Lớp phủ bề mặt thu giữ giọt bắn trong không khí

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern (Mỹ) vừa phát triển thành công một loại lớp phủ trong suốt chống virus, biến bất kỳ bề mặt nào thành “tấm keo dính” thu giữ các giọt bắn trong không khí.

Bệnh COVID-19 chủ yếu lây truyền qua chất dịch đường hô hấp được phát tán trong không khí khi người nhiễm bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi – bao gồm các giọt bắn lớn và hạt khí dung (aerosol). Biện pháp chính để loại bỏ những giọt bắn này là mở cửa sổ và sử dụng các thiết bị lọc không khí để thu giữ và loại chúng ra khỏi không khí nhanh hơn. Để tăng cường hiệu quả phòng chống nguy cơ nhiễm COVID-19 trong không khí, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern (Mỹ) vừa phát triển thành công một loại lớp phủ mới trong suốt chống virus, có thể biến bất kỳ bề mặt nào thành “tấm keo dính” để thu giữ các giọt bắn trong không khí.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng PAAm-DDA – loại polymer thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc và mỹ phẩm khác với công dụng giữ ẩm – để làm thành phần chính của lớp phủ mới. Họ dùng cọ quét dung dịch lỏng này lên nhiều bề mặt khác nhau và thực hiện các thử nghiệm để đánh giá hiệu quả thu giữ giọt bắn giữa bề mặt được quét chất phủ và bề mặt không có chất phủ.

Kết quả cuối cùng cho thấy so với tấm chắn bằng kính Mica bình thường, tấm chắn được quét lớp phủ mới đã “bắt” được hầu hết các hạt khí dung và 80% các giọt bắn lớn. Ngoài ra, do lớp phủ chứa PAAm-DDA giúp cho tấm chắn không bị thấm bẩn bởi các giọt bắn nên nó không cần phải làm sạch thường xuyên như các tấm chắn không được quét lớp chất phủ. Sau một thời gian sử dụng, người dùng chỉ cần lau sạch bằng nước và tiến hành quét lại.

Nhờ ưu điểm là có thể sử dụng trên nhiều bề mặt (bao gồm bê tông, kim loại và vải), trưởng nhóm Jiaxing Huang cho biết lớp phủ mới có thể dùng cho các khu vực ít tiếp xúc như tường hoặc rèm cửa để biến chúng thành “thiết bị chức năng” giúp thu giữ các aerosol.

Thiếu vitamin D có thể khiến bệnh COVID-19 thêm nặng

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu mới của trường Đại học Bar Ilan (Israel) cho thấy những bệnh nhân COVID-19 bị thiếu vitamin D có nguy cơ bị biến chứng nặng cao hơn người bình thường.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 1.176 bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 2-2021, trong đó 253 người có hàm lượng vitamin D trong cơ thể dưới mức trung bình. Những người này đều được đo hàm lượng vitamin D tối thiểu 14 ngày và tối đa là 730 ngày trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Quá trình điều trị cho thấy họ dễ bị các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng, cao hơn những người khác. Dù vậy, nhóm tác giả nhấn mạnh nghiên cứu này không khẳng định bổ sung vitamin D sẽ giúp bệnh nhân COVID-19 giảm bớt các triệu chứng nặng hoặc nguy cơ tử vong.

Theo AN NHIÊN/ WION, Daily Mail

Ảnh: Ảnh chụp 3D cho thấy lớp phủ mới thật sự có hiệu quả thu giữ các giọt bắn trong không khí.