Nhiều người dân sống ở các chung cư cũ, khu dân cư bị quy hoạch ‘treo’ ở trung tâm TP Hồ Chí Minh cho biết sẵn sàng di dời nếu được bố trí tái định cư thích hợp. Thế nhưng, thành phố lại thiếu quỹ đất tái định cư. Vì vậy vùng lõi đô thị vẫn khó chỉnh trang.
Áp lực quỹ đất
Tại buổi giám sát về chương trình nhà ở giai đoạn 2016-2025 của HĐND TPHCM mới đây, đại diện UBND quận 1 cho biết, đến nay quận 1 đã hoàn thành gần như 100% các các đồ án quy hoạch phân khu, phủ kín tổng diện tích 772ha. Do vậy, quận chỉ còn có thể chỉnh trang lại các khu chung cư cũ, khu dân cư thấp tầng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Về cải tạo chung cư cũ, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, quận hiện quản lý gần 90 chung cư cũ nhưng quá trình cải tạo các chung cư trong thời gian qua vướng bởi vấn đề sở hữu chung và kinh tế, trong đó có việc phải hoàn trả quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khiến nhà đầu tư phải cân nhắc.
Không chỉ quận 1, chương trình nhà ở của TPHCM tại các quận trung tâm được ưu tiên tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên triển khai dự án nhà ở chung cư cao tầng dọc các trục giao thông lớn để thay thế cho các khu vực nhà ở cũ, xuống cấp. Trong đó, tại khu vực trung tâm (quận 1 và 3) được ưu tiên dự án cải tạo, xây mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Khu vực các quận nội thành (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) ưu tiên chỉnh trang, nâng cấp theo hướng đô thị hiện đại; hoàn thiện dự án cải tạo, xây mới thay thế các chung cư cũ nhưng hạn chế thực hiện các dự án nhà ở cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo.
Dù vậy, ngay cả được ưu tiên về cơ chế, chính sách để chỉnh trang, cải tạo, các quận trung tâm vẫn rất khó thu hút nhà đầu tư. Bà Nguyễn Thị Kiều Nhi – Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết, do không có quỹ đất nên quận này vẫn chưa thành lập được các trung tâm văn hóa – thể thao tại 13 phường. Hiện chỉ có một trung tâm văn hóa – thể thao tại phường 7. Việc tìm được quỹ đất để mở trung tâm học tập cộng đồng là rất khó.
Cũng như quận Phú Nhuận, quận 4 cũng nhiều năm qua rất khó di dời người dân ở các khu chung cư cũ do thiếu quỹ nhà tạm cư cho người dân. Ông Võ Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết, quận quản lý 32 chung cư cũ, trong đó có 5 chung cư có nguy cơ sụp đổ rất cao. Giai đoạn 2015-2020, UBND thành phố đã có nghị quyết yêu cầu quận phải khẩn trương di dời 5 chung cư này nhưng một trong những lý do khó di dời là do quận thiếu quỹ nhà tạm cư, không thể bố trí chỗ ở mới cho người dân.
Gỡ từng điểm nghẽn
Giám sát về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 tại quận 1 và quận 3, là 2 quận trung tâm, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đã nhìn nhận các vướng mắc về quỹ đất và thực trạng thu hút đầu tư trong cải tạo, chỉnh trang đô thị, trong đó có cải tạo, sửa chữa, xây mới chung cư cũ. Do một số quận không còn quỹ đất xây nhà ở tái định cư phục vụ cho các dự án chỉnh trang đô thị. Dù vậy, ông Dũng cũng đã đề nghị các quận tận dụng các cơ chế, chính sách hiện có để tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ. Đồng thời, lưu ý việc sửa chữa, cải tạo các chung cư cũ cần chú ý chất lượng, kết cấu của công trình chứ không chỉ sửa hình thức bên ngoài nhưng chất lượng bên trong, nhất là tính an toàn của công trình không được bảo đảm.
Trong khi đó, UBND quận 1 và quận 3 đã kiến nghị UBND thành phố tạo thêm hành lang cơ chế ưu đãi về chỉ tiêu cho các dự án phát triển nhà ở, dự án xây dựng chung cư thay thế chung cư cũ trước năm 1975 để phù hợp với đặc thù hiện trạng của từng quận và tạo điều kiện để chính quyền các quận thuận lợi trong kêu gọi đầu tư. Riêng quận 3 đề xuất được tổ chức điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch xây dựng phân khu tỉ lệ 1/2000 để làm cơ sở cho việc định hướng xây dựng phát triển nhà ở và chỉnh trang đô thị trong thời gian tiếp theo.
Đối với các vùng quy hoạch “treo” hoặc chồng lấn quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ phối hợp với từng quận khẩn trương thu hồi, đề xuất phương án đầu tư tại các dự án “treo”, trong đó tập trung vào các dự án đã quy hoạch “treo” kéo dài 20-30 năm vẫn giậm chân tại chỗ.
Nằm trong chủ trương về chỉnh trang đô thị trung tâm, UBND TPHCM đã chỉ đạo thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án khu Mả Lạng sau hơn 20 năm bị quy hoạch “treo”. Trước đó, năm 2000 UBND thành phố có chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng (khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1) với diện tích đất thu hồi hơn 6,8ha, giới hạn bởi 4 khu đất vàng của trung tâm quận 1. Trong 20 năm dự án “treo” đã khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại đây bị ảnh hưởng nặng nề. |
Lê Anh – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Nhiều chung cư cũ tại TPHCM chưa được cải tạo. Ảnh: Phạm Thạch.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/loay-hoay-chinh-trang-vung-loi-do-thi-5717380.html