Thời điểm này, lũ về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm do các đập thủy điện tại thượng nguồn tích nước. Tuy nhiên, các đô thị trong vùng lại bị ngập, gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân
Theo Dự án Giám sát đập thủy điện Mê Kông của Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ), 20/45 đập thủy điện được giám sát trên sông này đã tích trữ 1,26 tỉ m3 nước. Việc tích trữ nước diễn ra tại các đập Tiểu Loan, Nọa Trát Độ (Trung Quốc); Nam Ngum 1 và 2, Theun Hinboun Expansion (Lào); Ubol Ratana (Thái Lan)…
Hai nguyên nhân lũ thấp
Dù phía Tây Nam Trung Quốc đã trải qua đợt hạn hán kỷ lục những tháng gần đây nhưng đập Nọa Trát Độ lại tích nước lên tới 71% dung tích hồ chứa, trong khi vào tháng 5-2022 chỉ 47%.
Do hạn hán nên đập Nọa Trát Độ tích nước chậm hơn, điều này khiến lũ tự nhiên của dòng sông bị suy yếu và trễ hơn các năm trước. Đập Tiểu Loan cũng có mực nước thấp hơn những năm trước. Tại Chiang Saen – Thái Lan, ngay dưới chân chuỗi đập thượng nguồn, ước tính lượng nước thiếu hụt so với bình thường lên đến 43%.
Theo Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina và lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông trong tháng 9-2022 sẽ ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Mực nước sông Mê Kông tại các trạm thượng lưu Chiang Sean, Chiang Khong và trung lưu Nong Khai (Thái Lan), Pakxe (Lào) đang có xu thế giảm. Nếu không có các hình thái thời tiết gây mưa lớn trên lưu vực thì dòng chảy tại trạm Kratie (Campuchia) trong đầu tháng 9 có khả năng đạt ở mức từ thấp hơn 10% đến gần tương đương trung bình nhiều năm (dao động từ 36 tỉ đến 40 tỉ m3).
Do đó, nguồn nước về ĐBSCL trong nửa đầu tháng 9-2022 được nhận định ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (An Giang) trong nửa đầu tháng 9 dao động trong khoảng 2,5 -2,7 m, cao hơn so với năm 2021 và đạt giá trị lớn nhất vào khoảng giữa tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn so với mức báo động I khoảng 1,1 m. Tổng lượng dòng chảy trong nửa đầu tháng 9 qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) ở mức từ 28,4 đến 29,8 tỉ m3, đạt khoảng 86%-91% giá trị trung bình nhiều năm.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho rằng đến thời điểm này, mực nước sông Mê Kông năm nay vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-1,5 m là do 2 nguyên nhân: Lượng mưa ở thượng nguồn thấp hơn trung bình nhiều năm và các đập thủy điện trên sông vẫn đang tích nước.
“Mùa khô năm 2022 vừa qua, các đập xả ra khá cạn nên từ đầu mùa mưa đến giờ tích vẫn chưa đầy nước. Tuy nhiên, thời tiết trong vùng Mê Kông vẫn đang trong tình trạng La Nina và dự kiến kéo dài đến cuối năm, do đó dự báo sẽ xảy ra mưa nhiều. Vì vậy, vẫn còn khả năng khi các đập đầy nước và xả ra trong tháng 10 tới thì ĐBSCL vẫn sẽ có lũ về nhưng rất muộn. Biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa thất thường, thêm vào đó sự vận hành tích/xả nước của các đập thủy điện càng làm rối loạn thủy văn sông Mê Kông” – chuyên gia này phân tích.
Ngập do thủy triều
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, trong lương lai, rất có thể mùa lũ sẽ chậm khoảng 2-4 tuần so với trước đây vì các đập tích nước cho đầy vào đầu mùa mưa. Sự vận hành tích/xả nước của các đập là vì lợi ích phát điện của nhà đầu tư chứ không phải vì lợi ích của người dân trong lưu vực Mê Kông.
Đáng chú ý là dù lũ về thấp nhưng nhiều đô thị trong vùng như TP Cần Thơ, TP Vĩnh Long… lại ngập nhiều ngày qua. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng các đô thị này ngập là theo chu kỳ nước rong quanh ngày rằm tháng 8 âm lịch. Từ nay tới cuối năm, ĐBSCL còn 3 đợt nước rong nữa vào các ngày 30-8, rằm tháng 9 và 30-9 âm lịch; mỗi đợt khoảng 3 ngày, mỗi ngày 2 lần nước lên khoảng vài giờ.
“Nhiều khả năng vào con nước 30-9 âm lịch sắp tới, TP Cần Thơ sẽ ngập nặng nhất trong năm nay. Bởi lẽ, lúc đó thủy triều từ phía biển vào có thể đụng với nước lũ sông Mê Kông từ trên đổ xuống, gặp nhau ở đoạn giữa đồng bằng” – ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng Cần Thơ, Vĩnh Long… không chịu ảnh hưởng của lũ mà là do thủy triều. Mực nước tại Cần Thơ năm nay cao hơn năm 2021. Thời điểm này năm ngoái, mực nước cao nhất chỉ 1,46 m, trong khi năm nay là 1,98 m.
“Dự báo rằm tháng 9 tới, mực nước sẽ cao hơn so với tháng 8 âm lịch nếu trên thượng nguồn mưa nhiều, nước tràn xuống dưới này làm mực nước tăng lên nên khả năng các đô thị sẽ ngập sâu” – ông Kỷ Quang Vinh nhấn mạnh.
Nghịch lý Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện giải thích thủy triều năm sau cao hơn năm trước là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do nước biển dâng, dù tốc độ chậm, chỉ vài mm/năm nhưng tích lũy dần dần nhiều năm. Thứ hai, đồng bằng vẫn đang sụt lún vài cm mỗi năm do khai thác nước ngầm quá mức. Thứ ba, thủy triều vào qua các nhánh lớn của sông Cửu Long không còn lan tỏa đi đâu được vì hai bên sông đều có đê cống chặn lại. Nước thủy triều chỉ chảy trong dòng chính nên mạnh hơn và dâng cao hơn trước đây. Có một nghịch lý là khi TP Cần Thơ và các đô thị khác ở vùng giữa đồng bằng bị ngập nặng thì ruộng vườn ở ngoại ô lại không hề ngập vì đê bao khép kín khắp nơi. Dòng sông không có không gian để lan tỏa nên nước càng dâng cao. |
Bài và ảnh: Ca Linh – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Triều cường gây ngập tại TP Cần Thơ trong những ngày qua
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/mien-tay-24h/lu-ve-thap-do-thi-van-ngap-20220918203945132.htm