Mô hình thùng rác công nghệ tại Hà Nội đã và đang tiếp tục được triển khai, không chỉ giúp nâng tầm mỹ quan đô thị mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác và bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, mô hình này có thực sự phát huy hiệu quả vẫn là điều đáng bàn.
Chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng
Nhằm tạo lập thói quen cho người dân giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, đặc biệt là thay đổi nhận thức trong việc phân loại rác, TP Hà Nội đã chấp thuận cho đơn vị lắp đặt thí điểm những thùng rác công nghệ trên địa bàn.
Ngoài tác dụng chứa rác thông thường, thùng rác công nghệ được thiết kế thông minh với 2 ngăn riêng biệt là rác tái chế và rác không tái chế, có sức chứa lên đến 240 lít. Đáng chú ý, tấm pin mặt trời được đặt trên mái của bảng điện để thu và chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng, tạo công suất phát điện vào ban đêm lên đến 25W. Khi trời tối, thùng rác tự động phát sáng mà không cần dùng đến nguồn điện truyền thống. Thùng rác được lắp đặt ở một số tuyến phố đã tạo ấn tượng tốt đối với người dân Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm rưỡi triển khai, mặc dù thuận tiện, hữu ích và có tính thẩm mỹ là vậy những theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số điểm, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả.
Cụ thể, trên tuyến phố như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh thùng rác công nghệ dù đã được thiết kế tách biệt 2 ngăn, nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn. Tại một số thùng rác, người dân bỏ giấy cứng, vỏ lon, bao bì vào ngăn rác thải không tái chế được chú thích màu đỏ, trong khi đó rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế được chú thích màu xanh, làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ.
|
Rác vứt tràn lan giữa các ngăn tại một vị trí thùng rác công nghệ trên phố Hồ Đắc Di
|
Theo chia sẻ của một số người dân thường xuyên tập thể dục gần công viên Thống Nhất trên phố Lê Duẩn, việc lắp đặt những thùng rác công nghệ này chỉ mang tính hình thức bởi nhiều người dân chưa nhận thức được việc phân loại loại rác, dẫn đến vứt lung tung, rất mất mĩ quan. Nhiều trường hợp, một số túi rác đã được phân loại nhưng người thu gom rác lại xé các túi bỏ lên xe và trộn lẫn với nhau.
Cùng ý kiến, bà Trần Thị Ngà, sinh sống tại ngõ 107 phố Nguyễn Chí Thanh bày tỏ: “Nhiều loại rác không được phân loại đúng gây nên tình trạng một ngăn thì đầy ứ, ngăn còn lại thì không có gì. Nhiều khi vỏ hộp sữa, lon nước ngọt chồng chất lên cao, chảy nước xuống phía ngoài thùng rất bẩn”.
Không những vậy, trên một số tuyến phố khác như Xã Đàn, Hồ Đắc Di… tình trạng phổ biến là dù mới lắp đặt nhưng có nhiều thùng rác đã bị một số người vô ý thức dán quảng cáo lên bề mặt, che mất phần phát sáng. Ngoài ra, có một số thùng bị bong tróc cửa, sứt mẻ, không còn nguyên vẹn.
Đánh giá về dự án lắp đặt thùng rác công nghệ, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương cho rằng, bên cạnh những lợi ích đem lại thì xét ở góc độ khác, mô hình này chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bởi khi áp dụng vào trong thực tiễn phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, từ đó mới đánh giá xem hiệu quả đến đâu để khắc phục và đưa ra giải pháp xử lý. Nếu để tiếp tục tình trạng như hiện nay, việc lắp đặt thêm thùng rác công nghệ quả thực rất lãng phí.
|
Rác sinh hoạt lại được để vào ngăn rác tái chế tại một điểm thùng rác công nghệ trên phố Lê Duẩn
|
Cần giải pháp tổng thể
Dự kiến, sau khi thực hiện thí điểm, mô hình thùng rác công nghệ sẽ được xem xét để triển khai lắp đặt trên hầu hết các tuyến phố, công viên, trường học, bệnh viện… trên địa bàn TP Hà Nội. Không chỉ riêng Hà Nội, các TP lớn như Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành lắp đặt mô hình này, bởi nó phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt, nâng cao ý thức của người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, tạo cảnh quan sạch, đẹp.
Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia môi trường cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, tích hợp nhiều yếu tố từ kỹ thuật, sự phối hợp của chính quyền địa phương, đơn vị thu gom và nhất là sự đồng thuận trong thay đổi nhận thức của người dân.
Theo đó, cần nghiên cứu kỹ ví trí đặt và dung tích thùng rác, nhất là có sự điều chỉnh về kỹ thuật để thuận tiện cho cả người vứt rác lẫn người thu gom. Thực tế đã chỉ ra, kết cấu và tính năng kỹ thuật của thùng rác công nghệ chưa hiệu quả, vị trí đặt thùng chưa phù hợp. Trong khi, việc kết hợp với biển quảng cáo hoàn toàn không thuận tiện cho người bỏ rác, khoảng cách giữa thùng rác với mép biển quảng cáo quá ngắn, dẫn đến bất tiện. Nếu kết hợp biển quảng cáo cần phải có cải tiến hơn, tính kinh doanh phải song hành với vấn đề bảo vệ môi trường.
Xét ở góc độ khác, chuyên gia môi trường – GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, việc phân loại rác là vô cùng quan trọng và cần thiết trong bối cảnh môi trường còn đang nhiều vấn đề như hiện nay. Vì vậy, thùng rác công nghệ được coi là giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường, làm tăng mỹ quan đô thị, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh hiện đại.
“Để thùng rác công nghệ được sử dụng lâu dài, các nhà đầu tư, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, công ty môi trường cần có sự phối hợp, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chất lượng để các thùng rác hoạt động có hiệu quả. Mặt khác, người dân cũng cần nâng cao ý thức, kiến thức trong việc phân loại rác thải và sử dụng thùng rác công nghệ” – GT.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.
Theo Kinh tế Đô thị
Ảnh: Thùng rác công nghệ trên phố Nguyễn Chí Thanh, dù đã được thiết kế 2 ngăn tách biệt nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn