Liên tiếp vi phạm trong quá trình thi công nạo vét hồ chứa nước Đập Xạ (Thạch Hà – Hà Tĩnh), nhà thầu đang khiến chủ đầu tư và các cán bộ chuyên môn lo ngại.
Liên tiếp bị đình chỉ thi công
8 tháng nay, Công ty TNHH MTV vận tải 179 (địa chỉ tại thôn Hòa Hợp, xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) liên danh Công ty Cổ phần Nam Khánh, thực hiện Dự án nạo vét Công trình hồ chứa nước Đập Xạ, đóng tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án nạo vét hồ chứa nước Đập Xạ được khởi công vào tháng 8/2022.
Đây là dự án nạo vét đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước tưới cho hơn 110ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Lưu Vĩnh Sơn. Phía chủ đầu tư là UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cũng kỳ vọng, dự án sẽ góp phần tăng dung tích trữ nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân. Thế nhưng, trái ngược với điều đó, suốt 8 tháng thi công, liên doanh 2 nhà thầu này liên tiếp để xảy ra vi phạm, khiến chủ đầu tư phải đình chỉ thi công đến 3 lần. Thậm chí, có những vi phạm đã được Phòng An ninh kinh tế Công an Hà Tĩnh, Thanh tra tỉnh, UBND huyện Thạch Hà vào cuộc, làm rõ.
Văn bản đình chỉ thi công của chủ đầu tư vào trung tuần tháng 2/2023.
Cụ thể, tại thời điểm bắt đầu thi công vào tháng 8/2022, nhà thầu đã tự ý thi công khi chưa cắm mốc định vị vị trí nạo vét. Phát hiện, chủ đầu tư đã “tuýt còi” đình chỉ nhà thầu. Tiếp đó, nhà thầu lại tự ý thi công ngoài phạm vi thiết kế, nằm trong hành lang an toàn hồ chứa. Ngay sau đó, chủ đầu tư tiếp tục đình chỉ thi công lần 2.
Đáng nói, mặc dù việc san gạt, hoàn trả mặt bằng khắc phục lỗi vi phạm nói trên chưa hoàn tất, nhưng nhà thầu này tiếp tục cho máy đào đất ở vị trí bên phải (từ đường chính vào hồ) giáp đường nội bộ sâu hơn cao trình thiết kế khoảng 70cm.
Không những thi công ngoài hành lang an toàn hồ mà nhà thầu còn thi công sai thiết kế, nguy cơ ảnh hưởng khả năng tích nước của hồ chứa.
“Việc nhà thầu đào sâu hơn cao trình miệng cống sẽ gây nguy cơ đáy hồ thấp hơn cống lấy nước, nước không thể lưu chuyển về cống xả được”, ông Trần Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn lo ngại.
Cũng theo ông Hoành, ngay sau khi phát hiện, ông đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương dừng thi công, tổ chức san gạt, hoàn trả mặt bằng đúng cao trình thiết kế được duyệt. “Nếu nhà thầu không nhanh chóng khắc phục dứt điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục đình chỉ”, lãnh đạo UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cho hay.
Thiết kế một “đường”, nhà thầu thi công một “nẻo”
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, ngoài những vi phạm nói trên, quá trình thi công, Công ty TNHH MTV vận tải 179 liên danh Công ty Cổ phần Nam Khánh còn thực hiện nạo vét sai biện pháp thi công được duyệt.
Nhà thầu ngăn đập để thi công.
Cụ thể, tại hồ sơ thiết kế yêu cầu ngăn 50m một để thi công nhưng nhà thầu ngăn hẳn 1/4 đập, với chiều dài khoảng 700m, cao từ 3 – 6m, rút cạn nước nhằm thuận lợi cho việc thi công và tiết kiệm chi phí.
Phía chủ đầu tư cũng xác nhận nội dung này và cho hay, thiết kế chỉ cho phép ngăn tối đa 50m một để thi công nhưng nhà thầu ngăn hẳn 1/4 đập (khoảng 700 – 800m) để rút cạn nước, giảm chi phí trong quá trình nạo vét. Như vậy là sai thiết kế nhưng vì xét tình hình thực tế nên chủ đầu tư đã “tạo điều kiện” cho nhà thầu.
“Trong thiết kế không được ngăn đập vì nó tác động lớn đến việc tích nước tưới hè thu nhưng nếu làm như trong quy trình cho phép thì không ai làm được cả, vì cả cái đập như thế cứ ngăn 50m thì không thể làm”, đại diện chủ đầu tư lý giải.
Theo các cán bộ chuyên môn, việc nạo vét sai cao trình thiết kế nguy cơ nước trong hồ không chảy được về cống dẫn.
