Với dân số hơn 8 triệu người, Hà Nội phải đối mặt với sự quá tải hạ tầng đô thị, công trình giao thông và áp lực môi trường trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, Hà Nội đang tập hợp các giải pháp và nguồn lực để đề xuất giải quyết vấn đề này ngay trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bài toán khó
Với vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị của Việt Nam, Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về cơ sở hạ tầng đô thị do gia tăng dân số. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện là hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của thành phố là 2.398 người/km2, gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi (Trường Đại học Mỏ – Địa chất) đánh giá, điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền thành phố trong mục tiêu phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường. Trong Luật Thủ đô ban hành năm 2012, một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra còn nhiều tồn tại, hạn chế về lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó có 10-15% không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh mương hay các khu đất trống trên khắp thành phố.
Bên cạnh đó, tổng lượng nước thải hằng ngày của Hà Nội vào khoảng 320.000m3, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, hầu hết những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông “chết” như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân khu vực.
Mặc dù cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội thực hiện phương án xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn, thí điểm mô hình làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Nhật Bản. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn thành phố.
Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường đất cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng… Tuy nhiên, chất lượng không khí của Hà Nội chưa có dấu hiệu được cải thiện rõ nét.
Đề xuất giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, luật sư Nguyễn Hưng Quang – Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam thông tin, vấn đề bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm không khí được lồng ghép trong nhiều quy định và trong nhiều chính sách lớn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đơn cử, trong dự thảo luật, Ban soạn thảo mở ra nhiều cơ hội để Hà Nội phát triển nhiều tuyến đường sắt đô thị.
“Rõ ràng, với phương án này, khi luật được thông qua, đi vào đời sống, việc sử dụng phương tiện cá nhân trong đô thị sẽ giảm đi, tạo điều kiện để phát triển các khu đô thị vệ tinh có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; chuyển dần một số cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường đại học, nhà máy có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi trung tâm. Nhờ đó, ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường ở đô thị trung tâm nói chung sẽ được giảm thiểu”, luật sư Nguyễn Hưng Quang nhận định.
Đồng thời, dự thảo Luật Thủ đô cũng củng cố các biện pháp để thi hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, như nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, xác định Hà Nội là vùng phát thải thấp với các biện pháp, quy chuẩn bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nghị định hướng dẫn thi hành. Vấn đề bảo vệ môi trường của Thủ đô còn được đặt ra tại các quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn với các biện pháp hỗ trợ, đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, nông dân đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Liên quan đến chủ trương trên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi cũng cho rằng, cần phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định vùng phát thải thấp phù hợp với điều kiện của Thủ đô. Yêu cầu cụ thể đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một số loại hình sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, công trình xây dựng có khả năng gây ô nhiễm bị hạn chế hoạt động, hoặc phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường cao hơn so với quy định chung…
Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra ô nhiễm môi trường tại Hà Nội cũng có một phần nguyên nhân từ các địa phương lân cận, như ô nhiễm không khí vùng, ô nhiễm các dòng sông chảy qua Hà Nội (như Nhuệ, Đáy…). Do đó, cơ chế, chính sách “liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế – xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm” sẽ bảo đảm sự phối hợp giải quyết vấn đề môi trường có tính bền vững lâu dài và đồng bộ giữa các chính sách, biện pháp của Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Đích đến là loại bỏ “khoảng trống” về bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
Hà Phong – Báo HNM
Theo Hà Nội Mới
Ảnh: Công nhân môi trường đô thị nạo vét sông Tô Lịch. Ảnh: Đỗ Tâm
Xem bài viết gốc tại đây:
https://hanoimoi.vn/lap-khoang-trong-chinh-sach-bao-ve-moi-truong-thu-do-640946.html