Thời gian qua, người dân xã Xuân Hòa và xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch vô cùng bức xúc trước nạn xe tải trọng lớn suốt ngày gầm rú chạy qua khu dân cư, đường liên xã nhỏ hẹp. Đoàn xe này đang vận chuyển 1 số lượng lớn đất cao lanh từ Dự án “chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng công nghiệp” tại 2 xã Liễn Sơn và Xuân Hòa do hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hải làm chủ, nhưng mục đích chính là để khai thác cao lanh quý hiếm.
Hệ quả, đoàn xe này đã “cày nát” tuyến đường làng, khiến con đường này nhanh chóng xuống cấp. Ngày mưa thì trơn trượt, ngày nắng thì bụi mù mịt, gây khó khăn trong đi lại của người dân.
Ai đang “bảo kê” và cấp phép cho những đoàn xe này phá đường làng, lợi dụng danh nghĩa “làm trang trại” hòng đục khoét, lách luật để khai thác khoáng sản? Có hay không sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu, khi “máu khoáng sản” vẫn chảy?
Thực tế tại khu đồi Cao Lanh đang bị khai thác dưới danh nghĩa đất san lấp |
Trao đổi với phóng viên, rất nhiều người dân xã Xuân Hòa (xin được giấu tên) đều cho biết: Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này, nên những quả đồi ở đây toàn là đất cao lanh có giá trị kinh tế cao. Trước đây, khu vực này cũng thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác đất cao lanh trái phép. Nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ và lén lút. Nhưng bây giờ, với các “lá bùa dự án”, các công ty về đây, khai thác rầm rộ gấp cả trăm lần.
Ông N.V.T, một người dân địa phương cho biết: Đất cao lanh ở đây đẹp, chất lượng tốt, lại dễ khai thác nên thường xuyên bị khai thác trái phép để chở đến các nhà máy gạch men bán.
Đó khai thác vô tội vạ, không được hoàn thổ, nên nhiều nơi biến thành những hồ lớn sâu lớn, nham nhở. Và hàng ngày, xe tải lớn loại 4 – 6 chân, cứ vô tư chạy vào chở đi. Hậu quả, đường liên thôn, liên xã bị tàn phá.
Cũng theo ông T, tuyệt nhiên, chưa bao giờ người dân địa phương thấy lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đến ngăn chặn những đoàn xe này. Còn lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế cũng không rõ các anh ấy có biết chiêu trò lách luật này không, chứ cứ để họ lợi dụng dự án rồi xúc khoáng sản thế này, thì ngân sách nhà nước còn thất thu.
Xe chở đất quần nát đường làng |
“Mục sở thị” nhiều ngày tại đây, phóng viên Báo TN&MT nhận thấy: Những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở. Xe tải trọng lớn chạy một cách vô phép, bừa bãi trong khu dân cư. Trẻ em, người dân đi lại luôn trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ bởi đoàn xe tải hung thần này. Đất trên thùng xe thường xuyên rơi vãi, bám theo lốp xe quăng quật ra đường, mà không có ai quét dọn, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Để rộng đường dư luận, nhóm phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với phía Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Đại Vương, là đơn vị đang thực hiện việc khai thác đất. Một người phụ nữ, xưng tên là Loan, quản lý ở đây, thừa nhận: Đúng là có việc khai thác đất sâu hơn so với giấy phép. Lý giải về việc này, bà Loan cho rằng Công ty đào sâu hơn so với giấy phép khoảng hơn một mét tính từ mốc mặt bằng được giao bằng với mặt bằng của vườn thanh long trước mặt. Nhưng cứ “yên tâm”, khi nào khai thác đất xong đến đâu công ty sẽ lấp lại đến đó….
Nhiều hố sâu được hình thành |
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Ngày 13/8/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản số 2079/GP- UBND về việc cấp giấy phép Khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu xây dựng thông thường ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình). Cho phép Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Đại Vương khai thác, vận chuyển khoáng sản đất sản lấp làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên trong diện tích Dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng công nghiệp tại xã Liễn Sơn, xã Xuân Hòa, huyện lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc do hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hải làm chủ đầu tư, với nội dung sau: Diện tích khai thác; 6.809,5 m2 (0,68 ha) gồm 3 ao xử lý nước thải nằm trong khuân viên dự án. Mức sâu khai thác: cao độ khống chế đáy ao A1; +35,0m, cao độ khống chế đáy ao A2; + 34,5m, cao độ khống chế đáy ao A3; + 33,5m. Trữ lượng khai thác: 8.003,77m3, công xuất khai thác 16.007,5m3/ năm, thời gian thực hiện 6 tháng.
Đất vẫn bị khai thác vô tội vạ |
Mục đích sử dụng khoáng sản: San nền trung tâm thương mại của HTX vận tải và Xây dựng Tiến Dũng tại xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; Cung cấp các dự án san lấp, san nền cho các công trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh….
Như vậy, theo giấy phép này, dự án được khai thác khoáng sản là đất san lấp (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) để phục vụ thi công san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh. Nhưng thực tế tại hiện trường thì đây là một mỏ đất cao lanh có giá trị kinh tế cao. Không lẽ, những đơn vị thi công này lại chỉ mang đi san lấp?. Theo chân những chiếc xe tải này, phóng viên thấy điểm đến là những nhà máy gạch. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc lợi dụng danh nghĩa “san lấp” để khai thác khoáng sản đem bán?.
Ai bao che, tiếp tay cho doanh nghiệp chở đất đi các nơi tiêu thụ? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho doanh nghiệp “tự tung, tự tác” suốt một thời gian dài?.
Hà Thúy – Nhật Quang – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Xem bài viết gốc tại đây: