Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, có 5 dự án đáp ứng được yêu cầu tiến độ, trong khi 7 dự án đang bị chậm so với kế hoạch.
Khơi thông vật liệu, tăng tốc thi công
Theo đó, 7 dự án chậm tiến độ gồm Bãi Vọt – Hàm Nghi chậm 1%; Hàm Nghi – Vũng Áng chậm 2%; Hoài Nhơn – Quy Nhơn chậm 1,2%; Quy Nhơn – Chí Thạnh chậm 1,5%; Chí Thạnh – Vân Phong chậm 6,3%; Cần Thơ – Hậu Giang chậm 12,76%; Hậu Giang – Cà Mau chậm 19,76%.
Theo ghi nhận của PV, những ngày đầu tháng 1, tại gói thầu XL11 đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi với chiều dài 35,28km do liên danh Tổng công ty Vinaconex – Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) sau thời gian dài đình trệ do thời tiết xấu, hiện đơn vị đang đẩy nhanh triển khai các hạng mục. Mới nhất, đơn vị đã phát động chiến dịch 115 ngày thần tốc đưa dự án về đích.
Công nhân Trương Công Dũng (SN 1984, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu ngày làm việc từ 6h30 sáng đến tối mịt mới nghỉ để đáp ứng yêu cầu tiến độ».
Ông Trần Đình Ngân, Giám đốc điều hành của Tổng công ty 319 cho hay, khó khăn lớn nhất thời gian qua chính là nguồn vật liệu nhưng đã được tháo gỡ. Các mũi thi công đang nỗ lực tăng ca, tăng kíp bù lại tiến độ bị chậm.
Tính đến nay, tổng sản lượng thi công dự án Hàm Nghi – Vũng Áng mới đạt gần 16% giá trị hợp đồng. Phương án tăng ca kíp đã được nhà thầu triển khai để lấy lại sản lượng theo kế hoạch.
Ông Hồ Ngọc Loan, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long, chủ đầu tư 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng cho biết, đáng mừng nhất là tỉnh Hà Tĩnh đã khơi thông được vấn đề mỏ vật liệu, đây là điều kiện tiên quyết để các nhà thầu tăng tốc trong thời gian tới.
Tiếp tục gỡ vướng mặt bằng
Tương tự, tại gói thầu xây lắp XL11 dự án Hoài Nhơn – Quy Nhơn, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, hối hả. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn huy động trên công trường 25 mũi thi công với hơn 500 nhân lực, tập trung vào các hạng mục đắp đường công vụ, đắp nền đường tuyến chính.
Tuy nhiên, còn một số vị trí nhà thầu chưa thể tiếp cận được, là những khu vực đông dân cư, đang chờ xây dựng nhà tại khu tái định cư để di dời.
Theo Ban QLDA 85 (chủ đầu tư), đến nay trên công trường cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn đang huy động 84 mũi thi công, 425 đầu thiết bị và 1.125 nhân sự. Lũy kế sản lượng toàn dự án đến nay đạt hơn 1.317 tỷ đồng, đạt 17,14% hợp đồng, còn chậm so với tiến độ dự án.
Nguyên nhân là do mặt bằng sạch có thể thi công mới đạt hơn 67/70km (96,57%). Các vướng mắc chủ yếu do thi công qua khu vực đông dân cư, người dân đang xây nhà tái định cư; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng tiến độ.
Bên cạnh đó, với một số mỏ, các nhà thầu gặp khó trong việc thỏa thuận đền bù, giá thuê đất ở các vị trí mỏ vật liệu, bãi thải.
Để sớm tháo gỡ, Ban QLDA 85 đã kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến với các cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng rừng tuyến chính. UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nhà thầu trong việc thỏa thuận thuê đất và đền bù tài sản trên đất đối với các hộ dân trong phạm vi mỏ vật liệu, đường công vụ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, số hộ còn lại chỉ chiếm gần 0,1% trong tổng số 11.471 hộ bị ảnh hưởng. Những hộ còn lại, sẽ xem xét cụ thể một cách thấu tình, đạt lý, đúng quy định. Trường hợp cố tình chống đối thì sẽ cưỡng chế để bàn giao mặt bằng, hoàn thành trước ngày 15/1.
