Để đạt mục tiêu có khoảng 5.000km vào năm 2030, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra mục tiêu đầu tư hoàn thành thêm hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc.
Trong điều kiện vốn ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng được một phần và mang tính khơi nguồn, hàng loạt các dự án cao tốc thời kỳ 2021-2030 được đầu tư mới sẽ phải huy động nhiều nguồn vốn đi kèm với các cơ chế, chính sách mới có thể hoàn thành mục tiêu số kilômét cao tốc đề ra.
Mục tiêu 5.000km cao tốc vào năm 2030
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km.
Để đạt mục tiêu có khoảng 5.000km vào năm 2030, dự thảo Tờ trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 của Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra mục tiêu đầu tư hoàn thành thêm hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc.
Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đầu tư 5 tuyến cao tốc (Chợ Mới-Bắc Kạn, tuyến nối thành phố Hà Giang với Nội Bài-Lào Cai, Hòa Bình-Mộc Châu-Sơn La, Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Phú Thọ-Chợ Bến). Vùng đồng bằng sông Hồng đầu tư đường vành đai 4, 5-vùng Thủ đô. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ làm tuyến cao tốc Vinh-Thanh Thủy.
Vùng Tây Nguyên đầu tư 4 tuyến cao tốc (Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương, Buôn Ma Thuột-Vân Phong, Quy Nhơn-Pleiku). Vùng Đông Nam Bộ làm 8 tuyến đường bộ cao tốc (Dầu Giây-Tân Phú, Biên Hòa-Vũng Tàu, Chơn Thành-Đức Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Gò Dầu-Xa Mát, vành đai 3, 4-vùng Thành phố Hồ Chí Minh).
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư 8 tuyến đường bộ cao tốc (Cần Thơ-Sóc Trăng-Trần Đề, Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ, Mỹ An-Cao Lãnh, An Hữu-Cao Lãnh, Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Hà Tiên-Rạch Giá, Hồng Ngự-Trà Vinh).
Với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, phía Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng cơ bản kết nối thuận lợi, từng bước xóa bỏ các hạn chế về điều kiện địa lý giữa các vùng, miền, khu vực, cho phép rút ngắn thời gian đi lại cũng như thay đổi khái niệm về không gian giữa các địa phương, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại các khu vực kém phát triển, góp phần mở rộng không gian, chia sẻ và giảm áp lực cho các đô thị lớn.
Phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các địa phương
Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra tính toán về nhu cầu vốn đầu tư các tuyến cao tốc; trong đó giai đoạn giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 khoảng 395.670 tỷ đồng, gồm: Ngân sách Nhà nước 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng.
Để huy động đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách Nhà nước hàng năm đạt 3,5-4,5% GDP, trong đó ưu tiên hỗ trợ tham gia các dự án PPP kém hấp dẫn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho các khu vực khó khăn; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế.
Nguồn vốn ngân sách sẽ sử dụng nguồn lực Nhà nước phân bổ theo đầu tư công trung hạn, cân đối bổ sung từ nguồn vượt thu, nguồn dự phòng đầu tư công, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương đồng thời cần sử dụng nguồn thu phí trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Chính phủ cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước và mở rộng cho một số ngân hàng thương mại cổ phần.
Ngoài ra, Chính phủ thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho các địa phương tổ chức triển khai đầu tư hạ tầng giao thông theo cơ chế như địa phương tự cân đối kinh phí và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án…
Đặc biệt, các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ, để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…/.
Tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 vào tháng Năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phương hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phải xác định rõ nhu cầu đầu tư đường cao tốc; bám sát các điều kiện thực tế, cũng như các khó khăn, vướng mắc… để từ đó xác định đúng tình hình, có bước đi phù hợp.
Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông (toàn quốc có khoảng 3.000 km), đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng…
Các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, các địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.
Theo VietnamPlus
Ảnh: Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.vietnamplus.vn/mang-luoi-duong-cao-toc-thoi-ky-20212030-se-duoc-dau-tu-ra-sao/718115.vnp