Mất rừng chắn sóng, người dân ven biển Kỳ Anh ‘sống trong sợ hãi’

Hàng chục ha rừng phi lao chắn sóng dọc theo bãi biển các xã Kỳ Khang và Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị bão số 10/2017 san phẳng, cho đến thời điểm này vẫn chưa được khôi phục, khiến cho tình trạng mất đất do biển xâm thực ngày càng nặng nề.

Xuyên qua những triền cát trống lơ thơ những cây phi lao khẳng khiu, ông Hoàng Ngọc Thoại – Trưởng thôn Phú Hải (xã Kỳ Phú) chỉ cho chúng tôi xem một cây phượng cổ thụ, cành lá trơ trụi bởi khí hậu khắc nghiệt đứng chênh vênh sát chân sóng.

Theo ông Thoại, đây là một trong những dấu tích “sống” còn sót lại của làng biển cách đây chưa lâu. Từng là cây bóng mát trước ngõ của một gia đình, cây cổ thụ này đang có nguy cơ chung số phận với hàng ngàn, hàng vạn mét đất đã và đang bị biển nuốt chửng theo thời gian.

Cây phượng cổ thụ này có nguy cơ chung số phận với hàng vạn mét đất đã và đang bị biển nuốt chửng

Ông Thoại cũng cho biết, mấy chục năm trước, mặc dù chưa có rừng chắn cát nhưng nhờ thời tiết ôn hòa, tình trạng biển xâm thực hầu như rất ít. Tuy nhiên, sau này thời tiết trở nên cực đoan, khắc nghiệt hơn, bão lũ cũng thường xuyên xảy ra và kéo theo tốc độ lấn đất nhanh chóng. Người dân bị mất đất và cứ thế lùi dần vào trong đất liền đến hàng trăm mét mà vẫn chưa yên ổn mỗi khi thời tiết bất thường.

Nơi đây từng có vành đai cây phi lao chắn sóng, chắn gió vững chắc cho người dân xã Kỳ Khang

Trước thực trạng này, hơn 10 năm trước, hàng chục ha rừng phi lao đã được người dân các địa phương ven biển của 2 xã Kỳ Khang và Kỳ Phú trồng với chiều dài hơn chục km, qua thời gian đã tạo nên một vành đai chắn sóng, chắn gió vững chắc, góp phần làm chậm rõ rệt tốc độ xâm thực của biển trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Rừng chắn sóng nhiều năm tuổi ở xã Kỳ Phú cũng chỉ còn lại những dấu tích ít ỏi

Tuy nhiên, cơn bão số 10 năm 2017 đã làm gãy đỗ hầu hết rừng chắn sóng của 2 xã Kỳ Phú và Kỳ Khang. Trong nỗ lực thực hiện khôi phục sự cố bão lụt, các địa phương đã trồng mới được một phần diện tích cây phi lao đã bị hư hại.

Tuy nhiên, do giống cây không đảm bảo chất lượng, cộng với thời tiết khắc nghiệt nên tỷ lệ cây sống sót thấp hoặc kém phát triển. Do đó, sau 2 năm bị bão tàn phá, vành đai phi lao ngày nào giờ là những bãi đất trống mênh mông, lơ thơ một ít cây non và số ít cây còn sót lại sau bão.

Những gốc phi lao bị bão số 10 phá hủy vẫn còn chỏng chơ bên mép nước…

Rừng mất trong điều kiện khí hậu cực đoan đã để lại những hậu quả nhãn tiền. Không chỉ nước biển xâm thực và cuốn theo đất mà qua mỗi đợt lũ lụt, nước từ trong đất liền cũng ào ạt đổ ra biển gây xói lở nhanh chóng. Cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới vừa qua đã gây xói lở nghiêm trọng nhiều đoạn bờ biển của Kỳ Phú và Kỳ Khang.

