Theo Ban Quản lý dự án giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban Giải phóng mặt bằng), việc giải phóng mặt bằng các dự án ở Đồng Nai gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc.
Những năm qua, Đồng Nai trở thành “đại công trường” với hàng loạt dự án lớn được triển khai. Các dự án đều được ngành chức năng đôn đốc, bố trí đủ vốn để thực hiện. Tuy nhiên, rất nhiều dự án rơi vào tình trạng ì ạch, ngưng trệ vì vướng mặt bằng.
Dự án đường và dự án kè ven sông Đồng Nai (từ cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) với chiều dài hơn 5 km, tổng vốn đầu tư trên 1.950 tỷ đồng. Đây là 2 dự án song song, có liên hệ mật thiết với nhau.
Với phần kè, do thuận lợi về mặt bằng nên đến nay, qua 10 tháng thi công, liên danh nhà thầu đã hoàn thành hơn 55% khối lượng công việc, dự kiến quý I/2024, toàn bộ kè sẽ làm xong.
Về phần đường, dù đã qua gần 2 năm thi công nhưng toàn tuyến vẫn rất ngổn ngang, mới hoàn thành 48% khối lượng công việc, trong phạm vi dự án hàng loạt hộ vẫn còn sinh sống.
Đại diện liên danh nhà thầu đường, kè ven sông Đồng Nai cho biết, dự án đường và kè có nhiều điểm tương đồng (điều kiện thi công, năng lực nhà thầu), nhưng phần kè không vướng mặt bằng nên triển khai nhanh, phần đường mặt bằng “da beo” nên thi công rời rạc. Nhà thầu đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, máy móc, chỉ mong hoàn thành nhiều khối lượng công việc, nhưng thiếu mặt bằng buộc phải thi công cầm chừng.
Dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa có chiều dài hơn 5,4 km, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, khởi công vào tháng 1/2023. Trong dự án, hạng mục cầu Thống Nhất và đường dẫn 2 đầu cầu là quan trọng nhất, đóng vai trò kết nối, song sau 10 tháng khởi công, cầu Thống Nhất vẫn ngưng trệ. Nguyên nhân do phạm vi triển khai cầu có hơn 260 lồng, bè nuôi cá chưa di dời, các phương tiện không thể tiếp cận công trường.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34 km với 2 dự án thành phần. Đến nay, cao tốc đã khởi công được gần 4 tháng nhưng Đồng Nai mới bàn giao được khoảng 12 ha mặt bằng, tiến độ dự án rất chậm, không đảm bảo.
Ông Nguyễn Tất Nam, Giám đốc điều hành liên danh gói thầu số 9, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cho biết, các nhà thầu đã chuẩn bị đẩy đủ nhân lực, máy móc, sẵn sàng thi công đồng loạt. Nhà thầu cam kết đảm bảo tiến độ gói thầu số 9 với điều kiện được bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch.
Theo Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa (Ban Quản lý), hiện đơn vị đang triển khai gần 100 dự án; trong đó, 95% dự án vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ. Năm 2023, Ban Quản lý được phân bổ số vốn hơn 700 tỷ đồng, nguồn này đủ để chi bồi thường, hỗ trợ, quyết toán với đơn vị thi công. Nhưng do giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên việc giải ngân vốn chưa đạt mục tiêu.
Ông Nguyễn Tôn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý cho biết, đường ven sông Đồng Nai phải thu hồi hơn 17 ha đất của các tổ chức và gần 550 hộ, đến nay đã bàn giao hơn 4 km mặt bằng. Tiến độ dự án phụ thuộc vào giải phóng mặt bằng, nếu tháng 12 này toàn bộ mặt bằng được bàn giao, tháng 6/2024 công trình sẽ hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai, Ban Giao thông được giao 23 dự án trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, hầu hết dự án đều vướng mặt bằng. Với hạng mục cầu Thống Nhất, ngành chức năng Đồng Nai đã thống nhất phương án di dời lồng, bè cá, tháng 11 tới sẽ huy động các nguồn lực đồng loạt thi công.
Theo Ban Quản lý dự án giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban Giải phóng mặt bằng), việc giải phóng mặt bằng các dự án ở Đồng Nai gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do nhiều hộ mua bán đất bằng giấy viết tay, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp; nhiều thửa đất người chủ sở hữu đã chuyển đến nơi khác sinh sống, thửa đất bị chia nhỏ thành từng lô, mua bán phức tạp. Những điều này khiến ngành chức năng mất nhiều thời gian xác nhận nguồn gốc, phát sinh tranh chấp. Ngoài ra, đa số dự án khởi công khi chưa xây dựng khu tái định cư, người bị thu hồi đất thiếu chỗ ở. Nhiều đơn vị thiếu nhân lực làm công tác bồi thường, hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng chia sẻ, tại cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, ngành chức năng phải thu hồi đất của khoảng 3.700 hộ tại 11 xã, phường. Các đơn vị đã dồn toàn lực, làm việc cả ban đêm, ngày nghỉ nhưng mỗi tổ kiểm đếm đất đai, tài sản chỉ có vài 3 người, khối lượng công việc quá lớn, không thể làm nhanh được. Ban Giải phóng mặt bằng kiến nghị Đồng Nai tăng cường nhân lực làm công tác bồi thường cho các địa phương. Quản lý chặt đất đai, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Quá trình triển khai dự án vấn đề tái định cư phải đi trước.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng giải ngân đầu tư công, tỉnh đã ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng; rà soát lại cơ cấu tổ chức, nhân sự thực hiện bồi thường, tái định cư nhằm điều động nhân lực từ các đơn vị đến hỗ trợ xã, phường có dự án lớn đi qua. Các địa phương thành lập các tổ vận động bàn giao mặt bằng, trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án, đồng thuận bàn giao mặt bằng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ là người chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.
Công Phong/TTXVN
Theo Bnews
Ảnh: Việc thi công đường ven sông Đồng Nai gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ dân chưa di dời. Ảnh: Công Phong – TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/mat-bang-yeu-to-quyet-dinh-tien-do-cac-du-an/313607.html