(Phapluatmoitruong.vn) – Mặc dù việc đòi chia đất là trái pháp luật, nhưng Công ty China Policy Limited (CPL) vẫn “bổn cũ soạn lại”, tiếp tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng.
Từ âm mưu “triệt hạ” chủ đầu tư bất thành…
Dự án “Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa” (gọi tắt Dự án), quy mô gần 500 ha, do Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư. Quá trình triển khai Dự án, Công ty Hồng Phát đã hợp tác với đối tác CPL bằng “Thỏa thuận khung” được ký ngày 01/06/2007. Theo đó, tổng số vốn đầu tư ban đầu của Dự án giai đoạn I (với 273 ha) là 140 triệu USD. Hai bên dự định sẽ ký kết Hợp đồng thành lập Công ty liên doanh, vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó, Hồng Phát góp 30% bằng giá trị Quyền sử dụng đất; CPL góp 70% bằng tiền mặt. Phía CPL đã chuyển 15,6 triệu USD cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Long An, để chi trả các khoản bồi thường thu hồi đất.
Chưa tới 3 tuần sau khi ký “Thỏa thuận khung” (thực chất là “Biên bản ghi nhớ”) với Hồng Phát, Dự án lúc này chỉ là khu đất trống, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng CPL và công ty mẹ Chuang’s đã đưa Dự án lên sàn giao dịch của thị trường chứng khoán Hongkong, quảng cáo với tên gọi “Saigon Beverly Hills”. Mục đích của CPL nhằm lừa gạt để các cổ đông và nhà đầu tư nhầm tưởng CPL đang sở hữu dự án bất động sản “khủng” tại Việt Nam nên đổ tiền đầu tư làm cổ phiếu tăng giá, giúp CPL thu lợi đến 80 triệu USD.
Theo kết quả xác minh của Bộ Công an, Công ty Hồng Phát mới biết CPL là một doanh nghiệp thuộc diện SPV (Special Purpose Vehicle) đăng ký hoạt động tại British Virgin Island (*). Cả Công ty mẹ Chuang’s cũng được lập ra tại một “thiên đường” khác! Tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 07/11/2018, Cục An ninh chính trị nội bộ – Bộ Công an, xác định: “CPL chưa đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.
Liên quan đến khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà CPL chuyển vào Việt Nam, nhiều chuyên gia pháp lý thuộc Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể:
CPL chuyển ngoại tệ vào Việt Nam khi chưa được cấp phép đầu tư cũng như chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam là trái với quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Việc chuyển tiền còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật về ngoại hối. Khoản ngoại tệ này, có dấu hiệu là khoản tiền đen, đưa vào Việt Nam với mục đích rửa tiền. Do đó, cần phải làm rõ tính hợp pháp của khoản ngoại tệ này, thì hai bên mới có thể tiếp tục ngồi lại bàn chuyện thành lập công ty liên doanh.
Đại diện Hồng Phát lên tiếng: “Khi biết được CPL lợi dụng việc hợp tác với Hồng Phát để “chuyển tiền lậu, đầu tư chui”, nhằm trục lợi lớn từ Dự án, chúng tôi rất lo ngại về những hành vi đang có dấu hiệu trái pháp luật của CPL. Bằng thiện chí, chúng tôi muốn giải quyết vụ việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật và mọi giao dịch phải minh bạch, khách quan nhưng CPL khước từ, đâm đơn tố cáo Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD. Đây là mưu đồ vô cùng thâm hiểm của CPL, muốn đẩy chủ đầu tư vào vòng lao lý để độc chiếm Dự án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và giải oan cho Hồng Phát, khi khẳng định chủ đầu tư không hề chiếm đoạt, mà sử dụng toàn bộ 15,6 triệu USD để đầu tư vào Dự án…”.
… Đến cưỡng ép lập “công ty liên doanh”
Từ đối tác, CPL đã tự biến mình thành đối nghịch với chủ đầu tư. Khi mục đích không thành, CPL khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (gọi tắt VIAC), yêu cầu Hồng Phát tiếp tục thực hiện “Thoả thuận khung”, là thành lập công ty liên doanh.
Hội đồng Trọng tài VIAC đã chấp nhận yêu cầu của CPL và ra Phán quyết Trọng tài số 29/12 ngày 25/4/2013, buộc Hồng Phát cùng CPL thành lập công ty liên doanh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý chỉ ra phán quyết này là trái pháp luật cả về hình thức lẫn nội dung. Bởi phán quyết mang tính áp đặt về quyền tự do giao dịch dân sự của các bên, vi phạm quyền tự do kinh doanh.
Đại diện Công ty Hồng Phát cho biết: Phán quyết Trọng tài lộ rõ vi hiến nhưng đã có hiệu lực nên Công ty Hồng Phát buộc phải chấp hành. Bằng chứng là Hồng Phát đã thi hành xong phần “phí trọng tài 91.365,73 USD”, tương đương hơn 2 tỷ đồng. Hơn 6 năm qua, Hồng Phát vẫn luôn là bên chủ động, tích cực và thiện chí trong mọi cuộc họp do cơ quan chức năng tổ chức hay họp bàn riêng giữa hai bên đương sự về việc thi hành Phán quyết Trọng tài.
Tại nhiều cuộc họp giải quyết việc thi hành Phán quyết Trọng tài, Công ty Hồng Phát luôn mong muốn cùng CPL bàn bạc, thỏa thuận đi đến thống nhất, ký Hợp đồng liên doanh, để có cơ sở, căn cứ pháp lý thực hiện các thủ tục xin phép cần thiết theo đúng quy định pháp luật, sớm có được giấy chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh.
CPL quảng cáo Dự án lên sàn chứng khoán Hongkong với tên gọi “Saigon Beverly Hills”.
Tuy nhiên, kể từ khi có Phán quyết Trọng tài, CPL bắt đầu lộ rõ mưu đồ chiếm hưởng dự án. CPL không thực thi theo phán quyết mà lại gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi dự án của Công ty Hồng Phát để chia và giao đất cho CPL! Cụ thể, CPL đã gửi đơn đề nghị Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất với 232,66 ha của Công ty Hồng Phát. Tiếp theo, CPL đề nghị UBND tỉnh Long An buộc Công ty Hồng Phát ngưng thực hiện Dự án trong phạm vi 13 Quyền sử dụng đất cho đến khi thỏa thuận liên doanh được ký kết.
Từ những trò “ma quỷ” của CPL cho đến những quyết định hành chính khó hiểu của Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An và Chủ tịch tỉnh Long An, dẫn đến hậu quả là chủ đầu tư dự án là công ty Hồng Phát phải đang gánh chịu cảnh “một cổ, hai tròng” khiến cho Dự án bị “cấm vận” toàn diện.
Và bỡn cợt pháp luật Việt Nam (!)
Trong văn bản mới nhất đề ngày 09/03/2021, CPL nêu: “CPL không còn một chút niềm tin đối với Công ty Hồng Phát vì Hồng Phát đã không tuân thủ Thỏa thuận khung và Phán quyết Trọng tài”. Viện ra lý do này, CPL lại tiếp tục có Văn bản khẩn thiết kiến nghị Chính phủ, UBND tỉnh Long An và các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đề xuất của CPL thu hồi Dự án để cấp một phần (130 ha đất) cho CPL tự thực hiện dự án riêng.
Phản ứng trước việc này, chủ đầu tư gay gắt: “Chính CPL xác định “mâu thuẫn kéo dài, không thể tháo gỡ” nhưng lại khởi kiện đòi lập liên doanh. Sau hơn 7 năm, CPL đảo ngược, xác định “liên doanh không khả thi” nên tự “xé toạc” Phán quyết Trọng tài, “khai tử” Dự án, để “chia phần”. CPL đã phơi bày hành vi bỡn cợt, chà đạp lên hệ thống pháp luật Việt Nam, dẫn dắt các cơ quan chức năng, trong đó có Cục THADS tỉnh Long An, xoay vòng theo CPL. Rõ ràng, CPL “khởi kiện đòi lập liên doanh” nhưng đích cuối cùng mà CPL muốn đạt được là “chia” 130 ha đất”.
Tại buổi làm việc sáng 9/3/2021, liên quan đến thi hành Phán quyết Trọng tài do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Long An đồng chủ trì (đại diện Viện KSND tối cao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh Long An tham dự), đại diện Công ty Hồng Phát nêu rõ quan điểm: “Việc chia tách 130 ha trong Dự án để tự đầu tư dự án riêng theo đề nghị của CPL không có trong Phán quyết Trọng tài và trái với quy định của pháp luật Việt Nam nên Hồng Phát bác bỏ”.
Dự án bị tê liệt do chịu “một cổ hai tròng”.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 11/10/2019, do Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì cùng sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương, yêu cầu tách Dự án, chia đất của CPL đã không được chấp nhận vì trái quy định pháp luật.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nguyễn Minh
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Một góc Dự án do Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư.
(*) British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh – BVI) được mệnh danh là “thiên đường thuế” (tax haven) là khái niệm để chỉ những nơi có chính sách ưu đãi về thuế cho cá nhân trú tại đây, hay các doanh nghiệp đặt trụ sở ở những nơi này. Theo đó, ở “thiên đường thuế” có chính sách bảo mật tốt về các thông tin tài sản của cá nhân hay doanh nghiệp (giống chính sách của ngân hàng Thụy Sĩ), ưu đãi về mức thuế suất thu trên lợi nhuận thấp. Đồng thời, những nơi này cũng có các thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng. Chi phí để thành lập và duy trì các hoạt động của những doanh nghiệp đặt trụ sở tại đây cũng thấp hơn các nơi khác.