Tình trạng hạn hán và khan hiếm nước có thể gây thiệt hại trên quy mô ngang với đại dịch COVID-19 với nguy cơ gia tăng nhanh chóng do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, theo một báo cáo của Liên hợp quốc.
Bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho biết, hạn hán có nguy cơ trở thành đại nạn tiếp theo và không có vaccine nào có thể chữa khỏi”.
Báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 17/6 cho thấy hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỷ USD và ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ người từ năm 1998 đến năm 2017. Cũng theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện nay Trái Đất nóng lên đã làm gia tăng hạn hán ở Nam Âu, Tây Phi và số lượng nạn nhân sẽ “tăng lên đáng kể” trừ khi thế giới hành động, bà Mizutori nói.
Khoảng 130 quốc gia có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn trong thế kỷ này theo kịch bản khí phát thải cao của Liên hợp quốc, 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước vì gia tăng dân số, và 38 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố trên. Bà Mizutori ví hạn hán giống như một loại virus – có xu hướng kéo dài, có phạm vi địa lý rộng và gây thiệt hại nghiêm trọng. Các quốc gia không bị hạn hán nhưng vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua tình trạng mất an ninh lương thực và tăng giá lương thực”.
Liên hợp quốc dự báo hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở hầu hết khu vực châu Phi, Trung và Nam Mỹ, Trung Á, Nam Australia, Nam Âu, Mexico và Mỹ.
Hơn 40% nông sản nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) có thể “dễ bị tổn thương” bởi hạn hán vào giữa thế kỷ này do biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications trong tuần này.
Ảnh: Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại thị trấn Walgett, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN