Mỗi điểm đặt máy dự kiến sẽ giúp giảm 1000 chai nhựa hoặc bao bì đa lớp bị thải bỏ/tháng từ đó giúp giảm đáng kể lượng cacbon thải bỏ từ quá trình khai thác – sản xuất – tiêu dùng và xử lý bao bì thải bỏ.
Ngày 30/8/ 2022, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh – GreenHub phối hợp cùng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại – Học viện Ngoại giao tổ chức sự kiện Chung kết cuộc thi Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation.
Cuộc thi được phát động từ ngày 8/7/2022. Tại vòng Chung kết, 5 đội thi bao gồm: One4One, Dấu Chân Xanh, Mana.st, VietCycle và DARAVIN đã trình bày đề án chi tiết của mình. Sau 5 phút trình bày, mỗi đội thi nhận câu hỏi của ban giám khảo và phản biện trong vòng 15 phút.
Kết quả chung cuộc, ngôi vị Quán quân thuộc về đội thi VietCycle với dự án CyclePacking: Máy bán hàng tự động.
Á quân gọi tên đội DARAVIN với dự án sản phẩm thay thế màng PE quấn pallet.
Ngôi vị Quý quân của cuộc thi là Mana.st với dự án Ống hút sậy thay thế ống hút nhựa.
Tổng giải thưởng dành cho Top 3 lên tới 17.000 USD cùng gói hỗ trợ đào tạo đồng hành cùng các chuyên gia và BTC, cụ thể: Quán quân (10.000 USD), Á quân (5.000 USD), Quý quân (2.000 USD). Ngoài ra, đội Quý quân Mana.st nhận thêm gói hỗ trợ 10.000 USD từ giám khảo Nguyễn Huy Minh – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Sunshine Holdings.
Bên cạnh Top 3 chung cuộc, BTC cuộc thi còn trao Giải Sáng kiến tiềm năng cho Công ty TNHH Sản Suất Xây Dựng Trọng Danh và Công ty TNHH Xã Hội Vì Người Khiếm Thính Việt Nam. Đây là 2 đội thuộc Top 30 của cuộc thi.
Dưới đây là 5 dự án tham dự chung kết cuộc thi:
CyclePacking là gói giải pháp gồm (1): máy bán hàng tự động thay đổi hành vi với các tính năng: cung cấp dịch vụ; cung cấp bao bì nhựa tái chế – bao bì mới 100% nhựa tái sinh, người tiêu dùng có thể mua chai tái sinh rồi làm đầy thông qua máy như với chai cũ; thanh toán tiện lợi qua tiền mặt/QRcode và (2): truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất qua refill, reuse, remanufacture, recycle; các hoạt động truyền thông sẽ được phát triển cùng các đối tác để phục vụ tốt nhất cho nhóm khách hàng mục tiêu. Năm 2022, VietCycle sản xuất 5 máy thí điểm và đặt tại các khu dân cư, mua sắm ở Hà Nội. Hoạt động thí điểm bao gồm cả đặt máy bán hàng và truyền thông tại cộng đồng. Mỗi điểm đặt máy dự kiến sẽ giúp giảm 1000 chai nhựa hoặc bao bì đa lớp bị thải bỏ/tháng, từ đó giúp giảm đáng kể lượng cacbon thải bỏ từ quá trình khai thác – sản xuất – tiêu dùng và xử lý bao bì thải bỏ.
Giải pháp sản phẩm thay thế màng PE quấn pallet trong các kho hànggiúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và giảm rác thải nhựa PE ra môi trường
DARAVIN (Công ty TNHH SXTM và KT MINH KHÔI) mang đến cho các doanh nghiệp, kho hàng giải pháp với những sản phẩm thay thế màng PE quấn pallet giúp cắt giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí lãng phí khi sử dụng màng PE (một loại màng được làm nhựa PE nguyên sinh). Các sản phẩm của DARAVIN được thiết kế có thể tái sử dụng được nhiều lần thay vì chỉ 1 lần như màng PE, do đó thân thiện với môi trường như: lưới quấn pallet tái sử dụng (sản phẩm này là chủ yếu và toàn diện nhất), tấm vải trùm quấn pallet, dây thun ràng pallet, dây chằng khóa cam, dây chằng tăng đơ… Kết quả hoạt động kinh doanh từ 2019 – tháng 7/2022 của DARAVIN đạt 45 khách hàng triển khai sử dụng sản phẩm thay thế màng PE quấn pallet, 25.000 sản phẩm được bán ra, 200 tấn rác thải nhựa từ màng PE quấn pallet đã được cắt giảm. Sáng kiến của DARAVIN góp phần kiến tạo nên những “kho hàng Xanh”, tạo nên thói quen giảm nhựa và bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp.
