Kiến trúc nhà ở nông thôn (NONT) truyền thống mang đặc trưng phong cách kiến trúc nhiệt đới, thoáng – hở, nhà hướng Nam “trước cau sau chuối”.
Các không gian ở, ăn, sinh hoạt chung được kết hợp hài hòa với điều kiện sống ở vùng nông thôn. Khuôn viên nhà có vườn, ao, chuồng; Nông sản tự cung tự cấp. NONT truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ là cốt lõi của làng quê, là nơi ở, chốn đi về của mỗi người dân gắn liền với con đường làng quanh co, cây đa, bến nước, sân đình.
Trong quá trình đô thị hóa, NONT truyền thống dần được thay thế bởi nhà ống, chia lô giống như nhà ở đô thị. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và sinh kế của người dân. Với điều kiện tự nhiên phong phú và khí hậu nhiệt đới có lượng mưa dồi dào của vùng đồng bằng Bắc Bộ, thì việc thu trữ , tái sử dụng nước mưa cho NONT là rất thuận lợi, góp phần tăng đa dạng nguồn nước cho người dân sử dụng.
Việc nghiên cứu mô hình kiến trúc NONT, sử dụng hiệu quả nguồn nước là nhiệm vụ cần thiết, góp phần trong công cuộc bảo vệ môi trường, đảm bảo tài nguyên nước trong tương lai và cải thiện chất lượng sống của người dân.
1. Ảnh hưởng của đô thị hóa tới quy hoạch, kiến trúc nhà ở nông thôn
Đô thị hóa phát triển, quy hoạch đất đai vùng nông thôn cũng dần thay đổi. Các không gian mở, hồ, ao, sân, vườn dần bị san lấp thành đất xây dựng nhà ở. Hình ảnh làng quê yên bình với cây đa, bến nước, sân đình… những mái nhà lợp ngói đang được thay thế bởi những ngôi nhà ống tương tự như ở thành thị. Nhà ở chia lô, bám sát mặt đường với hình thức thẳng đứng, nhiều tầng bộc phát ngày càng dày đặc tại các vùng “Nông thôn mới”.
2. Những tác động của tài nguyên nước đến nhà ở nông thôn
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và sinh kế của người dân. Nông thôn nảy sinh hàng loạt các vấn đề về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, rác thải, ô nhiễm nguồn nước… Nguồn nước mặt, nước ngầm ở nhiều làng nghề đều đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, ví dự như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu … Cạn kiệt nguồn nước dưới đất do khai thác nước có xu hướng gia tăng nhất là tại các khu vực đô thị, khu dân cư, làng nghề, ven biển của đồng bằng Bắc Bộ.
Trong 3 xã nhóm nghiên cứu lựa chọn khảo sát thì thôn Xuân Sơn, xã An Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng và thôn Dương Liễu 3, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, Thái Bình đã có nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố/ tỉnh. Riêng thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội hiện nay, người dân vẫn đang sử dụng nước giếng khoan là chủ yếu.
Do đó, cần có biện pháp kiểm soát nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh cho người dân sử dụng.
3. Quy hoạch nông nghiệp và nông thôn mới tác động đến nông thôn và nhà ở nông thôn
Sau 10 năm thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”, nhiều làng xã đã thay đổi diện mạo, khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, những đường làng được bê tông hóa thiếu vắng cây xanh đã làm giảm bớt giá trị cảnh quan không gian làng quê. Để phát triển nông thôn bền vững cần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa không gian cộng đồng như đình chùa, cây đa, bến nước… Công tác quy hoạch nông thôn mới cần bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
|
NONT chia lô, bám sát mặt đường, mở hàng quán kinh doanh thôn Xuân Sơn, xã An Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng
|
|
Diện mạo nông thôn mới, thôn Dương Liễu 3, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, Thái Bình
|
4. Đề xuất mô hình kiến trúc NONT hiệu quả nguồn nước và các giải pháp thiết kế
Nhằm tạo nên môi trường ở tiện nghi, giữ gìn, phát huy những không gian kiến trúc nhà ở truyền thống, phù hợp, hài hòa với điều kiện khí hậu địa phương vừa có biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay, đồng thời dựa trên những phân tích, đánh giá thực trạng nhà ở nông thôn, nhu cầu sử dụng nước ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mô hình NONT hiệu quả nguồn nước đề xuất gồm 5 giải pháp được lựa chọn từ các lĩnh vực liên quan đến thiết kế kiến trúc. Đó là:
- (1) Bảo tồn sinh thái, bảo vệ môi trường;
- (2) Có bể/ hồ giữ nước;
- (3) Kiểm soát nước mưa;
- (4) Sử dụng thiết bị tiết kiệm nước;
- (5) Xử lý nước thải để tái sử dụng.
