Việc chấm dứt chủ trương đầu tư và thu hồi đất được giao dự án nhưng không triển khai cho thấy sự mạnh tay của chính quyền Hải Phòng đối với những nhà đầu tư ôm đất bỏ hoang
TP Hải Phòng mới đây đã có quyết định về việc thu hồi đất với diện tích hơn 13.500 m2 của Công ty TNHH Du lịch và Ðầu tư EIE (Công ty EIE) tại lô 20A Lê Hồng Phong, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền. Đây được xem là khu “đất vàng” nằm trên tuyến đường đẹp nhất Hải Phòng. Động thái này thể hiện thái độ cứng rắn của chính quyền thành phố đối với nhà đầu tư “ôm” đất bỏ hoang.
Bỏ hoang gần 20 năm
UBND TP Hải Phòng vào tháng 12-2005 có Quyết định 2803 giao hơn 31.000 m2 đất (mặt bằng sạch) tại lô 20A Lê Hồng Phong, thuộc khu đô thị mới Ngã Năm – sân bay Cát Bi (trên địa bàn phường Đằng Giang) cho Công ty EIE thực hiện dự án Trung tâm Thương mại EIE. Vào thời điểm đó, đây là một trong những dự án được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, trong gần 20 năm qua, ngoài phần diện tích đã xây dựng siêu thị Big C Hải Phòng (nay là Go! Hải Phòng), doanh nghiệp (DN) này vẫn để hoang hơn 13.500 m2 đất trên tuyến đường trung tâm đẹp nhất thành phố cảng.
Sau nhiều lần đối thoại, giải quyết các vướng mắc và gia hạn sử dụng, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 4511, chỉ đạo thu hồi hơn 13.500 m2 đất của Công ty EIE; thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Công ty EIE.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết thời gian qua thành phố đã kiên quyết thu hồi rất nhiều khu “đất vàng” của các DN được giao nhưng chậm tiến độ, không thực hiện dự án. Điển hình, UBND TP Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi và tiến hành cưỡng chế thu hồi diện tích đất gần 10.000 m2 của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng, cũng trên tuyến đường Lê Hồng Phong. Khu đất này được giao cùng thời kỳ với khu đất của Công ty EIE, cũng nhằm xây dựng trung tâm thương mại và được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt tương tự.
Theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, nhiều năm qua, Công ty Duy Hưng không đầu tư thực hiện dự án dù các cơ quan chức năng thúc giục nhiều lần và đã được gia hạn, giãn, hoãn tiến độ theo quy định. Do DN không chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND TP Hải Phòng, cơ quan chức năng buộc phải tiến hành cưỡng chế vào tháng 3-2022.
Lập lại kỷ cương
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hơn 20 năm trước, trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu đô thị Ngã Năm – sân bay Cát Bi nhằm kích cầu, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, chính quyền TP Hải Phòng đã ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là chính sách miễn giảm tiền thuê đất và các thủ tục hành chính. UBND TP Hải Phòng đã cho phép một số DN đầu tư dự án cao ốc, trung tâm thương mại nếu đáp ứng các điều kiện về mặt bằng, chiều cao và vốn đầu tư công trình sẽ được miễn, giảm 100% tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có Công ty TNHH Thùy Dương hoàn thành việc xây dựng trung tâm thương mại như cam kết, còn lại đều không triển khai hoặc thực hiện dở dang. Đáng chú ý, cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu DN “ôm đất” để chuyển nhượng nhằm trục lợi trái pháp luật.
Cùng thời điểm đó, nhiều dự án phát triển khác của TP Hải Phòng cũng rơi vào tình cảnh tương tự, dẫn đến thực trạng hoang phí tài nguyên đất, thất thoát nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong những khu vực phải giải tỏa mặt bằng thực hiện các dự án. Trong đó, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc 2 quận Dương Kinh và Đồ Sơn, hàng ngàn hecta đất đã được giao cho các DN nhưng phần lớn không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí còn khiến bộ mặt những khu đô thị mới của thành phố trở nên nhếch nhác.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp nhưng tình hình vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn còn nhiều phức tạp. Trong đó phổ biến là các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; cho thuê, cho mượn trái pháp luật; nợ đọng tiền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hình thức mua bán tài sản trên đất nhằm trốn thuế, gây thất thu ngân sách.
Do đó, chính quyền TP Hải Phòng đã chủ trương quyết liệt rà soát, chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng đất. HĐND thành phố cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề “thu hồi diện tích đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất”.
Trong quá trình kiểm tra, rà soát, UBND TP Hải Phòng phát hiện 254 dự án sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm, đã xử lý 114 dự án, trong đó ra quyết định thu hồi 14 dự án với diện tích sử dụng đất rất lớn.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, việc thành phố quyết liệt thu hồi các dự án không hiệu quả sẽ góp phần lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai trên địa bàn, đồng thời bổ sung nguồn quỹ đất để hướng đến những dự án hiệu quả thiết thực hơn trong giai đoạn tới.
UBND TP Hải Phòng vào cuối năm 2022 đã quyết định chấm dứt chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao 72 tầng tại số 4 Trần Phú (quận Ngô Quyền) do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư. Trước đó, tháng 5-2020, Tập đoàn FLC đã tổ chức động thổ dự án tổ hợp do Tập đoàn FLC đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.400 tỉ đồng. Dự án cao ốc mang tên FLC Diamond 72 Tower được triển khai xây dựng trên khu đất hơn 13.000 m2 tại vị trí đắc địa giao giữa đường Trần Phú với đường Lê Thánh Tông ở trung tâm TP Hải Phòng. Tuy nhiên, sau khi được TP Hải Phòng ra quyết định chủ trương đầu tư, Tập đoàn FLC không thực hiện các thủ tục cần thiết như ký quỹ, thuê đất, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng. Đến cuối năm 2020, sau hơn nửa năm động thổ, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống với cỏ dại mọc um tùm. |
Bài và ảnh: Trọng Đức – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Khu “đất vàng” của Công ty EIE bị bỏ hoang nhiều năm
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/ha-noi/manh-tay-thu-hoi-dat-vang-bo-hoang-20230406201306416.htm