Mô hình trồng rau vườn treo đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường

Hệ thống vườn treo trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh hồi lưu, được treo thẳng đứng trong không gian được Tiến sĩ Nguyễn Văn Quy và nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp giúp người dân trồng rau sạch theo hướng công nghiệp hóa, tự động hóa, không sử dụng đất và tiết kiệm thời gian chăm sóc.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quy, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu đang mở ra hướng đi mới cho việc trồng rau an toàn ở nước ta, với mong muốn giúp người dân thuận tiện trong lĩnh vực sản xuất rau sạch tại nhà trên các diện tích nhỏ hẹp như ban công, sân thượng hay sân vườn, hay mở các trang trại trên những vùng khó khăn cũng như giúp rau hạn chế được các loại sâu bệnh và côn trùng nhóm đã thực hiện nghiên cứu với đề tài “hệ thống trồng rau vườn treo” góp phần giảm chi phí lao động, sản phẩm có độ đồng nhất và chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hệ thống vườn treo được nghiên cứu, thử nghiệm tại khoa Nông học, trường Đại học Nông lâm Huế. Các thí nghiệm đã đã được triển khai để nghiên cứu và phân tích về các vấn đề như vật liệu để làm vườn treo; mật độ thích hợp nhất để trồng rau trên vườn treo; giá thể phù hợp để trồng rau trên vườn treo; liều lượng nước cung cấp cho rau trồng; so sánh hiệu quả kinh tế giữa rau trồng trên vườn treo và các mô hình trồng rau thông thường khác… để đưa ra quy trình sản xuất hệ thống vườn treo và quy trình trồng, chăm sóc cho các loại rau trồng trên hệ thống vườn treo. Đây là đề tài do nhóm sinh viên cùng nghiên cứu với mục đích nhằm phục vụ trong quá trình học tập, nhưng trong quá trình nghiên cứu đề tài, tiến sỹ Quy thấy được ứng dụng của đề tài đối với đời sống rất cao giúp bảo vệ được môi trường, các sản phẩm tạo ra đảm bảo được sự an toàn thực phẩm. Tiến sỹ đã cùng nhóm phát triển nghiên cứu và cho ra ứng dụng mới nhưng không mang tính chất quảng bá hay bán sản phẩm nên giá trị kinh tế của nó đến nay chưa cao
Sau khi hoàn thiện đã chuyển giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị và Phòng Kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế để mở rộng mô hình trồng rau sạch tại nhà cho người dân trên cả nước, góp phần đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Hiện một số các trang trại ở thành phố Đà Nẵng, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đặt những đơn hàng và nhiều hộ gia đình áp dụng hệ thống này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quy, hệ thống trồng rau sạch vườn treo có tính mới so với các hệ thống thủy canh trồng rau sạch thông thường ở điểm thay vì sử dụng hệ thống ống nhựa và rọ nhựa để trồng cây, nay được thay bằng hệ thống 3 lớp vải thảm may lại với nhau, trong các túi đựng giá thể trồng là tro trấu, sơ dừa,… Với cải tiến này, cây được trồng hai bên mặt theo chiều thẳng đứng giúp hệ thống số sử dụng đất được nâng lên cao gấp 3 đến 4 lần, thích hợp cho việc tận dụng các diện tích để trồng rau sạch tại nhà; tính mới nhất của công trình là hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng được điều khiển bằng một đồng hồ thiết lập thời gian vì vậy hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động, không tốn công chăm sóc.
Ở nước ta hệ thống trồng rau thủy canh cải tiến hiện nay có giá thành sản xuất thấp, quá trình sản xuất dễ dàng, có thể sản xuất các kích thước khác nhau theo nhu cầu của người sử dụng. Kỹ thuật này cho phép người dùng chủ động thời vụ và có thể trồng quanh năm, luân canh liên tục vì thế có thể tăng năng suất cây trồng (cao hơn từ 20 đến 50 %), sử dụng hiệu quả lao động và thời gian. Sản phẩm hoàn toàn sạch, chất lượng cao. Hệ thống tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/10 so với các hệ thống thủy canh thông thường khác. Việc áp dụng bộ dụng cụ vườn treo để trồng rau sạch tại nhà còn góp phần tăng thêm số lượng cây xanh, đặc biệt là tại các khu vực thành phố, từ đó sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng thêm màu xanh cho các khu vực đô thị.
Cùng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, một phần lớn diện tích đất nông nghiệp của nước ta đã bị thoái hóa và không thể sử dụng được (sa mạc hóa, nhiễm phèn, bị ngập nước), việc trồng rau sạch tại các vùng khó khăn hay các vùng hải đảo cũng có thể áp dụng thành công. Đây cũng được xem là một giải pháp tốt cho việc xây dựng kế sinh nhai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng.
Với những thành công mà đề tài được ứng dụng trong thực tế cao, mô hình hệ thống trồng rau sạch vườn treo của Tiến sĩ Nguyễn Văn Quy và nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế đã được giải nhất cuộc thi cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo vì môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hậu, do Hội đồng Hoàng gia Anh trao tặng; Giải nhất “sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ trẻ ” do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trao tặng; năm 2017, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng Quỹ hỗ trợ sáng tạo (Vifrotex).
Thanh Hương – Báo Tin Môi Trường
Theo Tin Môi Trường
Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Văn Quy trong vườn treo trồng rau sạch – Ảnh: TN