Dự án Trạm Refill: Giảm tải rác nhựa từ bao bì sử dụng một lần
Sản phẩm túi nhựa được One4One đầu tư bằng nhựa nguyên sinh, có thể tái sử dụng nhiều lần. Túi thay cho các loại can/chai, có ý nghĩa lớn trong lưu thông, lưu trữ, tiết kiệm chi phí tối đa. Với tính chất nhẹ bền, người tiêu dùng sau khi sử dụng có thể gom 5 – 10 túi rồi gửi về bằng đường bưu điện cho One4One, hoặc liên hệ trạm refill gần nhất. Túi nhựa nếu hư hỏng có thể được tái chế thành nhiều sản phẩm khác và lý tưởng hơn thì được sửa chữa để tiếp tục kéo dài tuổi thọ. One4One xây dựng mạng lưới trạm refill phủ khắp trên các thành phố lớn, là nơi lượng bao bì một lần được thải ra nhiều nhất, mục tiêu cách 5km sẽ có 01 trạm để người tiêu dùng xanh có thể tiếp cận một cách thuận tiện mô hình mua hàng tự cân đong hoặc trả lại bao bì. Hiện tại, One4One đã xây dựng được 30 trạm refill với 3000 túi được đưa vào sử dụng, gần 700 túi được tái sử dụng. One4One đặt mục tiêu giảm thải 10000 bao bì nhựa/năm.
Dự án Ống hút sậy thay thế ống hút nhựa
Dự án Mana.st được thực hiện giữa Công ty TNHH Mana.st – chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ từ Sậy – liên kết với Công ty cổ phần Raincoffee để cùng ước tính lượng rác thải nhựa từ việc phục vụ đồ uống tại quán cũng như đóng gói các sản phẩm giải khát mang về. Mô hình kinh doanh này nhằm mục tiêu chuyển đổi sử dụng hơn ba trăm ngàn ống hút nhựa sang sử dụng hoàn toàn ống hút sậy. Giải pháp Mana.st cung cấp các lợi ích cho các quán giải khát nhỏ lẻ bằng cách trợ giá sản phẩm ống hút sậy ngang bằng giá ống hút nhựa để xây dựng thói quen tiêu dùng mới cho 70 quán cà phê nhỏ lẻ. Điều đặc biệt trong sản phẩm ống hút sậy của Mana.st là sử dụng công nghệ phủ sữa để tránh bọ có thể tồn tại trong sản phẩm thuần tuý tự nhiên và có thể ngâm nước sôi, tái sử dụng qua phơi khô. Ngoài ra, Mana.st tiến hành thu hồi các ống hút sậy để làm thành than không khói – đây là nỗ lực của Mana.st nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong vòng cung cứng giữa Mana.st với vai trò nhà cung cấp và các quán giải khát nhỏ lẻ trong vai trò người mua ống hút sậy. Đội thi nhận được nhiều lời khen ngợi từ ban giám khảo về tính khả thi và những hiệu quả đã đạt được.
Dự án Tái chế vỏ hộp sữa
Dấu Chân Xanh lựa chọn tái chế vỏ hộp sữa (VHS) với năng suất hiện nay được 1-3 tấn/ngày và năng suất tối đa sau khi hoàn thiện một quy trình tái chế chuẩn để chuyển giao công nghệ có thể lên 5-10 tấn/ngày. Nguồn rác tái chế hiện nay của dự án đang được lấy chủ yếu từ các nhà máy sản xuất sữa, với rác thải vỏ hộp sữa của một nhà máy là 500kg/ngày. Với năng suất của Dấu Chân Xanh, dự án có thể tái chế 1/5 đến hết lượng rác thải VHS tại Hà Nội (10 tấn/ngày). Sau một thời gian tái chế vỏ hộp sữa, Dấu Chân Xanh đã thử kết hợp 3 loại rác thải giống với các thành phần của VHS là 75% giấy, 25% còn lại là nhựa và nhôm để tái chế. Ngoài VHS, Dấu Chân Xanh đã có thể tái chế thêm các loại nhựa 1 lần (loại nhựa có giá trị thấp, không giá trị đang không được tái chế). Hiện nay, Dấu Chân Xanh bắt đầu kết hợp với một số hội phụ nữ các quận, huyện và trường học ở Hà Nội để thu gom VHS và nhựa 1 lần như ống hút, nilong, vỏ sữa chua, hộp nhựa thức ăn nhanh… Trong tương lai, khi đủ nguồn lực, Dấu Chân Xanh có thể chuyển giao công nghệ đến các địa phương khác, để giải quyết vấn nạn rác VHS và nhựa 1 lần tại các địa phương đó.
Phát biểu bế mạc cuộc thi, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng BTC bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đơn vị, cá nhân đã đồng hành cùng cuộc thi suốt hơn 2 tháng qua. Bà cho biết, GreenHub, dự án LSPP và BTC cuộc thi sẽ tiếp tục hành trình hỗ trợ Top 3 lan toả dự án lớn hơn nữa đến cộng đồng.
Minh Đan
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)