Lộc An (Đồng Nai): Trạm trộn bê tông ngang nhiên ‘mọc’ trên đất nông nghiệp?

Khu đất có mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng thời gian qua một trạm trộn bê tông được xây dựng và hoạt động rầm rộ bất chấp quy định của pháp luật.

Theo phản ánh của người dân tại xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, trạm trộn bê tông của công ty cổ phần Bê tông Tuấn Thịnh Phát ngang nhiên được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 1 ha đất nông nghiệp và đã đi vào hoạt động được một năm nay.

Qua ghi nhận thực tế tìm hiểu tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai được biết: Trạm trộn bê tông với quy mô lớn đã được xây dựng và hoạt động trái phép trên khu đất trồng cây hàng năm khác rộng khoảng 11.681,2m2 tại tờ bản đồ số 10, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng do ông Nguyễn Mạnh Hà là chủ sử dụng bao gồm các thửa: thửa 173 (500,7m2); thửa 172 (504,4m2); thửa 171 (505,5m2); thửa 170 (506,6m2); thửa 169 (516,9m2); thửa 168 (516,9m2); thửa 167 (425,2m2); thửa 166 (543m2); thửa 165 (1.012,3m2); thửa 162 (603,5m2); thửa 163 (500,2m2); thửa 161 (495m2); thửa 160 (404,6m2); thửa 159 (392,8m2); thửa 157 (503,9m2); thửa 158 (513,7m2); thửa 156 (501m2); thửa 155 (457,2m2); thửa 154 (622,3m2); thửa 153 (478,5m2); thửa 101 (600,7m2) và thửa 164 (586,6m2).

Mặc dù, các thửa đất nêu trên đều nằm trong quy hoạch đất ở tại nông thôn kết hợp trồng cây lâu năm và chưa được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Nhưng đến nay khu đất đã được quây tôn cao khoảng 2m bao quanh; bên trong xây dựng một trạm trộn bê tông quy mô lớn, tuy ở ngoài không hề treo biển hiệu nhưng trên những chiếc xe bồn vận chuyển tê tông tươi đi tiêu thụ lại ghi rõ Công ty cổ phần Bê tông Tuấn Thịnh Phát.

Nguyên vật liệu chất cao như núi nhưng chỉ được ngăn cách bằng tấm rào tôn mỏng manh

Bê tông thừa được xả thẳng ra môi trường không hề thông qua thu gom xử lý

Tuy rằng không có biển hiệu, xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng trạm trộn bê tông trái phép này lại hoạt động rầm rộ với công suất lớn gồm 4 silo xi măng, hệ thống định lượng, hệ thống điều khiển, hệ thống kết cấu thép, máy trộn, phần còn lại của khu đất dùng bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà bảo vệ…

Cơ quan chức năng khẳng định chưa hề nhận được văn bản, hồ sơ nào xin cấp phép trạm trộn bê tông

Qua trao đổi với đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, được biết, tại khu vực tờ bản đồ số 10 gồm 22 thửa đất nêu trên do ông Nguyễn Mạnh Hà là chủ sử dụng, chưa lập thủ tục xin cấp phép trạm trộn bê tông. Đến thời điểm hiện tại thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào của doanh nghiệp liên quan đến khu đất trên.

Theo chân đoàn xe vận chuyển bê tông tươi từ “trạm bê tông lụi” này nhận thấy, ngoài việc ngày đêm cày xới tung các cung đường, thì từng đoàn xe nối đuôi nhau vận chuyển bê tông từ trạm trộn bê tông lụi tới khu tái định cư Lộc An. Mới đây Thanh tra đội giao thông số 8 thuộc Sở GTVT Đồng Nai đã có biên bản làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai (Khu dân cư Lộc An) về việc tuyên truyền nhắc nhở nhà xe vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ công trình dự án Khu dân cư Lộc An không được lưu thông qua tuyến đường Long Đức – Lộc An do có biển hạn chế tải trọng, chỉ được lưu thông qua trên tuyến ngã 4 Lộc An vào tỉnh lộ 769 phục vụ cho dự án Khu dân cư Lộc An.

Trạm trộn không hề có biển hiệu nhưng thông qua những chiếc xe bồn vận chuyển bê tông, thì lại thấy tên Công ty Cổ phần bê tông Tuấn Thịnh Phát

Từng đoàn xe bon bon cày xới tuyến đường đổ về dự án Khu dân cư Lộc An

Hình ảnh ghi nhận xe bồn có tên Công ty Cổ phần bê tông Tuấn Thịnh Phát tại Dự án Khu dân cư Lộc An

Biển hiệu thông báo khu vực dự án

Có thể thấy ngoài việc cày xới các cung đường dẫn đến dự án Khu dân cư Lộc An thì từng đoàn xe tải chở đá, cát, xi măng cùng dàn xe bồn bê tông ra vào rầm rập, khói bụi bay mù mịt, nước mặt, cũng như nước rửa xe bồn bê tông chảy tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng ngày từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng, xe bồn chạy ầm ầm cả ngày gây tiếng ồn lớn, từng đống cát, đá chất cao như núi không được che phủ, bụi bay khắp nơi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 về nghĩa vụ của người sử dụng, trong đó quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Đồng thời điểm d khoản 1 Điều 57 Luật này cũng quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại các thửa đất nông nghiệp nêu trên do ông Nguyễn Mạnh Hà là chủ sử dụng chưa được nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích, cũng như chưa có bất cứ dự án đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông nào được phê duyệt trên khu đất trồng cây hàng năm này, nhưng chủ đất lại ngang nhiên biến đất nông nghiệp thành điểm xây dựng và hoạt động trạm trộn bê tông nhằm trục lợi bất chính.

Căn cứ quy định tại khoản 2 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019, người sử dụng đất tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; Buộc khôi phục lại tình trạng ba đầu của đất trước khi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thiết nghĩ, chính quyền xã Lộc An và huyện Long Thành cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm nêu trên nhằm chấn chỉnh lại tình trạng xây dựng sản xuất, kinh doanh trái phép, đồng thời chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất không đúng quy định, buộc chủ đất phải sử dụng đất theo đúng mục đích đã được nhà nước phê duyệt.

Hải Dương/DNVN

Theo Doanh Nhân VN

Ảnh: Mặc dù là khu đất nông nghiệp do cá nhân đứng tên chủ sử dụng nhưng một trạm trộn bê tông trái phép đã được xây dựng và đi vào hoạt động

Xem bài viết gốc tại đây:

https://doanhnhanvn.vn/tram-tron-be-tong-ngang-nhien-moc-tren-dat-nong-nghiep-28344.html