Đến nay tỉnh đã xây dựng 40 khu tái định cư với 1.723 lô đất, tổng mức đầu tư 746,4 tỷ đồng. Hiện đã thi công xây dựng hoàn thành 30 khu, 10 khu còn lại đạt khoảng 98%. Về mỏ vật liệu, tỉnh đã xác nhận đăng ký khai thác toàn bộ 17 khu vực mỏ đất đắp. Với 7 khu vực mỏ cát, đáp ứng 100% theo như đề nghị của các chủ đầu tư.
Tại dự án cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh, các nhà thầu đang huy động 63 mũi thi công, gần 800 đầu máy móc, thiết bị cùng hơn 1.200 nhân lực. Đến nay đã đạt 17,53% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, theo Phòng điều hành dự án 3 thuộc Ban QLDA 85, đến nay mặt bằng sạch có thể thi công đạt 58,44/61,67km (94,76 %), nhiều đoạn tuyến chưa thể tiếp cận thi công để thông tuyến.
Tại dự án Cần Thơ – Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau), sau thời gian thiếu hụt, nguồn vật liệu cát đắp trên tuyến chính đã được cung cấp trở lại.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, các nhà thầu đã huy động hơn 688 thiết bị các loại và hơn 1.000 kỹ sư, công nhân. Thế nhưng sau hơn 12 tháng thi công, tiến độ của dự án đạt hơn 17%, chậm so với kế hoạch.
Theo ông Tuân, nguyên nhân là do thiếu cát đắp nền. Dự án cần hơn 18 triệu m3 cát, nhưng đến tháng 10/2023, mỏ cát đầu tiên mới chính thức được khai thác. Dù 90% khối lượng cát đã xác định được nguồn song khối lượng khai thác thực tế hàng ngày chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thi công cuốn chiếu, linh hoạt
Theo đánh giá của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, mặt bằng và tiến độ cấp mỏ vật liệu là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.
Báo cáo của các ban QLDA cho thấy, tính đến đầu tháng 1/2023, các địa phương đã bàn giao được hơn 680km mặt bằng, đạt gần 95%. Trong đó, các nhà thầu có thể tổ chức thi công được trên phạm vi hơn 656km.
Đối với công tác tái định cư, ngoài 3 khu có sẵn, đến nay, các địa phương mới hoàn thành 76/147 khu. 71 khu còn lại đang được lập dự án và triển khai thi công.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành 6 công điện và 2 văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng các khu tái định cư.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đối với phần khối lượng còn lại vẫn chậm do chủ yếu là đất ở, cần bố trí tái định cư trong khi các khu tái định cư chưa hoàn thành.
Nguồn cung vật liệu vẫn còn tình trạng chậm trễ bởi các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, để đẩy nhanh thi công dự án cao tốc Bắc – Nam, cục đã tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư không đợi vật liệu, phải cho thi công ngay các hạng mục.
Riêng công tác GPMB, bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với địa phương, ưu tiên bồi thường GPMB ở những khu vực cân đối được khối lượng đào – đắp.
Cục cũng đề nghị các Ban QLDA chỉ đạo các nhà thầu dự án tăng cường thêm các mũi để thi công ngay công trình cầu, hầm chui dân sinh, cống, gia cố mái ta luy… tổ chức thi công cuốn chiếu, các đoạn xong nền đường phải tổ chức thi công ngay các lớp móng, mặt đường.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, với 10 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, tính đến ngày 27/12/2023, các nhà thầu đã trình 14/14 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng 4,54 triệu m3; 50/74 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng 65,31 triệu m3. UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 12/13 mỏ cát, 46/56 mỏ đất (tăng thêm 1 mỏ cát, 6 mỏ đất so với thời điểm tháng 11/2023). Tuy nhiên, các nhà thầu mới khai thác được 8/11 mỏ cát với trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3, đáp ứng 63% nhu cầu và 33/46 mỏ đất với trữ lượng hơn 28 triệu m3, đáp ứng 60% nhu cầu. Với 2 dự án còn lại, tỉnh An Giang đã xác định nguồn cho dự án hơn 6 triệu m3, còn 0,9 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Tỉnh Đồng Tháp đã xác định được nguồn cho dự án 7 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục 2 mỏ với trữ lượng 2,7 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long đã xác định được nguồn cho dự án 2,98 triệu m3, còn hơn 2 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung. |
Nhóm Phóng viên – Báo Giao Thông
Theo Giao Thông
Ảnh: Thi công cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi đoạn qua Hà Tĩnh.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.baogiaothong.vn/loat-giai-phap-day-tien-do-7-du-an-cao-toc-192240109085546015.htm