4.1. Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên
Áp dụng giải pháp quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vào thiết kế xây dựng NONT hiệu quả nước như sau:
Thiết kế tổng mặt bằng:
- Quy hoạch vùng nông thôn cần nghiên cứu kỹ đặc điểm khu đất xây dựng, điều kiện tự nhiên, giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh, giữ lại nhiều nhất cây xanh, thảm thực vật, mặt nước. Thiết kế công trình hài hòa cảnh quan và kiến trúc của khu vực lân cận.
- Lựa chọn vị trí khu đất xây dựng trong khu dân cư, khu đô thị, thuận tiện sử dụng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân để giảm ô nhiễm không khí đô thị.
- Đưa yếu tố cây xanh, mặt nước vào trong nhà ở để cải thiện điều kiện vi khí hậu và tạo điểm nhấn cho các không gian chức năng chính.
Thiết kế kiến trúc:
- Tổ chức không gian sân nhà, vườn nhà, chuồng trại đảm bảo diện tích, rộng rãi, thoáng mát, vệ sinh và an toàn. Sân nhà dùng để phơi phóng. Vườn trồng cây xanh bóng mát kết hợp cây ăn quả, bồn hoa, thảm cỏ. Chuồng trại bố trí cuối hướng gió.
- Sân nhà sử dụng vật liệu chống trơn trượt, dùng gạch lỗ trồng cỏ xen kẽ nhằm giảm bớt sự hấp thụ nhiệt của bề mặt sân, thoát nước tốt, giảm ngập lụt sau những cơn mưa lớn và bảo vệ hệ sinh thái dưới mặt đất.
- Đối với nhà ở thiết kế mái bằng, giải pháp trồng cây trên mái giúp chống nóng hiệu quả và góp phần giảm “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Vườn trên mái nên làm theo kiểu vườn “treo”, phần đất trồng cây không đổ trực tiếp lên sàn, bố trí hệ thống thoát nước và xử lý kỹ thuật dễ dàng. Trồng cây theo mảng hoặc sắp xếp theo từng ô, tạo đường dạo, lắp đặt lan can đảm bảo an toàn.
|
Ngôi làng Harie, quận Shiga, Nhật Bản với dân số khoảng 600 – 700, chưa tới 200 hộ dân, đã xử lý, làm sạch nguồn nước thải sinh hoạt, tái sử dụng làm nước tưới tiêu. (Nguồn: That Food Crazy)
|
4.2. Có bể/ hồ giữ nước
Lắp đặt bể inox hoặc xây bể trên mái (đảm bảo tải trọng và chống thấm tốt). Bể chứa nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn. Đối với nhà ở sử dụng nước giếng khoan, xây dựng bể lọc hoặc lắp đặt bộ lọc giếng nước khoan.
