Lan tỏa các mô hình bảo vệ môi trường của phụ nữ Bắc Ninh

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay trong bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó nổi bật là mô hình ‘Sinh kế thu gom, phân loại và ủ rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh để bón cho cây trồng’ (mô hình sinh kế) tại huyện Lương Tài và mô hình ‘Đường cây dược liệu’ tại huyện Gia Bình.

Những mô hình này đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường.

Từ hiệu quả kép của mô hình sinh kế

Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tháng 2/2020, Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Trì đã triển khai “mô hình sinh kế”. chị Phạm Thị Vẻ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, cho biết: Cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (Không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng), năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thứa đã chọn Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Trì làm điểm để triển khai “mô hình sinh kế”, nhằm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch.

Theo chị Vẻ, trước khi triển khai mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thứa đã cử Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phương Trì đi học tập kinh nghiệm xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh ở thành phố Hà Nội; đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn, đến từng nhà hội viên để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác thải ngay tại nguồn. Đến nay, mô hình này thu hút được 15 chị em phụ nữ trong chi hội tham gia.

Cụ thể, mỗi thành viên tham gia Tổ “sinh kế” sẽ phụ trách 5 hộ gia đình để tư vấn, tuyên truyền cho các hộ dân về phân loại rác thải và xử lý rác thải tại nguồn. Vào 16 giờ 30 phút hàng ngày, các thành viên trong Tổ sẽ đi thu gom rác thải tại hộ gia đình, những rác thải hữu cơ sẽ được ủ thành phân vi sinh để tưới rau, rác thải nhựa sẽ được phân loại để bán phế liệu, gây quỹ sinh hoạt hội và làm từ thiện.

Nhận thấy nhiều diện tích đất trong thôn bị bỏ hoang, trong khi nhu cầu sử dụng các loại rau xanh của người dân là rất lớn, Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Trì đã đề xuất với cấp ủy Chi bộ xây dựng mô hình trồng rau sạch ngay tại thôn. Chị Nguyễn Thị Huyền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Trì chia sẻ, chế phẩm vi sinh không chỉ thân thiện với môi trường mà còn giúp cây trồng tăng trưởng và phát triển tốt. Ban đầu, diện tích trồng rau chỉ đáp ứng được nhu cầu của chị em phụ nữ tham gia mô hình. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng rau mang lại, đến nay Chi hội đã nhân rộng mô hình lên trên 1.000 m2, qua đó đáp ứng nhu cầu sử dụng rau xanh của người dân trong thôn, giúp Chi hội có thêm nguồn thu để sinh hoạt.

Từ khi triển khai “mô hình sinh kế”, đến nay hầu hết các hộ gia đình trong thôn Phượng Trì đã tự giác thực hiện thu gom, phân loại rác thải ngay tại nguồn. “Nếu như trước đây, mỗi ngày thôn Phượng Trì phải thu gom hai xe rác để lẫn lộn, không được phân loại, đến nay, lượng rác thải thu gom đã giảm đáng kể. Từ khi triển khai mô hình sinh kế, người dân không còn vứt, đổ rác bừa bãi ở rìa đường, các bờ kênh mương, tạo cảnh quan môi trường trong lành. Ý nghĩa hơn khi vườn rau sạch trong thôn của chị em phụ nữ đã được đông đảo người dân trong thôn ủng hộ và nhân rộng tại các hộ gia đình”, chị Huyền nói.

Nói về hiệu quả mô hình sinh kế của Chi hội Phụ nữ trong thôn, ông Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Chi bộ thôn Phượng Trì, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, cho biết, nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền, sự vào cuộc của Hội Phụ nữ thị trấn, các tuyến đường trong thôn đã trở nên xanh, sạch, đẹp, không phát sinh rác thải bừa bãi. Cùng với đó, mô hình sinh kế này còn giúp người dân trong thôn được sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn.

… đến ý tưởng “Đường cây dược liệu”

Nếu như các địa phương khác chọn đường hoa làm điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường thì phụ nữ thị trấn Gia Bình lại có ý tưởng trồng “Đường cây dược liệu”, tại tuyến đường nội đồng thôn Phú Ninh. Mô hình này không chỉ làm đẹp cảnh quan môi trường mà còn giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Gia Bình cho biết, nhận thấy hai bên tuyến đường nội đồng thôn Phú Ninh cỏ mọc um tùm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, Chi hội Phụ nữ thôn đã đề xuất với cấp ủy Chi bộ và Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Gia Bình triển khai mô hình trồng “Đường cây dược liệu” với chiều dài hơn 1 km. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả được đông đảo người dân trong thôn ủng hộ.

Theo chị Luyến, mô hình “Đường hoa dược liệu” của Chi hội Phụ nữ thôn Phú Ninh ra đời với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp “sạch”, thân thiện với môi trường, nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, trong thời gian triển khai mô hình, các chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn Phú Ninh đã được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn làm phân vi sinh từ những rác thải hữu cơ để tưới cho những cây dược liệu (bạc hà, hương nhu).

Phụ nữ thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh giới thiệu quy trình xử lý phân vi sinh để tưới cây. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Chị Luyến chia sẻ: Điểm nổi bật của “Đường cây dược liệu” là chi phí thấp, ít công chăm sóc, những sản phẩm cây dược liệu được chị em tận dụng làm tinh dầu, tắm, gội đầu… Hiện Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Gia Bình đang liên kết với một số công ty và thời gian tới sẽ cho ra mắt những sản phẩm mang thương hiệu riêng như: Trà bạc hà, bánh quế bạc hà, dầu gội đầu bạc hà…

Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Gia Bình tiếp tục nhân rộng mô hình “Đường cây dược liệu” ra tại 5 thôn, với chiều dài trên 6 km. Bên cạnh đó, Hội sẽ tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên phụ nữ trong thị trấn phân loại rác thải tại nhà và làm phân vi sinh để tưới rau, cây cảnh, nhằm giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường; đồng thời giúp chị em được sử dụng những loại thực phẩm sạch do chính mình làm ra.

Bà Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết, hưởng ứng chủ đề “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, trong đó nổi bật là các mô hình “Làng ba sạch”, “Khu dân cư không rác thải”. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình đường cây, đường hoa… Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 200 km đường hoa và trồng 3.000 cây xanh các loại trên các tuyến đường.

Theo bà Vân, từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều mô hình mới bảo vệ môi trường, trong đó nổi bật là hai mô hình: “Sinh kế thu gom, phân loại và ủ rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh để bón cho cây trồng” tại huyện Lương Tài và mô hình “Đường cây dược liệu” tại huyện Gia Bình. Những mô hình này đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh việc duy trì các mô hình, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức thực hành của chị em phụ nữ trong việc sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh và phân loại rác thải ngay tại nguồn. Đồng thời, Hội sẽ hỗ trợ các mô hình sinh kế đăng ký nhãn hiệu sản phẩm (Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP).

Quang Nhiều (TTXVN)

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Phụ nữ thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chăm sóc đường cây dược liệu có sử dụng phân vi sinh để bón. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/lan-toa-cac-mo-hinh-bao-ve-moi-truong-cua-phu-nu-bac-ninh-20200703082729632.htm