Để hạn chế ô nhiễm nước thô và nhiễm mặn, TP.HCM đã lên kế hoạch dời điểm lấy nước thô về phía thượng nguồn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản Quyết định phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050, cùng Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020-2030.
Theo định hướng phát triển hệ thống cấp nước của thành phố giai đoạn 2020-2050 là di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Trong tương lai, các nhà máy nước hiện hữu và nhà máy mới sẽ được cung cấp nước thô trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An.
Các nhà máy nước dự kiến được xây từ 2 hướng đông và tây của thành phố. Nhà máy nước Đông thành phố có công suất 500.000 m3/ngày và đêm, sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai, hồ Trị An. Nhà máy dự kiến hoạt động năm 2040, vị trí đặt tại TP.Thủ Đức.
Nhà máy nước Tây thành phố sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng với công suất 2 triệu m3/ngày và đêm (năm 2050). Vị trí đặt tại huyện Hóc Môn hoặc huyện Bình Chánh.
Về chương trình cấp nước sạch giai đoạn 2020-2030, thành phố sẽ di dời điểm khai thác nước thô hiện tại ở Hòa Phú (Củ Chi) lên phía thượng lưu. Cụ thể, vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15-20 km, cách ngã ba sông Thị Tính – sông Sài Gòn khoảng 10-15 km về thượng lưu.
Việc này nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.
Để giảm khai thác nước ngầm, thành phố sẽ tiến hành trám lấp giếng dưới đất đến năm 2025 và yêu cầu các đơn vị cấp nước ngừng khai thác nước ngầm ở nơi đã có mạng cấp nước. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 vẫn duy trì tổng lượng khai thác nước dưới đất là 100.000 m3/ngày và đêm.
Được biết, hiện nay 94% nguồn nước thô TP.HCM lấy từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai thông qua 2 trạm bơm Hoà Phú (huyện Củ Chi) và Hoá An (Đồng Nai). Từ các trạm bơm này, nước được dẫn về cụm nhà máy nước Tân Hiệp và nhà máy nước Thủ Đức xử lý, cung cấp cho người dân.
Tuy nhiên, do thành phố nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát nguồn nước đang ô nhiễm nặng và nhiễm mặn. Chưa kể giải pháp lấy nước thô gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Theo cơ quan chức năng, dù cơ quan quản lý tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và ô nhiễm dầu mỡ nhẹ. Các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… ngày càng tăng.
Ngoài ra, nguồn nước sông đang chịu tác động lớn bởi đặc tính thời tiết, thủy văn và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô. Hồi năm 2010, 2016, một số nhà máy nước như Bình An, Tân Hiệp phải tạm ngừng lấy nước thô trong một số thời điểm.
Minh Phương – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: TP.HCM sẽ di dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn để hạn chế ô nhiễm. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: