Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra với cường độ và tần suất ngày càng nhiều, gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội trên toàn cầu và Việt Nam thuộc nhóm quốc gia phải chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra với cường độ và tần suất ngày càng nhiều, gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội trên toàn cầu và Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Giai đoạn 1995-2016, BĐKH gây ra tổn thất khoảng 14 nghìn tỷ đồng/năm với tốc độ gia tăng khoảng 12,7% hàng năm. Năm 2020 với nhiều cơn bão kỷ lục gây lũ lụt kéo dài, lũ chồng lũ, sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung làm 129 người chết và mất tích, 214 người bị thương; 111.200 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; hơn 1.000 ha lúa và 7.200 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2.300 tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, 2020). Những hậu quả do thiên tai đối với miền Trung hết sức nặng nề và kéo dài, công tác phục hồi kinh tế, xã hội và môi trường sau thiên tai con nhiều khó khăn. Các chuyên gia đã dự báo tới năm 2050 với kịch bản mực nước biển dâng từ 18 đến 38 cm, tổn thất do BĐKH gây ra đối với kinh tế Việt Nam có thể lên tới 2% GDP.
Nhằm tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi của các cộng đồng, thành phần kinh tế trước tác động của BĐKH, việc lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch các cấp cần phải được thực hiện triệt để, kịp thời, theo Điều 4.1 của Công ước quốc tế về BĐKH (các quốc gia trong đó có Việt Nam phải đưa vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển quốc gia và ngành). Việc lồng ghép các chính sách về BĐKH trong chính sách, kế hoạch phát triển của quốc gia và địa phương góp phần làm giảm tính dễ bị tổn thương và tăng khả năng thích ứng, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá chung việc lồng ghép BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch từ cấp quốc gia đến cấp địa phương chưa được thực hiện triệt để, cụ thể: khoảng 75% chiến lược có đề cập đến BĐKH ở phần quan điểm, 85% chiến lược có xác định giải pháp hoặc BĐKH được đề cập trong giải pháp, chỉ có khoảng 25% chiến lược xác định mục về/có liên quan đến BĐKH (theo Cục BĐKH, 2020).
Ngoài ra các chiến lược được ban hành sau Chiến lược Quốc gia về BĐKH song lại không đề cập đến BĐKH, và trong hầu hết các chiến lược, BĐKH được xem xét như một khía cạnh của bảo vệ môi trường, hoặc với các quy hoạch đã được phê duyệt giai đoạn trước, BĐKH luôn được gắn với BVMT hoặc phòng chống thiên tai. Trong hầu hết các quy hoạch, BĐKH không được đề cập trong mục tiêu tổng quát song lại được đề cập tại mục tiêu cụ thể. Còn một số khoảng trống trong việc triển khai lồng ghép như: Cơ chế điều phối chưa hiệu quả do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương còn chưa tốt, yêu cầu lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch còn thiếu hướng dẫn chi tiết. Nguồn nhân lực có chuyên môn, nhận thức về BĐKH và nguồn tài chính còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu về BĐKH/hồ sơ khí hậu quốc gia, tỉnh còn ít và thiếu đồng bộ, độ tin cậy chưa cao, trong đó lại thiếu các đánh giá chuyên sâu về tác động của BĐKH trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch…
Đứng trước sức ép và những nguy cơ rõ ràng từ BĐKH, đồng thời thể hiện trách nhiệm của một quốc gia tham gia trong Công ước quốc tế về BĐKH, ủy ban liên chính phủ về BĐKH, trong những năm qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước ban hành đã có những chỉ đạo về ứng phó với BĐKH, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Quyết định số … Ban hành chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH tại quyết định số1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020.
|
Thanh niên Sóc Trăng trồng 20.000 cây đước rừng phòng hộ ven biển. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
|
Tới đây, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022 đã quy định các điều khoản về lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH vào chiến lược, quy hoạch. Cụ thể, Điều 93, quy định:
1. Nội dung lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch bao gồm:
a) Kịch bản biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu được sử dụng trong việc xác định mục tiêu dài hạn của chiến lược, quy hoạch;
b) Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép vào nội dung của chiến lược, quy hoạch;
c) Kết quả phân tích, đánh giá giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội của chiến lược, quy hoạch.
2. Chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 25 của Luật này phải lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan./.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nước với sản xuất tại quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh Huy Thịnh