‘Lên đời’ cho 5 huyện tại TP.HCM: Phải cân nhắc thận trọng!

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý đến sự hài hòa của một TP khi vừa có đô thị vừa có nông thôn.

TP.HCM gỡ “nút thắt” nào để 5 huyện lên quận? – Bài cuối

Trên các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã đăng loạt bài “TP.HCM gỡ “nút thắt” nào để 5 huyện lên quận?”. thông tin này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều chuyên gia đã có những góp ý sau loạt bài. Chúng tôi xin tổng hợp lại các góp ý này với mong muốn cung cấp thêm những góc nhìn để TP cân nhắc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án.

Lên quận: Lợi thì có lợi…

Theo một vị nguyên lãnh đạo UBND quận Thủ Đức (cũ), thông thường lên quận thì sẽ được đầu tư nhiều hơn, bộ máy nhân sự cũng nhiều hơn và chi phí vận hành, trả lương cho bộ máy cũng nhiều hơn. Vị này phân tích: Để đủ điều kiện lên quận, các huyện sẽ tập trung đầu tư để đạt các tiêu chí về giao thông, môi trường, nước sạch, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính… Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ được thụ hưởng từ những gì Nhà nước đầu tư. Vì vậy chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được nâng lên.

Ông Trần Ngọc Hổ, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 – là một trong những lãnh đạo quận 12 thời kỳ mới thành lập quận vào năm 1997 (ông Hổ giữ chức chủ tịch quận năm 2003-2014 – PV), khẳng định: “Lên quận rõ ràng thấy nguồn lực đầu tư thay đổi rõ rệt. Quy hoạch cũng đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho người dân sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả hơn, điều kiện học hành, khám chữa bệnh của người dân cũng được nâng lên”.

Một góc huyện Nhà Bè từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN PHÚ

Đường Nguyễn Văn Linh đoạn qua huyện Bình Chánh. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chia sẻ thêm về điều này, một lãnh đạo quận Bình Tân thời kỳ đầu mới tách quận từ huyện Bình Chánh cho biết việc thành lập quận Bình Tân thời điểm đó là một bước đi đúng đắn. Vị này cho biết: Chỉ sau năm năm lên quận, nơi đây đã có hàng ngàn tuyến hẻm được mở rộng, chỉnh trang. Mọi mặt đời sống của người dân đều được nâng lên. Cụ thể năm 2018, báo cáo kết quả 15 năm xây dựng và phát triển, tổng giá trị sản xuất 15 năm đạt gần 470.000 tỉ đồng, gấp 34 lần so với thời điểm mới thành lập quận. Trong đó, riêng lĩnh vực dịch vụ, thương mại tổng giá trị sản xuất gần 200.000 tỉ đồng, tăng 77,7 lần.

Thu ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương 2003-2018 tăng bình quân mỗi năm hơn 18%. Đến năm 2008, quận gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỉ đồng của TP và liên tục bảy năm (2008-2014) thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.000 tỉ đồng/năm. Từ 2015-2018 thì đạt trên 2.000 tỉ đồng/năm. Cũng trong thời gian ấy, quận Bình Tân cũng đã chỉnh trang được gần 3.500 tuyến hẻm, 344 tuyến đường, xây 66 trường học, hoàn thành mạng lưới y tế với phòng/trung tâm y tế quận, một bệnh viện quận và bốn bệnh viện tư nhân với tổng số gần 1.700 giường bệnh…

Nhưng cần đánh giá, cân nhắc rất thận trọng

Ở một góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc chuyển đổi từ huyện lên quận nên để “hữu xạ tự nhiên hương”, không nên ép phải lên cho bằng được. “Có nghĩa là huyện nào đủ tiêu chí thì vẫn cứ lên quận hoặc TP. Còn nếu chưa đủ điều kiện thì các huyện vẫn tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu, không nên phải “chín ép” bằng cách bỏ ngân sách đầu tư cho đạt được các chỉ tiêu lên quận” – ông Sơn nhìn nhận.

