng
Cạnh đó, bà Hà Thị Quang (70 tuổi), gần 1 năm nay cũng sống trong cảnh thấp thỏm. Ngôi nhà của bà mới xây, nhưng đã xuất hiện các vết nứt chạy khắp. Có vết nứt dài gần 5m, kẽ hở có đoạn đã rộng gần 5cm chia cắt gian nhà chính với căn bếp. Bà Quang nói rằng, các vết nứt này xuất hiện cùng lúc với những vết nứt của các nhà dân xung quanh. Cùng thời điểm khi mỏ quặng bơm hút nước ngầm mạnh nhất, các khe, suối xung quanh cạn khô.
“Tôi chỉ sống một mình. Nên từ khi thấy nhà cửa nứt nẻ như thế này thì sợ lắm. Ăn ngủ không yên, nhưng cũng chẳng biết kêu ai cả”, bà Quang nói.
Vết nứt chia cắt gian bếp và gian chính của nhà bà Quang. Ảnh: Tiến Hùng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nghệ An, tại bản Quèn, đã có ít nhất 5 ngôi nhà bị nứt nẻ. Ngoài ra, nhiều giếng nước của người dân cũng có thời điểm cạn trơ đáy. Đặc biệt, hàng chục hố sụt lún xuất hiện tại những ruộng lúa người dân, ngay bên ngoài mỏ quặng thiếc. Điều bất thường là sau mỗi lần xuất hiện hố sụt lún ở ruộng lúa, chỉ trong thời gian ngắn, ai đó đã âm thầm lấp chúng lại.
Đáng nhẽ phải để đó để chính quyền địa phương về ghi nhận, kiểm tra. Rồi cơ quan chức năng về đánh giá, điều tra nguyên nhân. Đằng này cứ xuất hiện hố nào thì lấp hố đó.
Ông Lương Văn Bình – Trưởng bản Quèn (xã Liên Hợp)
Mỏ quặng thiếc nhìn từ nhà dân. Ảnh: Tiến Hùng
Đi tìm nguyên nhân
Theo người dân địa phương, mỏ quặng thiếc này trước đây khai thác thổ phỉ. Hơn 2 năm trước, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc được cấp phép, bắt đầu dựng lán trại, đưa công nhân, máy móc vào làm việc. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, đến nay mỏ quặng thiếc này vẫn chưa chính thức đi vào khai thác, mà chỉ mới xây dựng cơ bản, vận hành thử và nổ mìn làm hầm để phục vụ quá trình khai thác.
“Dù chưa chính thức khai thác, nhưng cách đây không lâu họ có thử bơm hút nước ngầm lên. Ngay sau đó xuất hiện các hố sụt lún, giếng khoan sâu đến 50 mét cũng bị cạn. Vì thế mà người dân lẫn chính quyền địa phương rất lo lắng. Mới bơm thử mà đã như vậy, khi đi vào khai thác chính thức, không biết sẽ như thế nào. Người dân ở đây rất quan ngại, đặc biệt là sau khi xảy ra tình trạng ở xã Châu Hồng gần đây. Cuộc họp nào, người dân cũng ý kiến”, ông Lô Thanh Đồng – Chủ tịch UBND xã Liên Hợp nói.
Gần đây, người dân lại càng thêm lo lắng khi chứng kiến công ty này lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước khá lớn. Theo ghi nhận của phóng viên, đường ống làm bằng cao su, có đường kính khoảng 50cm, chạy từ mỏ quặng dọc theo suối Quèn dài khoảng 500m… Đường ống này được cho là để phục vụ cho việc bơm hút nước ngầm từ bên trong mỏ quặng ra ngoài, để đảm bảo mỏ quặng luôn khô ráo.
Đoạn cuối đường ống từ mỏ quặng thiếc. Ảnh: T.H
Theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác, chế biến quặng thiếc của Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 14/8/2020 cho thấy, lượng nước phát sinh trong quá trình khai thác hầm lò phải bơm hút lên tới 400 – 480 m3/giờ, gấp hơn 85 lần so với lượng nước bơm hút của công ty TNHH Tân Hoàng Khang được UBND tỉnh phê duyệt ở xã Châu Hồng. (Mỏ quặng thiếc Thung Lùn của Tân Hoàng Khang được phép bơm hút nước ra khỏi hầm lò với lưu lượng 5,6m3/giờ)
Chính vì thế, người dân địa phương đều bày tỏ và lo ngại, hoang mang về việc Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc khi đi vào khai thác chính thức, bơm hút nước theo công suất đã được phê duyệt có nguy cơ rất cao làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và dẫn đến sụt lún đất, nhà cửa của nhân dân như vụ việc đang xảy ra trên địa bàn xã Châu Hồng trong thời gian vừa qua.
Đường ống từ mỏ thiếc chạy dọc suối Quèn. Ảnh: Tiến Hùng
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho biết, để phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra khi Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc đi vào khai thác và bơm hút nước, địa phương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là đánh giá về lượng nước bơm hút trong quá trình khai thác hầm lò đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
“Vấn đề mà địa phương và người dân lo lắng, đó là lượng nước được phép bơm hút quá lớn”, vị lãnh đạo huyện nói.
Cũng theo vị này, do địa hình của xã Liên Hợp rất hẹp, không rộng lớn như xã Châu Hồng, độ dốc ở xã Liên Hợp cũng khá lớn, khi nguồn nước ngầm bị hút cạn kiệt, tình trạng sụt lún ở xã Liên Hợp được nhận định sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với xã Châu Hồng.
Một trong những hố sụt lún ở ruộng lúa. Ảnh: Người dân cung cấp
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, đại diện Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc cho rằng, việc sụt lún, nứt nẻ nhà cửa không liên quan đến hoạt động của mỏ quặng.
“Chúng tôi không biết nứt nẻ, sụt lún ở đâu cả. Mỏ quặng của chúng tôi còn chưa khai thác thì làm sao mà gây sụt lún được”, vị này nói.
Cổng vào mỏ thiếc. Ảnh: Tiến Hùng
Liên quan đến mỏ thiếc này, mới đây UBND huyện Quỳ Hợp đã xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc vì đã chiếm 2,14 ha đất đồi núi chưa sử dụng tại khu vực nông thôn (khu vực mỏ bản Quèn, xã Liên Hợp) để xây dựng nhà ở công nhân, bể lắng để bơm chuyền nước thải về khu phụ trợ xử lý. Chính quyền cũng buộc công ty nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền gần 30 triệu đồng. Cũng tại Quyết định này, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc còn bị xử phạt 15 triệu đồng vì sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực. Ngoài ra, công ty này còn bị phạt 8 triệu đồng vì đã tạm dừng khai thác trên 1 năm nhưng không gửi báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Cụ thể, công ty tạm dừng hoạt động khai thác tại khu vực mỏ thiếc Suối Mai, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp từ tháng 3/2020 đến nay nhưng không có văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. |
Tiến Hùng – Báo Nghệ An
Theo Nghệ An
Ảnh: Cánh đồng phía sau bản Quèn, phía xa là mỏ quặng thiếc. Ảnh: Tiến Hùng
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baonghean.vn/moi-lo-sut-lun-o-lien-hop-post258705.html