Miền Trung ‘khát’ nước

Những ngày qua, người dân khu vực Trung bộ vẫn đang quay quắt chống chọi với hạn dai dẳng. Nhiều khu vực đã 7 tháng qua chưa có một trận mưa khiến không chỉ người mà vật nuôi, hoa màu, cây cối… cũng ngắc ngoải.

Sông Vu Gia thiếu hụt khoảng 80% dòng chảy

Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) đang thiếu nước nghiêm trọng. Lượng nước tại các hồ chứa cũng rất ít, trong khi lượng mưa thấp, khó có thể đảm bảo giải quyết vấn đề thiếu nước tại hạ du. Dự báo từ nay đến hết tháng 8-2019, dòng chảy trên thượng lưu sông Vu Gia khả năng thiếu hụt từ 70%-80% so với trung bình nhiều năm. Khu vực hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn còn tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Độ mặn tiếp tục ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến tình hình khai thác nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Người dân Bình Định vất vả “chạy” nước chống hạn nhiều tháng nay. Ảnh: NGỌC OAI

Đại diện Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết tình trạng khô hạn và thiếu nước vẫn sẽ tiếp diễn. Cần phải phối hợp giám sát vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ chứa trong mùa cạn. Đồng thời, chỉ đạo xả nước từ các hồ chứa để ứng phó khẩn cấp nước sinh hoạt nếu mùa mưa đến trễ. Đối với hồ thủy điện Đắk Mi 4, không huy động điện của nhà máy (xả về sông Thu Bồn) nhằm giữ lại nguồn nước hiện còn lại trong hồ để chống hạn, giảm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia. Đối với hồ thủy điện A Vương thì đảm bảo giá trị mực nước hồ quy định. Đối với các hồ thủy điện sông Bung 5 và sông Bung 6 cần phối hợp vận hành để đảm bảo nguồn nước điều tiết về hạ du được sử dụng kịp thời.

Tại tỉnh Bình Định, 3 tháng nay liên tục huy động xe chữa cháy để tiếp nước cho hàng ngàn hộ dân ở các xã khu Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ nhưng vẫn không đủ cho dân dùng. Nhất là xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) có 4 thôn gồm: Nhân Ân, Bình Thái, Lộc Hạ, Diêm Vân thiếu nước trầm trọng.

Trong khi đó, hạn hán khiến khoảng 10.000 hộ dân, với hơn 26.500 nhân khẩu ở Phú Yên thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên đã hỗ trợ thêm 3 xe chở nước cứu hạn cho dân ở huyện Tuy An, Sông Hinh và thị xã Sông Cầu. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 15 lít nước/ngày.

Rừng phòng hộ chết cháy

Tại vùng “chảo lửa” ven biển Phú Yên, khu rừng phòng hộ cả trăm hécta, kéo dài từ xã An Ninh Đông đến xã An Hải (huyện Tuy An) bất ngờ rũ ngọn chết cháy hàng loạt. Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ban Điều hành Dự án trồng rừng ven biển Phú Yên, cho biết, trong 460ha rừng phòng hộ ven biển mới trồng giai đoạn 2015-2019, nay đã có trên 180ha bị chết.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên, hạn hán trong 6 tháng đầu năm 2019 khiến khoảng 11.000ha lúa bị ảnh hưởng. Trong đó, có 2.000 ha nguy cơ mất trắng; riêng Bình Định 1.000ha lúa chết cháy, bỏ hẳn. Ngoài ra, 2 địa phương xảy ra 36 vụ cháy rừng trồng, thiêu rụi 300ha rừng Phú Yên, 200ha tại Bình Định.

Theo phản ánh của người dân, khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều người ở TP Tuy Hòa đến dọc bờ biển ở đây để thuê đất nuôi hồ tôm cao triều. Hàng trăm hồ tôm, mỗi hồ tôm có ít nhất 1 giếng khoan giữa rừng dương và bơm liên tục dẫn đến lượng nước ngọt dưới lòng đất cạn kiệt.

Nhóm PV – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Ảnh: Rừng phi lao ven biển Phú Yên mới trồng bị chết cháy trên cát. Ảnh: NGỌC OAI

Xem bài viết gốc tại đây:

http://www.sggp.org.vn/mien-trung-khat-nuoc-613088.html