Miền Trung: Bất an sống nơi sạt lở

Cứ sau những đợt mưa lũ, tình trạng sạt lở ở khu vực miền Trung lại diễn ra khắp nơi khiến người dân sống trong tâm trạng lo lắng

Những đợt lũ vừa qua, tỉnh Bình Định có ít nhất 35 điểm sạt lở. Trong đó, kinh hoàng nhất là vụ sạt lở núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát với khoảng 35.000 m3 đất, đá trôi theo dòng nước như thác đổ ầm ầm xuống khu dân cư.

Từ sạt lở núi

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở sự cố sạt lở tại núi Cấm. Theo đó, địa phương này tập trung khắc phục hậu quả vụ sạt lở tại núi Cấm và xây khu tái định cư, sơ tán khẩn cấp 117 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời mời chuyên gia nghiên cứu các giải pháp hạn chế sạt lở; chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, từng bước khôi phục hiện trạng rừng tự nhiên ở khu vực núi Cấm.

Theo ghi nhận của phóng viên, đã hơn 1 tháng qua nhưng vết tích của vụ sạt lở kinh hoàng trên núi Cấm vào tối 14-11-2021 vẫn còn ám ảnh người dân thôn Chánh Thắng. Trên vách tường của từng hộ và dòng kênh dọc theo đường bê-tông vào thôn Chánh Thắng vẫn còn dính đầy bùn đỏ trôi từ núi Cấm xuống. Núi Cấm bất ngờ sạt lở ở độ cao khoảng 150 m, tạo thành vệt sâu 6-7 m, hàng chục ngàn khối đất, đá theo dòng nước tràn xuống, uy hiếp khu dân cư dưới chân núi. Vài hôm sau, núi Cấm tiếp tục sạt lở tại vị trí thứ 2, cách vị trí đầu tiên khoảng 300 m. Bùn non, đất đỏ từ trên núi đổ xuống như thác, ngập cả khu dân cư, tràn vào từng hộ dân. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã khẩn trương sơ tán gần 90 hộ với khoảng 150 người sống dưới chân núi đến nơi khác.

Sạt lở núi Cấm khiến đất, đá tràn xuống nhà dân. Ảnh: ĐỨC ANH

Theo người dân địa phương, đây là lần đầu tiên núi Cấm bị sạt lở kinh hoàng như vậy. Những năm trước, dù mưa to kéo dài cỡ nào, núi Cấm vẫn bình yên.

Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết nguyên nhân sạt lở núi Cấm là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Ngoài ra, nơi này xuất hiện tình trạng người dân phát dọn thực bì để trồng bạch đàn. Núi mất đi lớp ngoài bảo vệ cộng mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, chính quyền địa phương đang lên phương án bố trí tái định cư cho khoảng 130 hộ dân đang sống dưới chân núi Cấm. “Để dân ở lâu bên dưới chân núi Cấm không thể yên tâm được. Nay sạt lở vậy chứ các đợt mưa sắp đến hoặc mùa mưa năm sau có khi sạt lở hơn nữa, đá lăn xuống thì nguy hiểm lắm” – ông Kiên nói.

Đến sạt lở biển

Không chỉ núi mà tình trạng sạt lở cũng diễn ra ở bờ biển các tỉnh miền Trung đã uy hiếp nhà dân. Giữa tháng 12-2021, cơn bão muộn có tên quốc tế Rai (bão số 9) mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền nhưng biển động mạnh đã khiến bờ biển ở thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế lại tiếp tục xói lở. Ông Hồ Ngọc Văn (56 tuổi, người dân thôn Tân An) nói rằng cứ mùa mưa bão đến thì gia đình ông cũng như xóm làng ở đây lại có những tháng ngày bất an bởi lo tai họa ập đến từ biển cả.

Bờ biển xã Phú Thuận (tỉnh Thừa Thiên – Huế) sạt lở nghiêm trọng khiến cho nhiều nhà cửa bị phá hủy. Ảnh: QUANG TÁM

Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, hiện có khoảng 3,2 km đường biển chưa được xây dựng đê kè nên đã xảy ra tình trạng sạt lở trong mùa mưa bão, xung yếu nhất là đoạn thôn Tân An với chiều dài khoảng 1 km, ảnh hưởng trực tiếp 21 hộ dân với 96 khẩu. Vị trí này đã bị xâm thực cực kỳ nặng trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021. Trong những năm qua, nhiều đoàn lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục đến kiểm tra, quan sát rồi ghi nhận tình hình sạt lở ở Tân An nhưng đến nay cứ mỗi lần biển xâm thực thì bộ đội, người dân, chính quyền địa phương chỉ biết xúc từng bao cát làm tường chắn, hạn chế sự “tấn công” của biển.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết trong số 128 km bờ biển tỉnh Thừa Thiên – Huế thì hiện có 12,5 km bị sạt lở ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và TP Huế. “Tốc độ xói lở trung bình hằng năm từ 3-5 m, có nơi 5 -7 m. Riêng đoạn bờ biển qua xã Giang Hải thuộc huyện Phú Lộc trong 10 năm trở lại đây biển đã xóa sâu vào khoảng 200 m” – ông Hùng cho biết.

