‘Loay hoay’ giải bài toán ô nhiễm môi trường tại nông thôn

Nông thôn mất dần sự trong lành, bình yên khi người dân bất bình với nạn ô nhiễm mùi hôi và nước bẩn từ chăn nuôi thải trực tiếp ra sông, kênh rạch.

Bức tử sông rạch

Tình trạng ồ ạt đào ao nuôi cá tra, cá lóc ở các huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp đang dần bức tử các dòng sông, con kênh. Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, ô nhiễm do phân thuốc bảo vệ thực vật làm nhiều con kênh chuyển màu đen kịt hoặc xanh đậm.

Tại các vùng nuôi thủy sản, hầu hết người nuôi tận dụng diện tích để nuôi, ít đầu tư ao lắng, dĩ nhiên nước thải trực tiếp xả ra kênh. Trong khi với những vùng chưa có trạm cấp nước sạch, người dân còn chật vật tìm nước sạch sinh hoạt mỗi ngày.

Ai về ngang sông Sa Rài, sông Trung Tâm thuộc huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) sẽ tận mắt thấy con nước màu xanh rêu chảy lờ đờ và nực nồng mùi thức ăn cá.

Ông Phạm Văn Thệ – xã Tân Phước, huyện Tân Hồng – lắc đầu ngao ngán: “Nước này là nước hầm cá chứ không còn nước sông nữa. Mật độ hầm nhiều lắm rồi, từ đây về Tân Hồng nhiều dữ lắm”.

Những kênh nội đồng của huyện Hồng Ngự thường xuyên bị nước ao cá lóc xâm chiếm. Anh Nguyễn Văn Có ở xã Tân Phước cho biết 7 công sắn của gia đình đã mất trắng vì nguồn nước dơ này, tổng thiệt hại hơn 50 triệu đồng.

Điều anh Có mong chờ không phải là ai sẽ bồi thường, mà là việc kiểm soát việc đào ao, xả thải. “Đã báo chính quyền địa phương nhiều lần rồi. Nông dân tụi tui lo lắm, kiểu này sao dám trồng cái gì” – anh Có bức xúc.

Theo tiết lộ của những chủ ao nuôi cá lóc, nước thải bình thường không ô nhiễm bằng nước vệ sinh đáy hầm. Mà trong chu kỳ 4 tháng nuôi, ít nhất phải vệ sinh 3 lần như vậy.

Dọc con kênh Tứ Thường có hàng trăm hầm cá lớn nhỏ. Nước dơ đến mức các hộ nuôi cá lóc cũng không dám sử dụng nước kênh để bơm vào ao nuôi vì cá sẽ nhiễm bệnh.

Dai dẳng năm này qua tháng nọ

Cùng với các ao nuôi thủy sản, những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư ở miền quê cũng gây phiền hà cho hàng xóm. Mùi hôi, tiếng ồn, bụi, nước thải đang ngày càng bức bối hơn khi dân cư càng đông, cơ sở sản xuất cũng ngày càng nhiều.

Đơn cử như cơ sở sản xuất bong bóng cá ở địa bàn tổ 7, ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Theo bà con ngụ gần đó, vài năm qua con rạch gần cơ sở này bị bức tử. Cây trái chậm phát triển nếu tưới nhầm nước thải, con người thì ngộp thở với mùi hôi thối.

Chịu hết nổi, người dân cùng nhau làm đơn thưa ra UBND xã, HĐND huyện. Ông Nguyễn Văn Phước bức xúc: “Lạ kỳ là mỗi lần dân ở đây phản ảnh, cơ sở đột ngột cho công nhân nghỉ là biết ngay ít bữa sẽ có đoàn đến kiểm tra, lấy mẫu nước. Lúc đó nước trong veo, kiểm tra nỗi gì! Bởi vậy, tình trạng xả thải dai dẳng năm này qua tháng nọ”.

Ven kênh Cả Mít (thuộc hai xã Tân Hòa và Vĩnh Thới, huyện Lai Vung), nhiều nhà máy xay xát hoạt động ngày đêm, bụi tro trấu cũng mù mịt đêm ngày.

Người dân đối phó bằng cách đóng cửa, che màn nhưng bụi vẫn bủa vây, có nhà chịu không xiết đã dỡ nhà đi nơi khác. Người già và trẻ nhỏ cũng thường bị bệnh hô hấp và bệnh về da.

Bà Nguyễn Thị Ruộng, người dân ở đây, bức xúc: “Có khi thấy cơ quan chức năng kiểm tra ngay lúc trời mưa, nhà máy ngừng hoạt động. Kiểm tra như vậy làm sao biết có bụi hay không! Việc này báo Tuổi Trẻ từng phản ánh vào tháng 7-2018, bụi giảm hẳn nhưng đến tháng 5-2019 bụi lại đầy trời…”.

Hàng chục trại gà, heo vây khu dân cư, xả thải trực tiếp ra môi trường

Hàng chục hộ dân sống tại đường I và K thuộc thôn 3, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm của các trang trại nuôi gà, heo trên địa bàn.

Ông Đặng Văn Khang (sống tại đường K) cho biết hàng ngày người dân phải hít mùi hôi thối từ những trang trại quanh nhà.

“Người già và trẻ em thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi. Chỉ trong một tuần mà cháu tôi phải mất gần 3 triệu tiền chữa bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa, bức bối, khó chịu vô cùng”, ông Khang nói.

Theo ghi nhận, không chỉ ở đường I và K mà nhiều nơi ở thôn 3, xã Cư Êbur có rất nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà. Các trại chăn nuôi đều nằm trong khu vực dân cư nhưng không có các biện pháp xử lý ô nhiễm mà cho xả thải trực tiếp ra môi trường.

Không chỉ vậy, sát trường mầm non và trường tiểu học cũng có một trại gà tồn tại từ nhiều năm nay, gây mùi hôi thối.

Theo bà H’Luanh Êban, Phó chủ tịch UBND xã Cư Êbur, việc chăn nuôi ở địa phương phát triển từ nhiều năm nay.

“Xã có 47 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 8 hộ chăn nuôi xa khu dân cư. Địa phương đã xử phạt hành chính các trường hợp gây ô nhiễm và yêu cầu các chủ trang trại không tái diễn”, bà H’Luanh nói.

Phân, nước thải từ trại nuôi heo đổ thẳng ra môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: Minh Lộc.

Theo vị Phó chủ tịch, địa phương đã có khu quy hoạch chăn nuôi nhưng chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng nên không thể di dời các trang trại.

“Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân nên việc vận động di dời hay đóng cửa trang trại rất khó. Trong tuần tới, xã sẽ cho cán bộ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm”, bà H’Luanh khẳng định.

Cũng theo bà H’Luanh, xã Cư Êbur đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Trên thực tế tiêu chí về vệ sinh môi trường vẫn chưa đạt.

Các địa phương xử lý mùi hôi bằng cách nào?

Ông Võ Hùng Anh, bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã An Nhơn, cho biết cơ sở sản xuất bong bóng cá đã nhiều lần bị người dân phản ảnh. UBND xã cũng cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra, sau đó báo cáo về UBND huyện. Tuy nhiên, các kết quả kiểm định đều chưa phát hiện vi phạm. “Việc lấy mẫu, kiểm tra không thuộc thẩm quyền của UBND xã. Tuy nhiên, xã sẽ quyết tâm làm triệt để” – ông Hùng Anh hứa.

Riêng tình trạng xả thải của các hộ chăn nuôi thủy sản, Phòng tài nguyên và môi trường huyện Hồng Ngự cho rằng khó xử lý vì hầu hết các ao nuôi diện tích nhỏ lẻ, quản lý, kiểm soát việc xả thải vẫn chủ yếu là vận động, tuyên truyền. UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản: “Trường hợp các hoạt động sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, chủ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải thực hiện biện pháp xử lý, khắc phục triệt để. Nếu không khắc phục được phải ngừng hoạt động sản xuất, chăn nuôi”.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Tháp, sở thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi gây ra, chủ yếu là mùi hôi, nước thải… Dù các địa phương đã tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn, tuy nhiên việc kiểm tra, đánh giá và xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vẫn còn một số bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là chưa có quy định xử lý về mùi hôi. Công tác quản lý môi trường nông thôn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp, chưa có quy định cụ thể, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên – môi trường.

PV (tổng hợp) – Báo KTNT

Theo Kinh tế nông thôn

Ảnh: Mương nước quanh cơ sở sản xuất bong bóng cá tại ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) luôn bốc mùi hôi – Ảnh: N.TÀI

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtenongthon.vn/loay-hoay-giai-bai-toan-o-nhiem-moi-truong-tai-nong-thon-post28665.html