Ông Sơn phân tích thêm, TP đang cần hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ USD để tập trung đầu tư cho TP Thủ Đức. Đây là nguồn lực tài chính rất lớn, trong khi muốn các huyện đủ tiêu chí lên quận, TP cũng phải bỏ tiền để đầu tư hạ tầng. Do vậy, cùng một lúc thực hiện các đề án này sẽ làm cho ngân sách TP bị phân tán. “Thay vì tiếp tục dàn trải nguồn lực thì TP tập trung đầu tư cho TP Thủ Đức, sau đó lấy chính nguồn lực thu từ TP Thủ Đức để đầu tư lại cho các huyện thì tốt hơn” – ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng khuyến cáo trong quá trình nâng cấp đơn vị hành chính, TP cần chú trọng đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, TP cần ưu tiên phát triển đô thị về phía những vùng đất cao. Vùng đất thấp như Cần Giờ, Nhà Bè không nên khuyến khích tăng dân số mà tập trung phát triển ngành kinh tế không cần đông dân như phát triển công nghệ cao, cơ giới hóa hoặc làm du lịch…

Cần tính toánnhiều mặt
Thực tế các huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa cao, quy mô dân số, điều kiện quy hoạch, nguồn lực đầu tư như hiện nay là chưa đảm bảo được nhu cầu phát triển. Việc chuyển đổi lên quận hoặc TP là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, đề án phải tính toán cụ thể về mặt quy hoạch, hướng phát triển, nguồn lực đầu tư, cơ chế quản lý…
Ông TRẦN NGỌC HỔ,
nguyên Chủ tịch UBND quận 12

Đề án càng rõ ràng thì lên quận hoặc TP mới thuyết phục
Về nguyên tắc thì những mặt lợi ích khi lên quận có thể tạm thấy qua việc đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tiên của đề án là TP phải xác định được mục tiêu của đề án là gì? Mục tiêu này cần phải được lượng hóa thông qua nghiên cứu, đánh giá hiện trạng phát triển của các huyện. Đồng thời dự đoán được trong năm năm, 10 năm tới sẽ như thế nào và đưa ra kế hoạch để tổ chức thực hiện.
Việc lượng hóa không thể chính xác tuyệt đối mà vẫn được phép có sai số. Chính vì vậy, cần có thêm các kịch bản để xử lý trong trường hợp có sai số tốt hơn hoặc xấu hơn. Có như thế thì mới thuyết phục được, còn nếu chỉ đưa ra mục tiêu bằng lời nói thì chỉ là viết văn.
Hiện nay do chưa có một bản nghiên cứu, rà soát, đánh giá toàn diện về hiện trạng chi tiết tình hình phát triển và đặc thù của từng huyện nên thời điểm này không có cơ sở để trả lời việc chuyển từ huyện lên quận là nên hay không nên, lên quận có gì khác với huyện? Là quận tốt hơn hay là để huyện tốt hơn? Việc lên quận, ai sẽ được hưởng lợi và hưởng lợi gì? Nguồn lực ở đâu? Cách thức thực hiện như thế nào? Những vấn đề này chỉ có thể trả lời thông qua đề án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong trường hợp đề án ra đời mà vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thì cũng có nghĩa là TP vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh.
Nguyên một lãnh đạoquận Thủ Đức (cũ)

Riêng huyện Cần Giờ, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP cần phải rất thận trọng bởi Cần Giờ là khu vực có nguy cơ cao về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hơn nữa, giữa Cần Giờ và khu nội thành có rừng sinh quyển là lá phổi xanh của TP. “Đó là vùng đệm sinh quyển cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu tăng dân số lên, nó nằm giữa hai vùng phát triển đông dân thì chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” – ông Sơn nhận xét.

Theo ông Sơn, quan niệm một TP lớn như TP.HCM chỉ có quận mà không có huyện là không đúng. Một TP chỉ có quận thôi mà không có huyện chưa chắc đã tốt, bởi huyện còn nhiều không gian xanh, mật độ xây dựng thấp, cũng giống như thêm một lá phổi xanh cho TP. Ngay cả các đô thị lớn trên thế giới như London (Anh) vẫn có những vùng thôn quê thuộc London chứ không bị đô thị hóa hết.

“Trong một TP vừa có đô thị vừa có nông thôn sẽ tạo ra sự phát triển cân bằng. Một đô thị được xem là hoàn chỉnh thì vừa phải có khu mật độ cao, khu mật độ thấp, có vùng nông thôn, vùng đô thị, có chỗ đô thị hóa thì cũng phải có chỗ nhiều không gian xanh, không gian mặt nước thì mới cân bằng” – ông Sơn phân tích.

