‘Làng Hàn Quốc’ ở Hà Tĩnh: Người dân phải tự ‘khuân’ rác lên xe…!

Ở xã Cương Gián (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), các hộ gia đình phải thu gom và trực tiếp chuyển rác thải lên xe vận chuyển rác. Công việc này vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường vừa gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gần 3.000 hộ dân trên địa bàn.

Hằng ngày, thay vì chỉ việc tập trung rác thải sinh hoạt tại 1 địa điểm để công nhân môi trường đến thu gom về điểm tập kết thì người dân xã Cương Gián lại phải tự mình chất rác lên xe chở rác của HTX dịch vụ môi trường Tân Phát. Nếu không làm, đồng nghĩa với việc rác được các hộ thu gom sẽ ở nguyên chỗ cũ.

Điều đáng nói là, xe chở rác không theo khung thời gian, lịch trình cố định nào. Vì vậy, gần 3.000 hộ dân Cương Gián ngày ngày đều phải “cắt cử” người trực để kịp chất rác lên xe chở rác.

Thậm chí, “Ngoài công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ trường còn kiêm nhiệm vụ xử lý thùng rác trong ngày. Nếu không kịp vứt rác khi xe đến, ngày hôm sau đống rác sẽ to hơn và việc chuyển rác lên xe sẽ khó khăn hơn” – bảo vệ trường Tiểu học Cương Gián 1 cho biết.

Cụ Phan Phương (90 tuổi, trú tại thôn Bắc Sơn) không ít lần phải mang túi rác trở vào nhà vì chậm chân, không theo kịp xe rác.

Không chỉ vậy, chiếc xe chở rác của HTX dịch vụ môi trường Tân Phát cũng chỉ dừng lại ở các điểm trong vòng mấy phút rồi nhanh chóng rời đi. Vì thế, nhiều người nếu không nhanh chân đành ngậm ngùi mang rác trở về.

Việc vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt tại 5 xã: Xuân Liên, Xuân Lĩnh, Xuân Lam, Xuân Hồng và Cương Gián được giao cho HTX dịch vụ môi trường Tân Phát (đứng chân tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián). Tuy nhiên, 4 địa phương trên đều có các tổ thu gom rác đến các điểm tập kết và chuyển rác lên xe của HTX Tân Phát để tập trung xử lý nên xe chở rác chuyên dụng chỉ đến bốc 1 – 2 chuyến/tuần.

Trong khi đó, mặc dù lượng rác thải thải ở Cương Gián là rất lớn (200 tấn mỗi tháng, chiếm hơn 1/2 lượng rác 4 địa phương kia cộng lại) nhưng trên địa bàn lại không có điểm tập kết và không có tổ thu gom. Vì vậy, việc thu gom và chuyển rác lên xe là nhiệm vụ của… mỗi gia đình.

Chiếc xe vận chuyển rác tại xã Cương Gián của HTX dịch vụ môi trường Tân Phát đã quá cũ, không đảm bảo yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật.

Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Nguyễn Duy Linh cho rằng: Cái khó của Cương Gián một phần là do đất chật, người đông nên không thể bố trí các điểm tập kết rác hoặc xử lý rác hữu cơ bằng giải pháp lấp cùng chế phẩm men vi sinh. Bên cạnh đó, xã cũng chưa có tổ thu gom rác và số tiền thu được trong nhân dân cũng rất hạn chế, cộng các nguồn thu từ các hộ, xã và huyện hỗ trợ mỗi tháng cũng chỉ đạt 80 triệu đồng.

Giám đốc HTX dịch vụ môi trường Tân Phát Phạm Thị Lý cho biết: “Trên thực tế, mỗi tháng xã Cương Gián phải chi số tiền 150 triệu đồng để xử lý rác thải nhưng hiện tại, địa phương chỉ mới thanh toán được 80 triệu đồng/tháng. Những khó khăn của xã Cương Gián cũng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác của HTX”.

Đốt rác bằng thủ công tại HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát.

Được biết, hiện tại, chiếc xe vận chuyển rác tại xã Cương Gián của HTX dịch vụ môi trường Tân Phát đã quá cũ, không đảm bảo yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật. Bên cạnh đó, vì thiếu kinh phí nên đơn vị cũng chưa thể bố trí đủ công nhân thu gom rác lên xe.

Đó là chưa nói, lò đốt rác của HTX chỉ xử lý trên 300 tấn rác/tháng, trong khi lượng rác “sản xuất” ra ở các địa phương mỗi tháng lên đến trên 400 tấn nên gần 100 tấn/tháng được xử lý bằng đốt thủ công đe dọa ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân.

Hoài Nam – Báo Hà Tĩnh

Theo Hà Tĩnh

Ảnh: Người dân Cương Gián phải tự chuyển rác lên xe chở rác về nơi xử lý tập trung.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baohatinh.vn/ban-doc-viet/lang-han-quoc-o-ha-tinh-nguoi-dan-phai-tu-khuan-rac-len-xe/172567.htm