Lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai?

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Câu hỏi: Thửa đất và nhà ở tôi và gia đình tôi đang sinh sống lâu đời trên đất, hiện nay đang tranh chấp với hai hộ bên cạnh, hiện đang hoà giải tại xã, vậy cho tôi hỏi tôi có thể yêu cầu UBND huyện giải quyết sau khi hoà giải hay không? Có nhất thiết phải khởi kiện ra toà để yêu cầu giải quyết tranh chấp với 2 hộ bên cạnh hay không? Nếu huyện giải quyết thì trình tự, thủ tục ra sao? Trân trọng!

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Theo đó, hiện nay hộ gia đình bạn đang xảy ra tranh chấp đất đai với 02 hộ gia đình lân cận mà chưa tìm được tiếng nói chung.

Căn cứ vào Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì trước tiên bạn phải thực hiện thủ tục yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất thực hiện việc hoà giải trên cơ sở thực hiện phải có sự phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đối với trường hợp hoà giải không thành thì được giải quyết như sau:

+/ Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

+/ Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai: Hoặc là nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh theo quy định (đối với trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau thì UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết); Hoặc là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Bạn đối chiếu với 2 trường hợp nêu trên, trường hợp tranh chấp đất đai của gia đình bạn không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và bạn lựa chọn UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì trình tự, thủ tục giải quyết như sau:

Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (Sau khi đã có Biên bản hoà giải không thành của UBND cấp xã).

Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

Bước 3: Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:

+/ Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

+/ Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;

+/ Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

+/ Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, P.Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: Haiminhlawfirm@gmail.com