Không còn vành đai xanh, sau cơn bão số 4 vừa qua, nhiều đoạn bờ biển của các xã Kỳ Khang và Kỳ Phú bị xói lở nghiêm trọng

Trưởng thôn Phú Hải (xã Kỳ Phú) Hoàng Ngọc Thoại cho biết thêm, ngoài diện tích đất bị mất thì diện tích đất ven bờ cũng bị sụt lún, thấp trũng theo từng năm. Nếu như trước đây, tàu thuyền của ngư dân mỗi khi cập bến được kéo lên cách bờ vài chục mét nơi cao ráo là có thể yên tâm kể cả khi mưa lũ. Nay, sau mỗi chuyến đánh bắt về, bà con phải kéo lên cách bờ hàng trăm mét, thậm chí phải đưa về tận sân nhà.

Ông Đợi và bà con ngư dân thôn Phú Hải đưa thuyền từ chỗ trú ngụ là sân nhà ra bãi biển, sau mấy ngày tránh lũ

“Không kéo thuyền vào trong đất liền thì sợ trôi mất, mà kéo vào tận nhà rồi lại lo kéo ra thì hết sức vất vả. Nếu không khôi phục lại được rừng hoặc xây kè chắn sóng thì không biết bao giờ ngư dân chúng tôi mới có thể yên tâm để mưu sinh” – ngư dân Nguyễn Tiến Đợi ở thôn Phú Hải bày tỏ.

Thực trạng không còn rừng chắn sóng và tốc độ xâm thực của biển ngày một trầm trọng khiến người dân sống ven bờ luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ, đặc biệt là mỗi khi mùa mưa lũ đến. Nhiều hộ gia đình nhà cửa xuống cấp, tạm bợ nhưng không buồn sửa sang do không biết phải di dời bất kỳ lúc nào.

Gia đình cụ Nguyễn Tựu và cụ Nguyễn Thị Sỹ sinh sống sát bờ biển, luôn ở trong tình trạng lo lắng, bất an

Gia đình cụ Nguyễn Tựu và cụ Nguyễn Thị Sỹ, thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú đều trên dưới 90 tuổi, từng sống cách xa bờ biển hơn nửa cây số nhưng hiện nay, chỉ còn cách biển vài chục mét.

“Trước đây, ra khỏi nhà là mịt mùng cả một rừng cây chắn sóng, chắn gió, dù có mưa lũ cũng còn yên tâm, nay mở mắt ra là nhìn thấy sóng nước, gia đình thường xuyên phải sống trong cảnh lo lắng bất an. Mặc dù cố gắng bám trụ nơi đất đai hương hỏa nhưng cứ thế này thì sớm muộn cũng phải tính đến chuyện di dời thôi” – cụ Nguyễn Thị Sỹ than thở.

Những cây phi lao hiếm hoi còn sót lại từ đợt khôi phục rừng chắn sóng bị tàn phá bởi bão số 10 ở xã Kỳ Phú

Ông Hồ Xuân Trính – Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang chia sẻ: “Trước thực trạng biển chiếm đất quá nhanh, một tuyến kè biển vững chãi đang là niềm mơ ước, cũng là nguyện vọng thiết thực của chính quyền và người dân. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, thì trồng rừng chắn sóng để bảo vệ đất đai vẫn được địa phương quan tâm và bằng mọi giá phải khôi phục lại nguyên trạng vành đai xanh như trước đây”.

Tại xã Kỳ Khang có 2 hộ sản xuất giống cây phi lao với khoảng 3 vạn cây chuẩn bị được trồng vào tháng tới

Được biết, hiện nay, các xã Kỳ Phú, Kỳ Khang đang vận động và hỗ trợ người dân sản xuất và ươm giống cây phi lao tại chỗ, xã sẽ thu mua và phát động toàn dân tham gia trồng rừng. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, các địa phương khó lòng trồng lại toàn bộ diện tích rừng phi lao chắn cát từng bị bão số 10 tàn phá.

Các địa phương ở Kỳ Anh mong muốn được cấp trên hỗ trợ thêm kinh phí hoặc kết nối với một dự án trồng rừng chắn sóng để có thể khôi phục vành đai vững chãi cho các làng biển.

Vũ Huyền – Báo Hà Tĩnh

Theo Hà Tĩnh

Ảnh: Mất 16 ha cây phi lao chắn sóng, bờ biển thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang bị xói lở nghiêm trọng bởi những cơn lũ vừa qua

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baohatinh.vn/ban-doc-viet/mat-rung-chan-song-nguoi-dan-ven-bien-ky-anh-song-trong-so-hai/178907.htm