Bộ Y tế vừa ban hành khuyến cáo người dân chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, hiện người dân vẫn nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau trên một số trang mạng xã hội, tờ rơi. Vậy hành vi vi phạm này sẽ đối diện với mức phạt thế nào?
Theo Luật sư Hoàng Dương, đoàn Luật sư TP Hà Nội, khuyến cáo của Bộ Y tế cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 vừa ban hành là rất kịp thời, thực sự cần thiết. Hiện nay có tình trạng xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa không đảm bảo chất lượng. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.
Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành khuyến cáo, trong đó có một số nội dung như: người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép; tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép; khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.
Như vậy, theo Luật sư Hoàng Dương, trường hợp người dân khi nhận được những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác hãy nhanh chóng cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, bởi khi tiêm phải trả tiền nên hành vi này có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Bộ luật Hình sự 2015 ( tại Điều 174, Chương XVI). Quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân khi được cơ quan điều tra ban hành kết quả điều tra, cơ quan tố tụng sẽ dựa vào mức độ số tiền hoặc hình thức chiếm đoạt sẽ có phương thức xử lý thích đáng, đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, để tránh bị các đối tượng lạm dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mọi công dân cần thực hiện nghiêm những khuyến cáo từ Bộ Y tế, bởi các loại vắc xin phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19; được cấp phép lưu hành trên cơ sở kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin theo quy định. Và điều đặc biệt mà người dân cần lưu ý, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo” – Luật sư Hoàng Dương phân tích thêm.