Mê Linh – Hà Nội: Trách nhiệm chính quyền ở đâu khi để tồn tại cơ sở chăn nuôi chim cút gây ô nhiễm?

Báo Tài nguyên và Môi trường có bài viết: “Mê Linh – Hà Nội: Dân khốn khổ vì cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm”. Đến nay, vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây vẫn không được cải thiện. Điều này, khiến người dân rất bức xúc và đặt câu hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

Tiếp tục làm rõ về công tác môi trường tại các cơ sở chăn nuôi chim cút, ông Đàm Văn Thành – Chuyên viên Phòng Kinh tế UBND huyện Mê Linh cho biết: Thời gian qua, trước sự phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở nuôi chim tại thôn Trung Hậu Đoài gây ra, các phòng ban chức năng của huyện Mê Linh phối hợp với chính quyền xã Tiền Phong mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức các buổi tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi.

Trong đó, thông qua các buổi sinh hoạt của các đoàn thể ở thôn, xóm lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hội viên về giữ gìn môi trường sống, nhất là những hộ chăn nuôi. Đối với ngành thú y UBND huyện Mê Linh giao cho các cán bộ, kỹ sư thuộc Trạm khuyến nông, Trạm thú y địa phương có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân, hướng dẫn các chủ cơ sở chăn nuôi chim cút tại thôn Trung Hậu Đoài, xã Tiền Phong cách thực hiện và sử dụng chế phẩm sinh học.

Được biết, ngày 7/7/2020 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND về việc “Ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Phân thải từ hoạt động chăn nuôi luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây

Theo đó, căn cứ Điểm a khoản 1 điều 1 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ghi rõ: Yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, hộ dân đang chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) phải dừng hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy định kể từ ngày 1/8/2020.

Nói về vấn đề này ông Thành cho hay, căn cứ vào chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, UBND huyện Mê Linh đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Cụ thể, hiện tại trong tổng số 16 xã và 2 thị trấn trên địa bàn thì có tới 13 xã có chăn nuôi. Tất cả sẽ tập trung đầu mối vào 4 đến 5 xã có vùng chăn nuôi. Trong đó, theo vị trí địa lý các hộ chăn nuôi chim cút tại thôn Trung Hậu Đoài di chuyển về một trong hai vùng chăn nuôi tập trung ở xã Tam Đồng hoặc xã Văn Khê với cự ly, khoảng cách 4 – 5 km so với khu vực chăn nuôi cũ.

Là người trực tiếp đi kiểm tra và tham mưu cho UBND xã xử lý về hành vi gây ô nhiễm môi trường, ông Đào Văn Tuấn – Cán bộ môi trường, địa chính, xây dựng UBND xã Tiền Phong cho biết: Việc đi kiểm tra, khảo sát thực tế mới thấy người dân bức xúc phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi chim cút là có cơ sở. Ông Tuấn cũng khẳng định nếu tình trạng ô nhiễm này tiếp tục tái diễn chính quyền xã Tiền Phong sẽ có biện pháp mạnh tay xử lý các sở chăn nuôi nói trên.

Chăn nuôi chim cút tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội đến bao giờ hết ô nhiễm?

Bên cạnh đó, ông Thành, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cũng hứa hẹn sau khi kết thúc cuộc trao đổi với phóng viên sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cụ thể, chi tiết về hướng xử lý, cũng như các biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi chim cút thôn Trung Hậu Đoài, xã Tiền Phong cho Báo Tài nguyên và Môi trường. Thế nhưng, hơn 2 tháng trôi qua phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ Phòng Kinh tế, UBND huyện Mê Linh?!

Không dừng lại ở đó qua gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hộ dân ở thôn Trung Hậu Đoài người dân nơi đây cho biết: Mặc dù người dân đã viết đơn thư phản ánh lên chính quyền xã Tiền Phong từ nhiều năm nay. Song cho đến thời điểm này tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường tại địa phương vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân sở tại.

Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng UBND huyện Mê Linh, Hà Nội.

Huy An – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Cở sở chăn nuôi tại thôn Trung Hậu Đoài, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/me-linh-ha-noi-trach-nhiem-chinh-quyen-o-dau-khi-de-ton-tai-co-so-chan-nuoi-chim-cut-gay-o-nhiem-319472.html