Theo ông Sơn, chính một TP vừa có quận vừa có huyện lại là một thế mạnh của TP.HCM. Vì vậy, nếu không lên quận thì cứ để là huyện và tập trung phát triển thế mạnh của huyện đó. Với nhiều không gian xanh, không gian mặt nước và quỹ đất trống nhiều hơn thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp thực phẩm sạch cho chính người dân TP hơn 10 triệu dân cũng là cách làm phù hợp.•

Nên duy trì vành đai xanh thay vì bê tông hóa hết
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, không nên cắt riêng một huyện mà cần phải đặt nó trong tổng thể của cả TP, về không gian đô thị, về môi trường sinh thái của TP để xem xét là huyện đó lên quận thì có lợi hay không.
Nhìn mặt tích cực, khi lên quận thì được đầu tư nhiều hơn, hạ tầng tốt hơn, GDP tăng lên, dân số cũng tăng lên. Tuy nhiên, sự phát triển đó so với những mặt tiêu cực thì có lớn hơn không? Xét riêng từng huyện lên quận có thể thấy có lợi nhưng nếu cộng năm quận lại thì hệ quả là gì? Chắc chắn sẽ là một đô thị phình dân số, ô nhiễm nhiều hơn, bê tông hóa nhiều hơn, ngập nước nhiều hơn. Trong điều kiện bình thường thì không nói, khi xảy ra các biến cố như thiên tai thì khả năng ứng phó của một đô thị quá lớn dân sẽ khó rất nhiều.
Hiện nay, TP.HCM đã được xếp vào loại ô nhiễm cao. Nếu như các huyện ngoại thành cũng bê tông hết thì chắc chắn ô nhiễm không khí của TP sẽ càng tăng lên. Trong khi nếu không có các vành đai ngoại thành sông ngòi, đồng ruộng để ngấm nước bớt cho nội đô thì tình hình sẽ trầm trọng hơn. Bài học của quá trình đô thị hóa trước đây đã cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập của TP hiện nay là do san lấp gần 50 con kênh tại khu vực nam Sài Gòn. Dân số càng tăng thì khoảng trống đô thị càng hẹp lại, ô nhiễm không khí và ô nhiễm mặt đất cao hơn.
Hà Nội đã nhìn ra vấn đề và đang có chủ trương cấm xây dựng quá bốn tầng tại lõi phố cổ và sẽ giải tỏa bớt một số khu vực để tạo khoảng trống cho đô thị. Ở nhiều nước trên thế giới cũng đang có xu hướng xây dựng TP ở trong rừng và phát triển rừng trong TP (như Singapore). Cây cối và nông nghiệp xen kẽ sẽ làm đời sống con người đỡ bị áp lực và đỡ bị ô nhiễm không khí.
Từ đó để nói rằng giữa kinh tế và môi trường, các nhà hoạch định cần phải đặt ra từng bài toán một và khi giải quyết các bài toán ấy mới thấy hết cái lợi và cái hại như thế nào rồi mới lựa chọn được phương án lên quận hay vẫn để huyện.
Một câu hỏi đặt ra nữa là liệu một TP đông dân như hiện nay thì có cần duy trì vành đai xanh, tạo khoảng hở cho đô thị hay để tình trạng bê tông hóa lan rộng ra? Theo tôi là nên giữ vành đai xanh vừa là lá phổi xanh cho TP vừa là nơi cung cấp lương thực thực phẩm, nhất là rau, trái cây sạch cho TP này. Một huyện được đầu tư bài bản và phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao sẽ tốt hơn nhiều so với lên quận để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp.
Cũng cần nói thêm về nhu cầu của cư dân đô thị. Đó là ước mơ về một khu ngoại thành với những trang trại, thị trấn nhỏ yên bình bên cạnh nhà cao tầng. Một TP vừa có cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ sẽ tạo nên bộ mặt đô thị TP.HCM đa dạng hơn. Cuộc sống ấy theo tôi có lẽ thu hút người dân TP nhiều hơn. Hiện nay, đang có trào lưu nhiều người dân TP tìm mua đất làm trang trại, nhà sinh thái ở ngoại thành hoặc những khu vực nông thôn là một minh chứng cho điều này. Khi lên quận, tôi chưa dám chắc người dân được đô thị hóa một cách không bài bản đã sống sung sướng hơn là có vườn tược, sông hồ, trang trại… VIỆT HOA ghi

Việt Hoa – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/do-thi/len-doi-cho-5-huyen-tai-tphcm-phai-can-nhac-than-trong-980466.html