Các ý kiến làm rõ về việc bố trí vốn, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, do TP.HCM chủ trì đưa ra trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội.
Ngày 28/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) có ý kiến làm rõ các vấn đề sau khi Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội về kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn của dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Về phương thức huy động nguồn vốn, các địa phương hoàn toàn đảm bảo nguồn vốn cho dự án theo tiến độ. HĐND 4 địa phương đã rà soát nguồn vốn trung hạn, tập trung nguồn vốn cho những dự án trọng điểm, cấp bách (bao gồm vành đai 3). Trường hợp cần thiết TP.HCM và các tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu.
Sơ đồ dự án vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: TCIP.
Về hình thức đầu tư, sau khi xem xét nhiều kịch bản khác nhau, các địa phương xác định kịch bản khả thi nhất cho dự án là đầu tư theo hình thức PPP riêng với phần đường cao tốc, chưa kể một số hạng mục khác,thì thời gian hoàn vốn mất 29 năm, khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Mặt khác, với kịch bản này, vốn do nhà đầu tư huy động là hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm chỉ 18% tổng mức đầu tư dự án, vốn Nhà nước đóng góp gần 62.000 tỷ đồng, chiếm 82% dự án. Vì vậy, việc thực hiện đầu tư bằng phương án nói trên không phù hợp Luật PPP, tính khả thi ở mức rất thấp.
Đối với phương án đầu tư công, TCIP đánh giá việc Nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như hình thức PPP. Do đó, các bên liên quan sẽ chủ động được về thời gian thu phí, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, đáp ứng khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân.
Dự án vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai đô thị, đi qua các khu đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới, các trung tâm logistics hệ thống cảng biển, ICD…
Dự án có nhiều tiềm năng phát huy được lợi thế, thu hút nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ đơn giá dự kiến đền bù đất dân cư tại TP.HCM trong khái toán cao gấp 1,7 lần đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá.
Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo TP.HCM, Bình Dương rà soát, tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo chính xác, sát thực tế. Theo TCIP, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án chỉ rõ, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là khoảng 26 triệu đồng/m2. Khái toán này được lập dựa trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá, tài sản trên đất, mức hỗ trợ tại thời điểm năm 2022.
Kinh phí cũng đã tính gộp cả phần tài chính dự kiến xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Trong bước tiếp theo, TP.HCM sẽ thực hiện đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định, đảm bảo tính đúng, tính đủ và tính đến chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn.
Thư Trần – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Ảnh: Điểm đầu vành đai 3, đoạn Bến Lức (Long An). Ảnh: Hoàng Hùng.
Xem bài viết gốc tại đây: