Lợi ích kép nhờ việc phân loại rác thải tại nguồn

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, đơn vị xử lý rác thải có nhiều giải pháp hơn trong xử lý tái chế chất thải. Qua đó, không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế và xã hội.

Lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố hiện nay là 6.500 tấn/ngày. Đáng nói công tác xử lý rác thải hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Công tác này chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao. Điều này gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng môi trường.

Trong khi đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giữ vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (từ những năm 1999 tại Hồ Chí Minh và 2007 đối với Hà Nội), đến nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như Hưng Yên (2012 – 2014) Bắc Ninh (2014) Lào Cai (2016) Bình Dương (2017 – 2018) Đà Nẵng (2017)…

Cụ thể năm 2007 thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Đây là dự án phân loại chất thải tại nguồn (3R Hà Nội) được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện. Dự án bước đầu đã đưa khái niệm phân loại, thu gom, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học tại địa phương trong năm học 2007 – 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực tiếp theo trên địa bàn (Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ).

Sau khi dự án kết thúc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Một số khu vực vẫn sử dụng các phương tiện thu gom chất thải rắn thủ công, vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường.

Tại khu vực nội thành, hầu hết lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày đã được thu gom nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng. Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom chất thải rắn, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.

Nhận thấy những lợi ích của việc phân loại rác thải đem lại, từ đầu tháng 8/2020, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đã phối hợp thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa. Chương trình hiện đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.

Tuy nhiên cũng giống như chương trình thí điểm trước đây, hiện nay việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn gặp không ít trở ngại khi việc thực hiện chưa được nhân rộng trong cộng đồng dân cư, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, chưa đồng bộ mà chỉ mang tính phong trào.

Mới đây, Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) với mục tiêu hướng đến chất lượng môi trường tốt nhất cho quốc gia và người dân. Trong đó có một số nội dung liên quan đến việc yêu cầu hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải nếu rác thải chưa được phân loại theo quy định. Hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp cũng như người dân từng bước thay đổi thói quen cũ, cùng hướng tới một mục tiêu chung, tạo ra những chuyển biến rõ nét trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

N. Hoa – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Rác thải sinh hoạt chưa phân loại được vứt tại lòng đường ngay cạnh điểm tập kết rác tập trung

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/loi-ich-kep-nho-viec-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-116068.html