Loạt dự án ODA giao thông gặp khó vì mặt bằng

Thời gian GPMB kéo dài, kế hoạch tổ chức thi công chưa thể triển khai theo kế hoạch là nguyên nhân khiến nhiều dự án ODA giao thông đã và đang đứng trước nguy cơ lỡ hẹn về đích.

Mặt bằng cản tiến độ nhiều dự án

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc điều hành dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp QL19) không giấu được nỗi buồn khi kế hoạch hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 6/2024 không thể thực hiện.

Ông Nam cho biết, hiện nay, phạm vi thi công dự án vẫn còn vướng mặt bằng cục bộ tại gói thầu XL01 thi công đoạn Km 50+00-Km 67+00 qua địa phận huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

“Theo kế hoạch ban đầu, nếu mặt bằng thuận lợi, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành và đạt sản lượng 96% giá trị các hợp đồng xây lắp. Các hạng mục nền mặt đường, hệ thống thoát nước, cầu đã cơ bản hoàn thành. Thế nhưng, vướng mắc trên khiến sản lượng thi công dự án mới đạt 92%, chậm 4% so với kế hoạch”, ông Nam thông tin.

Mặt bằng chậm bàn giao cũng là nguyên nhân chính khiến dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) phải xin dời thời gian về đích.

Theo ông Lê Quang Thảo, Giám đốc dự án, tính đến nay, có 4/6 cầu thuộc dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hai cầu còn lại Bến Mới (trên địa bàn hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình) và cầu Đa Phúc (tỉnh Thái Nguyên, TP Hà Nội) chưa hoàn thành.

“Khó khăn lớn nhất là công tác GPMB thi công cầu Đa Phúc (phía bờ Hà Nội). Trong phạm vi thực hiện công trình còn 17 hộ dân ở đường dẫn đầu cầu chưa giải phóng được do các hộ dân không đồng ý cơ chế chính sách GPMB theo quy định của Nhà nước, địa phương”, ông Thảo nói.

Sản lượng cả dự án hiện mới chỉ đạt xấp xỉ 92% (trong đó, cầu Bến Mới đạt gần 85%, cầu Đa Phúc đạt gần 74% giá trị hợp đồng xây lắp).

“Đó cũng là lý do dự án phải xin và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện đến 3/2025 thay vì giữa năm 2024”, ông Thảo chia sẻ.

Cùng nằm trong nhóm các dự án ODA lớn của ngành giao thông đang được triển khai, tính đến trung tuần tháng 6, sản lượng thi công dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch mới đạt gần 56% giá trị hợp đồng, chậm 7,9% so với kế hoạch. Địa phương chậm bàn giao mặt bằng phía Đồng Nai được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ.

Muôn kiểu vướng mặt bằng

Sau gần 2 năm kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư cũng chưa thể gỡ được nút thắt về mặt bằng.

Đại diện Ban QLDA 2 cho biết, trên tổng chiều dài gần 200km, hiện, chiều dài mặt bằng địa phương đã bàn giao cho nhà thầu thi công đạt gần 137km (đạt 69%). Trong đó, tuyến nối Lai Châu đã bàn giao hơn 105km (đạt 72%); tuyến nối Nghĩa Lộ đạt gần 32km (đạt 60%).

“Diện tích GPMB dự án chưa đạt được kế hoạch đề ra xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Vướng mắc lớn nhất là phạm vi rừng, đất rừng chưa bàn giao mặt bằng được cho nhà thầu.

Lý do thứ hai là các tỉnh Lào Cai, Lai Châu chậm triển khai xây dựng 3 khu tái định cư (TĐC) nên chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Cuối cùng là do công tác di dời các công trình đường điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai rất chậm. Hiện còn khoảng 270 cột do Tổng công ty Điện lực miền Bắc quản lý chưa bố trí vốn để thực hiện”, đại diện chủ đầu tư chỉ rõ.

Đảm nhận thi công hơn 11km nền đường, 23km mặt đường bê tông nhựa tại gói thầu XL05 của dự án, ông Bùi Quang Tuấn, Phó TGĐ Công ty CP Công trình giao thông Hải Phòng cho biết, theo kế hoạch ban đầu, hiện nhà thầu đã nhận được cơ bản mặt bằng để tổ chức thi công.

Sản lượng thi công hiện đạt 65% giá trị hợp đồng. Con số này có thể được nâng lên 70% hoặc hơn thế nếu mặt bằng được bàn giao sớm hơn”, ông Tuấn nói.

Cưỡng chế các trường hợp chây ì

Đại diện ban điều hành dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc cho biết, ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với hơn 104ha rừng tại các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, thủ tục nộp tiền trồng rừng còn vướng mắc. Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước chưa chuyển cho các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 3 tỉnh để các địa phương có cơ sở ra quyết định thu hồi rừng, đất rừng, đấu giá lâm sản (Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước đang xin ý kiến hướng dẫn thủ tục của Bộ Tài chính).

Tháo gỡ khó khăn này, ban điều hành dự án đã kiến nghị Ban QLDA 2 (chủ đầu tư) phối hợp làm việc với các bên liên quan, sớm hoàn thành thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế trong tháng 6/2024 để địa phương sớm ra phương án thu hồi rừng.

Tại dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Giám đốc dự án Lê Ngọc Nam không khỏi lo lắng khi hiện nay, thời gian kết thúc hiệp định vay vốn dự án chỉ còn hơn 5 tháng.

Khó khăn hơn khi đoạn tuyến qua địa phận huyện Tây Sơn (Bình Định) sẽ bị ảnh hưởng 3 tháng mùa mưa vào các tháng cuối năm. Thời gian thực tế để thi công hoàn thành khối lượng công việc còn lại của gói thầu XL01 chỉ còn hơn 2 tháng.

“Để đảm bảo tiến độ theo thời gian còn lại của hiệp định vay vốn, chậm nhất trong tháng 6/2024 công tác GPMB cần phải được hoàn thành và bàn giao cho đơn vị thi công”, ông Nam nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, để tháo gỡ GPMB cho các dự án giao thông nói chung và các dự án sử dụng vốn ODA nói riêng, các chủ đầu tư, đơn vị thi công cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân. Cùng đó, phải đẩy nhanh thủ tục bồi thường, GPMB.

“Với những trường hợp đã đủ điều kiện pháp lý nhưng hộ dân chây ì, không chịu bàn giao, chính quyền cần xem xét đến phương án cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Giải pháp này ít nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, nhưng cần được thực hiện để đảm bảo tiến độ dự án.

Trách nhiệm để xảy ra tình trạng chậm GPMB cũng cần được xem xét rõ ràng và có hình thức xử lý phù hợp nhằm tăng tính trách nhiệm trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm, có vai trò tạo động lực phát triển KT-XH”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành nâng cấp khoảng 127km QL19 và xây dựng mới khoảng 27-35km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD. Trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ, phạm vi đầu tư gồm 2 tuyến: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội – Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội – Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc là hơn 1.145 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là gần 353 tỷ đồng.

Nam Khánh – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Thi công dự án tăng cường kết nối giao thông miền núi phía Bắc qua tỉnh Lai Châu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/loat-du-an-oda-giao-thong-gap-kho-vi-mat-bang-192240617233036497.htm