Lát vỉa hè bằng đá tự nhiên: Lộ dần những bất cập

Những năm gần đây, nhằm tạo cảnh quan đô thị, trên nhiều tuyến đường, những vật liệu lát vỉa hè nhân tạo đã được thay thế bằng đá tự nhiên. Nhờ đó, bộ mặt đô thị đã trở lên khang trang hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã bộc lộ không ít vấn đề…

Phát sinh nhiều hệ lụy

Thực tế cho thấy, chủ trương lát vỉa hè bằng đá tự nhiên của UBND TP Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, đá tự nhiên đang là phương án lựa chọn hàng đầu của các nhà kiến trúc. So với các vật liệu khác, đá tự nhiên có độ bền cao, cứng, khả năng chịu những tác động lớn từ con người… Tuy nhiên, cùng với thời gian, đặc biệt là vấn đề thiết kế, tổ chức thi công… việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã và đang phát sinh nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Mới đây, phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị, nhiều người dân trên tuyến Thái Hà – Huỳnh Thúc Kháng cho biết, bó vỉa quá cao, ít điểm lên xuống khiến việc di chuyển xe lên xuống vào cửa hàng, vào nhà của người dân gặp khó khăn. “Do bó vỉa được làm bằng đá tự nhiên, chiều cao so với mặt đường trung bình hơn chục centimet nên rất trơn trượt, nếu không để ý tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào” – một số người dân chia sẻ.

Không chỉ gây ra những bất cập trong quá trình sử dụng, cách thi công tại các dự án này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống thoát nước chung của TP. Cụ thể, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, khi lát vỉa hè bằng các loại gạch block, gạch terrazzo… người ta sẽ tiến hành tạo mặt bằng, rải cát lên bề mặt rồi chèn gạch vào, biện pháp này tuy không bền nhưng đảm bảo được khả năng thẩm thấu nước bề mặt. Song, đối với việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, thay lớp cát là một lớp xi măng cát, bê tông… khiến việc thẩm thấu, thoát nước vào mùa mưa rất nhiều hạn chế.

Cần xử lý hành vi xâm phạm vỉa hè

Liên quan đến quá trình lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên tuyến Thái Hà – Huỳnh Thúc Kháng, ông Vũ Hồng Sơn – Cán bộ Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa cho biết, để đảm bảo độ bền của công trình, đơn vị thi công đã nghiên cứu, tính toán hạn chế mở các điểm mở, lối lên xuống nhằm ngăn chặn tình trạng xe máy, xe ô tô di chuyển tràn lan lên vỉa hè. Cụ thể, tại khoảng cách giữa các ngõ trên tuyến đường, lực lượng chức năng sẽ bố trí một điểm lên, một điểm xuống, đồng thời bố trí một điểm dẫn vào các ngõ.

Theo các chuyên gia giao thông, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo chất lượng vỉa hè. Tuy nhiên, cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm, sử dụng vỉa hè sai mục đích. Bởi lẽ, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP, sau khi hoàn thành quá trình “thay áo mới”, các hành vi chiếm dụng, xâm phạm vỉa hè vẫn không có chiều hướng giảm. Đơn cử, tại đường Phạm Văn Đồng hay đường Minh Khai… vỉa hè vừa lát xong đã bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ phương tiện, quây tôn, tập kết vật liệu xây dựng khiến người đi bộ không còn chỗ để đi. “Nếu những hành vi vi phạm trên không sớm được giải quyết, bao tiền của, công sức bỏ ra lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên địa bàn TP sẽ nhanh chóng xuống cấp, không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng” – một chuyên gia nhận định.

Theo Quyết định 1303/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 21/3/2019, Hà Nội sẽ triển khai lát đá vỉa hè tại hơn 100 tuyến đường, khu vực trên địa bàn TP. Trong đó, quận Ba Đình gồm 19 tuyến đường và khu vực; quận Đống Đa 24 tuyến đường; quận Hai Bà Trưng 12 tuyến đường và các tuyến phố cũ; quận Tây Hồ 8 tuyến phố; quận Hoàn Kiếm 27 tuyến đường; quận Hoàng Mai 5 tuyến đường; quận Hà Đông 11 tuyến đường.

Vân Nhi – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ xe ô tô.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://kinhtedothi.vn/lat-via-he-bang-da-tu-nhien-lo-dan-nhung-bat-cap-401407.html