Sạt lở, xâm thực biển làm đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ biển, uy hiếp đến dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng đến 24 xã, thị trấn ven biển, có nguy cơ mở cửa biển mới, ảnh hưởng đến Quốc lộ 49B cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng cùng hệ sinh thái của 22.000 ha đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Trong khi đó, sau các đợt mưa bão liên tiếp xảy ra cuối năm 2021, bờ biển TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) kéo dài từ phường Cửa Đại đến phường Cẩm An tiếp tục bị sạt lở hết sức nặng nề. Ai có dịp đi dọc bờ biển Hội An những ngày này đều không khỏi xót xa trước cảnh hoang tàn của bờ biển từng được nhiều tạp chí du lịch uy tín bình chọn vào tốp những bãi biển đẹp nhất thế giới.

Đứng trên nhìn xuống, bờ biển Hội An ngổn ngang như một bãi chiến trường. Từng đợt sóng cao vỗ dồn dập vào bờ, nhấn chìm hàng trăm bao cát chất ngổn ngang dọc bờ biển. Cả trăm mét bờ kè dựng bằng đá phía sau các dãy nhà hàng cũng bị quật sập, tách ra từng mảng nằm lổn ngổn. Nhiều cây dừa cao lớn ven bãi biển là nét chấm phá tạo nên sức hút mãnh liệt đối với du khách đã bị sóng biển đánh ngã trơ gốc. Một số nhà hàng, nhà dân bị nước biển xâm thực, đánh trôi và chỉ còn trơ phần móng, nhiều nhà hàng khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển “nuốt chửng”.

Theo lãnh đạo UBND TP Hội An, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại bắt đầu diễn ra nghiêm trọng từ năm 2009. Từ khi tình trạng sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương bắt đầu “chạy theo” con nước. Các khu resort, nhà hàng ven biển cũng đua nhau xây kè để tự cứu. Mạnh ai nấy xây, sạt đâu làm kè ở đó. Tuy một số khu resort được cứu nhưng lại khiến tình trạng sạt lở lan dần. Cứ sau mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Đại bị sóng xé toang và chính quyền địa phương lại huy động lực lượng, máy móc đắp kè. Đến nay, vùng sạt lở đã dài đến vài cây số, lan rộng dần từ phía Nam ra hướng Bắc, kéo dài từ Cửa Đại đến An Bàng.

Cần thêm tiền để cứu sạt lở

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh đã có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp kinh phí năm 2021 khoảng 250 tỉ đồng để xử lý 5,3 km kè chống sạt lở bờ ở xã Phú Thuận và Phú Hải thuộc huyện Phú Vang; xã Giang Hải và Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bờ biển Hội An bị xói lở nghiêm trọng từ Cửa Đại đến khu vực bờ biển An Bàng với chiều dài khoảng 7 km. Trước tình hình xói lở nghiêm trọng của bờ biển Hội An, Chính phủ và địa phương đã quyết định đầu tư một số dự án để khắc phục với chiều dài 5,5 km.

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở tan hoang suốt nhiều năm liền. Ảnh: NGUYÊN LINH

Cụ thể, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ đầu tư dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư 1.128 tỉ đồng. Hiện nay, các ngành chức năng đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để trình phê duyệt và ký hiệp định để triển khai thực hiện trong quý III/2022. Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại với tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng. Đến thời điểm này, dự án đã triển khai thi công khoảng 500 m và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2022. Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An cũng đã chi hàng trăm tỉ đồng để thực hiện các dự án chống sạt lở bờ biển Cửa Đại.

Tuy nhiên, trong mùa mưa bão vừa qua, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại vẫn đang diễn ra với tốc độ nhanh, khốc liệt và nghiêm trọng hơn kéo dài về phía Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng với chiều dài 1,5 km là vô cùng cấp bách. Để triển khai dự án, cần có nguồn kinh phí hàng trăm tỉ đồng.

Phương án tối ưu bảo vệ biển Cửa Đại

Về phương pháp chống sạt lở bờ biển Hội An, ông Hồ Quang Bửu cho hay năm 2016, được sự tài trợ của AFD, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực hiện dự án Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững. Dự án đã đề xuất giải pháp tối ưu để bảo vệ bờ biển Hội An bằng cách xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng nhằm giảm thiểu tác động của sóng đến khu vực bờ biển, kết hợp công tác san lấp nuôi bãi để phục hồi bãi biển. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành nạo vét luồng Cửa Đại (từ cửa sông Thu Bồn đến bờ biển phía Bắc) để thuận lợi cho vận chuyển trầm tích đến bờ biển phía Bắc, đồng thời tạo nguồn cát để phục vụ nuôi bãi.

Đức Anh – Quang Tám – Trần Thường – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Hiện trường vụ sạt lở núi Cấm, tỉnh Bình Định. Ảnh: ĐỨC ANH

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/mien-trung-bat-an-song-noi-sat-lo-20220104194654287.htm