Khi được hỏi vì sao nhận thấy biện pháp thi công không phù hợp, chủ đầu tư, nhà thầu không báo cáo cơ quan chức năng, xin điều chỉnh thiết kế?, ông Trần Bá Hoành lý giải rằng, nếu sửa lại thiết kế thì thời gian triển khai dự án phải kéo dài thêm ít năm nữa.
Ngoài ra, tại hồ sơ thiết kế được các cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt còn ghi rõ: “Với khối lượng đất nạo vét lớn, để đảm bảo thuận tiện trong công tác nạo vét cũng như giảm chi phí, đồng thời không làm ảnh hưởng tới việc điều tiết nước sản xuất nông nghiệp, tiến hành thi công nạo vét vào thời điểm từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8”.
Thế nhưng, trên thực thế ghi nhận và xác thực của chủ đầu tư cho thấy, trong thời gian cao điểm tích nước phục vụ sản xuất, chủ đầu tư đã để nhà thầu ngăn đập thi công nạo vét (từ tháng 8/2022 đến tháng 4/2023). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn công trình trong mùa mưa lũ (tháng 8 đến tháng 12/2022) mà còn ảnh hưởng đến quá trình tích nước phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất vụ hè thu năm 2023.
Phía chủ đầu tư cũng lo ngại, vụ hè thu sắp tới nếu nắng hạn gay gắt việc đảm bảo nước tưới sản xuất sẽ rất căng thẳng. Xã đang tính toán để khuyến khích người dân một số vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô để giảm nhu cầu sử dụng nước.
Một trong những vị trí lòng hồ bị nhà thầu nạo vét sâu gần 1m so với cao trình được phê duyệt thi công.
Đáng bàn, chính đại diện đơn vị tư vấn thiết kế Dự án nạo vét Công trình hồ chứa nước Đập Xạ là Công ty Cổ phần Xây dựng 248 cũng lắc đầu ngán ngẩm thừa nhận, công ty chỉ đứng danh nghĩa thiết kế mà thôi, còn người thiết kế dự án này lại là một người khác (?!).
Để xảy ra vi phạm nghiêm trọng nhưng trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Thiện Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV 179 lại cho hay, các hành vi vi phạm của nhà thầu đã khắc phục, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc làm việc. “Còn phương pháp thi công không được ai can thiệp. Đó là phương pháp mà trong quá trình thi công cần phải có để thực hiện”, vị này nói.
Theo một cán bộ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, các dự án hồ, đập chứa nước luôn mang tính đặc thù riêng, đòi hỏi năng lực thực sự của nhà thầu. Bởi, chỉ cần một sai phạm trong quá trình thi công cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, trữ lượng tích nước của hồ chứa sau khi hoàn thành.
“Việc tính toán thời gian thi công, phạm vi hay cao trình nạo vét đều có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho thân đập và hoạt động tích nước phục vụ sản xuất. Nếu đơn vị thi công không tuân thủ thiết kế được duyệt, nguy cơ dự án sau nạo vét khó lấy nước tưới hoặc thẩm thấu nước ngầm qua thân đập, ảnh hưởng đến chất lượng công trình là khó tránh khỏi”, vị cán bộ chuyên môn này nói.
Liên tiếp để xảy ra vi phạm, nhà thầu này đang khiến chủ đầu tư và người dân địa phương lo ngại.
Là dự án thi công nạo vét hồ chứa phục vụ mục đích tưới tiêu nông nghiệp nhưng chỉ trong thời gian ngắn liên danh TNHH MTV vận tải 179 và Công ty CP Nam Khánh đã để xảy ra vi phạm liên tiếp khiến dư luận hoài nghi về năng lực cũng như trách nhiệm của nhà thầu đối với việc tuân thủ quy định thi công theo hồ sơ thiết kế được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác giám sát thi công. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần sớm làm rõ, có kết luận cuối cùng, xử lý nghiêm trách nhiệm (nếu có) của các đơn vị liên quan để nhằm đảm bảo an toàn cho dự án, đúng mục tiêu kỳ vọng ban đầu.
Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho lập dự án nạo vét đáy hồ Đập Xạ nhằm khơi thông dòng chảy, mở rộng năng lực trữ nước cho hồ, với tổng mức đầu tư dự án hơn 3 tỷ đồng UBND xã Lưu Vĩnh Sơn được giao làm chủ đầu tư dự án, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Nam Khánh, địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh; đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Xây dựng 248, cũng có địa chỉ tại TP. Hà Tĩnh. Tháng 9/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức tận thu khoáng sản. Công ty Cổ phần Nam Khánh phải nộp ngân sách nhà nước số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất san lấp hơn 412 triệu đồng, tương đương trữ lượng đất nạo vét được tận thu 58.445m3. |
Bùi Thị Ngân – Tạp chí NĐT
Theo Người Đưa Tin
Xem bài viết gốc tại đây: