Lựa chọn các công nghệ xử lý rác mới, các địa phương cần ưu tiên những công nghệ không làm phát sinh thêm những chất thải ô nhiễm ra môi trường,
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây, đòi hỏi cần có những biện pháp kịp thời và công nghệ xử lý phù hợp để bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt*. Theo đó, quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững đất nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Mỗi ngày, toàn quốc phát sinh hơn 60.000 tấn CTRSH, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTRSH tại khu vực đô thị trung bình đạt 92% và khu vực nông thôn đạt 66%, trong đó: 13% khối lượng CTRSH được thiêu đốt, 16% được chế biến compost và khoảng 71% được chôn lấp. Chất thải nhựa khó phân hủy (với tỷ lệ trong các bãi chôn lấp CTRSH ước tính khoảng 6 – 8%) cũng đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý CTRSH.
Đáng chú ý, số lượng rác thải này hầu hết chỉ được chôn lấp trong khi đó nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác thải (XLRT) tại tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang trong tình trạng quá tải. Một số bãi chôn lấp rác thải quy mô lớn (từ một đến vài nghìn tấn/ngày) gây ô nhiễm cho cả khu vực rộng lớn với khoảng cách xa tới cả chục km. Nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp không được thu gom, xử lý triệt để, kịp thời đã gây ô nhiễm các nguồn nước mặt, thấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Nhiều nhà máy xử lý rác đang tồn đọng hàng chục nghìn (thậm chí hàng trăm nghìn) tấn rác thải chưa xử lý, được chất đống tại các bãi hở, không có mái che, không có chống thấm nền, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, nước mưa chảy tràn, không có biện pháp xử lý mùi hôi. Đây đang là những nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước những nguy cơ, sức ép do lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển KT-XH, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải nhanh chóng áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải.
Lựa chọn công nghệ nào?
Mỗi công nghệ xử lý CTRSH hiện nay đều có những ưu/nhược điểm riêng. Vấn đề đặt ra là các nhà máy xử lý CTRSH khi đưa vào sử dụng cần đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ xử lý CTRSH cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng/miền; theo xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ rác thải. CTRSH ở Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… do đó công nghệ xử lý CTR phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có chi phí đầu tư phù hợp.
Nhiều địa phương cũng đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ để triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào xử lý rác thải. Đơn cử như Hà Nội, UBND TP đã định hướng trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. Đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ đốt phát điện được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang trong quá trình hoàn thành là Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) và nhà máy điện rác Seraphin đặt tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây).
Theo các chuyên gia, công nghệ đốt rác phát điện giúp giải quyết được tình trạng rác thải bừa bãi tại các địa phương. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ phát huy hiệu quả với điều kiện, các lò đốt phải được xây dựng thiết kế và hoạt động theo đúng nguyên lý, đảm bảo duy trì nhiệt độ ở mức trên 1.200 độ (mức nhiệt khiến dioxin phân hủy thành các chất không độc hại). Hiện nhiều lò đốt rác không đảm bảo điều này.
Cũng có nhiều công nghệ xử lý rác đã áp dụng tại Việt Nam như công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy, đốt phát điện, sản xuất phân compost… nhưng sau một thời gian áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập, làm phát sinh những vấn đề ô nhiễm trường. Bởi lẽ, phần lớn rác thải ở Việt Nam hiện nay chưa được phân loại tại nguồn nên lượng chất vô cơ trong rác như plastic, nhựa, lốp xe… khá nhiều. Nếu chỉ đốt rác bằng công nghệ thông thường thì lượng khí thải độc hại sẽ rất lớn. Nếu công nghệ áp dụng không được thẩm định kỹ, không xử lý được lượng khí thải độc hại sinh ra thì sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều công nghệ tối ưu nhưng lại có giá thành quá cao nên các địa phương gặp khó khi kêu gọi đầu tư. Cụ thể, các Bộ, ngành nhận định công nghệ tối ưu xử lý rác thải là công nghệ plasma nhưng chi phí đầu tư, vận hành cao, đòi hỏi lượng rác phải phù hợp… Nguyên tắc xử lý rác thải bằng công nghệ plasma là đưa nhiệt trị rất lớn, khoảng 4.000 độ C vào lò đốt. Điều này đòi hỏi chi phí để cung cấp được lượng nhiệt trị này sẽ rất lớn. Khi đầu tư lớn như vậy, nếu các tỉnh có nguồn thu ngân sách ít thì không đủ khả năng chi trả. Và, nếu kêu gọi xã hội hóa, nhà đầu tư không thấy có lãi sẽ không mặn mà.
Nhiều ý kiến cho rằng, xử lý rác thải là vấn đề cấp thiết của mỗi địa phương. Đối với việc lựa chọn các công nghệ xử lý rác mới, các địa phương cần ưu tiên những công nghệ không làm phát sinh thêm những chất thải ô nhiễm ra môi trường, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để lựa chọn một công nghệ xử lý rác an toàn, hiệu quả nhà nước cần có cơ chế, chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.
Về mặt quản lý nhà nước, các bộ/ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia về bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.
Mặt khác, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính. Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nói chung hay công tác quản lý chất thải rắn nói riêng là việc làm cần thiết và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay.
Đối với một nước đang phát triển với mật độ dân số khá cao, đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như Việt Nam, công tác xử lý CTRSH có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong các tiêu chí giúp Việt Nam có đủ năng lực để hội nhập quốc tế về mọi mặt. Thiết nghĩ, việc giải quyết những tồn tại nói trên sẽ góp phần tích cực trong công tác xử lý CTRSH.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)