Liên Hợp Quốc kêu gọi ngăn chặn tàn phá sinh thái trên Trái Đất

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia hành động nhằm “bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên cũng như các dịch vụ thiết yếu của thiên nhiên đối với con người”.

Đa dạng sinh học bị suy thoái nghiêm trọng

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change (không bao gồm Nam Cực), do TS Andrew Plumptre làm tác giả chính cho biết, chỉ 3% diện tích đất trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn.

Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, nhiều quần thể động vật hoang dã, từ sư tử đến côn trùng, đang lao dốc về số lượng cá thể, chủ yếu do mất môi trường sống. Một số nhà khoa học cho rằng, đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên Trái Đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc về việc thực hiện Mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi cũng cho thấy, hiện nay các khu vực hoang dã và đất ngập nước tiếp tục biến mất và các hệ sinh thái nước ngọt vẫn bị đe dọa nghiêm trọng. Khoảng 260.000 tấn hạt nhựa đã tích tụ trong các đại dương gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển. Hơn 60% rạn san hô trên thế giới đang bị đe dọa, đặc biệt là do các hoạt động đánh bắt quá mức và phá hoại.

Tại châu Âu, 80% môi trường sống tự nhiên đang trong tình trạng nguy cấp khi số lượng các loài động vật quan trọng tiếp tục suy giảm bất chấp các nỗ lực bảo tồn. Theo ông Virginijus Sinkevicius, Ủy viên EU về Môi trường, Đại dương và nghề cá thông tin, “Điều này cho thấy rất rõ ràng rằng loài người đang đánh mất hệ thống hỗ trợ sự sống quan trọng. Chúng ta cần khẩn trương thực hiện các cam kết trong chiến lược đa dạng hóa các loài sinh vật của EU để đảo ngược sự suy giảm này”.

Bên cạnh đó, các loài thực vật cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau, nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu ha rừng đã bị phá hủy do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức; Biến đổi khí hậu; Ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa… và các loài xâm lấn. Trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm. Biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.

Xây dựng kế hoạch để bảo tồn đa dạng sinh học

Mới đây, Ban Thư ký Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (CBD) đã công bố Khung toàn cầu mới để quản lý thiên nhiên đến năm 2030. Theo đó, xây dựng kế hoạch để đưa ra một thỏa thuận về đa dạng sinh học tương tự như Thỏa thuận Paris năm 2015 (COP 21) trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Từ đó hướng tới các hành động nhằm “bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên cũng như các dịch vụ thiết yếu của thiên nhiên đối với con người”.

Các mục tiêu của CBD nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá sinh thái của Trái Đất vào cuối thập kỷ và bao gồm kế hoạch bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất và biển trên thế giới, giảm 50% chất dinh dưỡng thất thoát ra môi trường và loại bỏ rác thải nhựa.

Theo bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, khung toàn cầu mới nhằm khuyến khích hành động khẩn cấp và mang tính chuyển đổi của Chính phủ và toàn xã hội, bao gồm cả người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Đặc biệt, khung toàn cầu mới đặt mục tiêu đến năm 2030 bảo vệ 90% sự đa dạng di truyền của các loài hoang dã và thuần hóa.

Bên cạnh đó, mở rộng thêm 15% các hệ sinh thái để hỗ trợ các quần thể khỏe mạnh và có khả năng phục hồi của tất cả các loài, cũng như giảm thiểu ít nhất 10 lần sự tuyệt chủng.

Khung toàn cầu mới cũng chỉ rõ, đến năm 2050, những đóng góp của thiên nhiên đối với con người phải được đánh giá cao, duy trì hoặc nâng cao thông qua bảo tồn.

Ngoài ra, một mục tiêu khác của khung toàn cầu mới là chia sẻ công bằng việc sử dụng các nguồn gen để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, đặt ra mục tiêu ngắn hạn là tăng lợi ích tiền tệ cho các nhà cung cấp, cũng như các khoản phụ cấp có tính phí tiền tệ, chẳng hạn như khi họ tăng cường tham gia vào nghiên cứu và phát triển.

Để thực hiện khung mới vào năm 2050, cần đạt mục tiêu dần thu hẹp 700 tỉ USD khoảng cách giữa các nguồn tài chính sẵn có mỗi năm và triển khai xây dựng và phát triển năng lực, hợp tác khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ nhiều hơn vào cuối thập kỷ này.

Đặc biệt, chuyển hướng, tái sử dụng với mục đích khác hoặc xóa bỏ động lực làm tổn hại đến đa dạng sinh học ít nhất 500 tỉ USD mỗi năm là một trong 21 mục tiêu của dự thảo Thỏa thuận mới do Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 ở Anh.

“Năm 2020 thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người”, ông Erik Solheim – Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ.

Với việc khởi động “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là cơ hội để Liên Hợp Quốc huy động những “nỗ lực chưa từng có giúp chữa lành Trái Đất”. Theo đó, mục tiêu nhằm kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đồng thời, ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Rừng Amazon đang bị chặt phá với tốc độ đáng báo động. (Ảnh: Bloomberg)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-ngan-chan-tan-pha-sinh-thai-tren-trai-dat-57283.html