Tình trạng lấn chiếm hồ đập tại tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra phức tạp, nhiều vi phạm nghiêm trọng càng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn đối với các công trình, tạo ra nhiều quả ‘bom nước thủy lợi’ treo ở phía thượng nguồn. Ai tiếp tay cho hàng loạt vi phạm lấn chiếm hồ đập tại Đắk Lắk?
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc chi nhánh huyện Ea Kar- Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk rất bức xúc khi nói về thực trạng cấp bìa đỏ ngay trong lòng hồ thủy lợi Ea Bư, xã Cư Huê. Theo đó, không rõ vì sao hơn chục hộ dân lại được chính quyền địa phương cấp bìa đỏ trong lòng hồ, khiến cho công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi gặp rất nhiều khó khăn, xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài.
“Toàn bộ hệ thống hồ Ea Bư các anh đã vào, chúng tôi mỗi lần tích nước là ngập. Về quy trình thì chúng tôi phải tích nước để tưới, mà nước thượng nguồn ngập, thì dân phá tràn, chúng tôi giữ rồi kéo nhau ra xã Cư Huê. Đi khảo sát, chúng tôi là một, Phòng nông nghiệp là hai, Phòng kinh tế hạ tầng là ba, UBND xã là bốn. Bốn thành phần đi kiểm tra đúng là có bìa đỏ, họ cấp xuống lòng hồ”, ông Sỹ nói.
Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Huê, huyện Ea Kar thừa nhận, đã có hơn chục hộ dân được cấp bìa đỏ trong lòng hồ thủy lợi Ea Bư. Tuy nhiên, trách nhiệm của việc cấp bìa đỏ này thuộc các nhiệm kỳ trước khi ông Hùng về xã. Hiện nay xã đang cho kiểm tra, thống kê toàn bộ số hộ đã được cấp bìa cũng như quy trình, thủ tục cấp bìa. Ông Hùng nhận định, có thể do công tác kiểm tra diễn ra vào mùa khô, khi khu vực cấp bìa không có nước, mới dẫn đến việc cấp bìa trong lòng hồ. Tuy nhiên, ông Hùng cũng khẳng định, sai phạm nếu có thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND xã.
“Có thể là địa phương đề xuất hoặc các hộ gia đình có đơn sau đó đề xuất địa phương và địa phương đề xuất cấp trên cấp bìa. Có thể do công tác kiểm tra không đảm bảo, có khi thời điểm không có nước, không bị ngập. Vấn đề đó là trách nhiệm của địa phương, chứ không thể đổ hết cho công tác chuyên môn cấp quyền được. Kiểm tra thực địa là phải do địa phương, không thể đổ cho huyện được”, ông Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị quản lý, vận hành và khai thác 257 hồ chứa, đập dâng. Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình đang diễn ra phức tạp, dưới nhiều hình thức.
Theo ông Hạnh, một phần là do công tác đo đạc, cắm mốc các công trình còn nhiều bất cập, hiện vẫn còn hơn 200 công trình ranh giới chưa rõ ràng. Phần khác có trách nhiệm rất lớn của chính quyền và ngành chức năng địa phương khi mà hàng loạt các vi phạm, lấn chiếm đơn vị phát hiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Ngành quản lý đất đai và chính quyền địa phương trong công tác thẩm tra, xét duyệt chưa kỹ. Nếu như được cấp bìa sau khi đã xây dựng công trình thì như vậy là vi phạm pháp luật. Hướng xử lý thì công ty báo cáo, đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát lại, có hướng thu hồi”, ông Hạnh cho hay.
Tình trạng lấn chiếm hồ đập một phần vì công tác đo đạc, cắm mốc còn hạn chế, ranh giới các công trình chưa rõ ràng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk khẳng định, những vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm rất lớn của các đơn vị chủ quản và chính quyền, ngành chức năng cấp xã, cấp huyện. Theo Quyết định 38 năm 2014 và sửa đổi bổ sung bằng Quyết định 21 năm 2016, tỉnh Đắk Lắk đã phân cấp quản lý toàn bộ 785 công trình thủy lợi cho các đơn vị.
Đối với những vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần rà soát lại quy trình và thời điểm cấp bìa để xử lý trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan. Đối với những vi phạm làm mất an toàn công trình, Luật Thủy lợi đã quy định rõ, vấn đề là cách hiểu và cách làm của cấp xã, cấp huyện, không thể để những vi phạm kiểu này kéo dài.
“Về việc xử lý vấn đề này, Luật Thủy lợi tại Khoản 2, Điều 48 đã quy định rõ, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ công trình thủy lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục. Trường hợp không thể khắc phục, phải dỡ bỏ hoặc di dời. Cái này trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp huyện, cấp xã để trả lại mặt bằng công trình theo quy định của pháp luật”, ông Long nói.
Thực trạng vi phạm, lấn chiếm tràn lan các công trình hồ đập tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy đã có những bất cập trong công tác quản lý đất đai tại địa phương. Nhiều vi phạm có dấu hiệu được tiếp tay, được hợp thức hóa khi được chính quyền cấp xã xác nhận hồ sơ, cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những vi phạm kéo dài kéo theo nỗi lo của rất nhiều hộ dân ở hạ nguồn các hồ đập khi mà nhiều công trình thủy lợi có nguy cơ trở thành “bom nước”. Hậu quả chưa xảy ra nhưng không ai đảm bảo sẽ không xảy ra và cũng không thể lường trước mức độ thiệt hại.
Đã đến lúc chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần phải vào cuộc để kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm, triệt để những vi phạm, trả lại công năng cho những công trình thủy lợi, cũng như đảm bảo an toàn cho các công trình.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Theo VOV.VN
Ảnh: Vi phạm tràn lan cũng có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. Nhiều vi phạm có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền cấp xã, cấp huyện.
Xem bài viết gốc tại đây: