Làm vệ sinh môi trường tại các bệnh viện có được trợ cấp độc hại không?

Pháp luật quy định về trợ cấp độc hại đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại

Hỏi:

Thưa Luật sư, tôi là lao động phổ thông hiện đang làm vệ sinh môi trường tại các bệnh viện. Xin Luật sư cho biết, Công ty tôi có phải áp dụng quy định về trợ cấp độc hại cho công nhân không ? Xin cảm ơn.

(Nghiêm Thị Lương, Phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Theo Điều 90 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định về tiền lương như sau:

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Như vậy, vấn đề bạn hỏi, công ty bạn có thể ký kết hợp đồng lao động với công nhân trong đó xác định loại phụ cấp độc hại nếu họ làm việc trong môi trường độc hại thì tiền lương sẽ do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm cả mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Ngoài ra, theo quy định của Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH thì công ty bạn có thể giải quyết chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, cụ thể:

Điều 2: Điều kiện để hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng:

“1. Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động)”.
a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

– Mức 1: 10.000 đồng;
– Mức 2: 15.000 đồng;
– Mức 3: 20.000 đồng;
– Mức 4: 25.000 đồng (khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH)

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Công nhân Cty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình đang phối hợp với đội ngũ y tế của Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang vận chuyển rác thải nguy hại có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đi xử lý theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn. Ảnh Đặng Nam