Xây bể ngầm chứa nước dự trữ, đảm bảo an toàn, vệ sinh, có nắp đậy, dễ thau rửa. Bể ngầm chứa nước mưa tưới cây, rửa sân… Với không gian rộng, đào ao thả cá, phát huy mô hình Vườn – Ao – Chuồng trong NONT, cung cấp thực phẩm tươi sống, an toàn vệ sinh môi trường. Đối với nhà diện tích nhỏ, bố trí hồ cảnh nhỏ làm điểm nhấn tiểu cảnh trong nhà, điều hòa vi khí hậu, nuôi cá, thả bèo lọc nước… gần gũi với thiên nhiên.
|
Khu vườn kết nối tất cả các tầng, có lắp đặt hệ thống thu thập nước mưa và tận dụng nước thải sinh hoạt để tự động tưới cho các khu vườn – Ngôi nhà ở Buenos Aires (Argentina)
|
4.3. Kiểm soát nước mưa
Thiết kế hệ thống thu nước mưa từ mái và sân nhà để tưới cây và giảm ngập lụt khi có những trận mưa lớn. Bố trí các bể ngầm dưới bề mặt sân, tích trữ nước mưa, thông qua hệ thống bể lọc, một phần nước mưa sẽ được tái sử dụng vào mục đích sinh hoạt, dội rửa, một phần sử dụng tưới cây.
|
Bể lọc nước giếng khoan
|
4.4. Sử dụng thiết bị tiết kiệm nước
Thiết kế khu vệ sinh trong NONT đảm bảo nhu cầu sử dụng, sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường. Bố trí khu vệ sinh riêng biệt thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên. Sử dụng vòi sen tắm tiết kiệm nước, xí có chế độ xả tiết kiệm nước (xả một nửa). Sử dụng các thiết bị tưới phun sương để tưới cây vừa giảm tiêu thụ nước mà vẫn đạt hiệu quả tưới. Các hệ thống kỹ thuật sử dụng nước tuần hoàn phục vụ trang trí, làm mát mái, tường… được thiết kế để có thể thu hồi tái sử dụng một phần nước sinh hoạt, có biện pháp kiểm soát, chống rò rỉ, thất thoát nước hiệu quả.
4.5. Xử lý nước thải để tái sử dụng
|
Xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa (Nguồn: Shymart)
|
Sử dụng công nghệ xử lý nước thải. Xây bể chứa các thực phẩm hữu cơ làm phân bón cho cây trồng. Dùng vi sinh vật để phân hủy rác thải…
Trong tương lai, việc bảo vệ tài nguyên nước sẽ là một trong những nhiệm vụ sống còn của nhân loại. Nhà ở sử dụng hiệu quả nước là một xu hướng thân thiện và tôn trọng môi trường sinh thái. Xây dựng nhà ở tiết kiệm nước là nhiệm vụ tất yếu của toàn ngành xây dựng nước ta trong giai đoạn tới (2030 – 2050), để hòa nhập với phong trào chung của thế giới, chống lại BĐKH toàn cầu, bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường của quốc gia.
Mô hình nhà ở sử dụng hiệu quả nguồn nước sẽ là một trong những định hướng chiến lược cho người thiết kế kiến trúc tìm kiếm các giải pháp phù hợp để xây dựng thành công những ngôi nhà ở tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. ThS.KTS. Nguyễn Quốc Hoàng, Quy hoạch và kiến trúc nhà ở trong các xã nông thôn mới trong quá trình phát triển thành phường. Kỷ yếu hội thảo quốc tế giải pháp quy hoạch xã nông thôn mới ven đô nhằm tăng cường liên kết đô thị – nông thôn và phù hợp với định hướng đô thị hóa, trang 69, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 2020.
2. Ths.KTS. Nguyễn Xuân Lộc, Bảo tồn kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, Tạp chí Khoa học Công nghệ Hàng Hải, Số 23 – 8/2010.
Ths.KTS. Nguyễn Thị Phương Anh/ Trường Đại học Mở Hà Nội
Theo Tạp chí Kiến trúc
Ảnh: Hình thức kiến trúc cũ, mới lộn xộn, đan xen nhau. Đường làng được đổ bê tông, thiếu bóng cây xanh trên trục đường thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội