Tại các khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội (Lâm Đồng) đang nở rộ tình trạng doanh nghiệp đua nhau lắp điện mặt trời trên mái không có giấy phép. Sở Công thương Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm hiện tượng này.
Đua nhau lắp điện mặt trời
Sở Công thương Lâm Đồng vừa có kết luận sau khi kiểm tra các doanh nghiệp để bên thứ ba hoạt động điện năng lượng mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn và Phú Hội.
Theo đó, trong KCN Lộc Sơn và Phú Hội không có dự án điện mặt trời, mà chủ yếu là doanh nghiệp tự ý lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà xưởng. (Các hệ thống điện mặt trời có công suất không quá 1 MW và 1,25 MWp, nên được miễn cấp giấy phép hoạt động điện lực theo khoản 4, Điều 5, Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công thương).
Cụ thể, tại KCN Lộc Sơn có 3 doanh nghiệp (bên thứ hai) để bên thứ ba tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trong KCN, trong đó có 2 doanh nghiệp ký kết hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác ngoài khu công nghiệp là Công ty cổ phần Công nghệ xanh Lộc Châu và Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc; 1 doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác thuê mái nhà xưởng là Công ty cổ phần Intimex Bảo Lộc.
Việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp còn nhiều bất cập do quy định của Nhà nước liên quan đến xây dựng thiếu chặt chẽ, không rõ cơ quan quản lý. |
Còn tại KCN Phú Hội có 3 doanh nghiệp (bên thứ hai) để bên thứ ba tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trong KCN. Các doanh nghiệp này đều ký kết hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác ngoài khu công nghiệp là Công ty TNHH Kính Hoàng Hưng, Công ty TNHH MTV Châu Á, Công ty TNHH Hà Gia Phát.
Các hệ thống điện mặt trời đặt trên mái nhà xưởng trong KCN Lộc Sơn và KCN Phú Hội tuy đã được thẩm tra kết cấu chịu lực khung đỡ hệ thống điện mặt trời và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, song chưa được cấp phép xây dựng, chưa điều chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái nhà trong giấy chứng nhận đầu tư.
Đề xuất tháo dỡ
Theo Sở Công thương, việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp còn nhiều bất cập do quy định của Nhà nước liên quan đến xây dựng thiếu chặt chẽ, không rõ cơ quan quản lý (chủ yếu là thỏa thuận, hợp đồng giữa chủ đầu tư và ngành điện); phát sinh vướng mắc các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy; đánh giá tác động môi trường; giấy phép xây dựng. Các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành không rõ ràng và chủ yếu là sau ngày 31/12/2020 – thời điểm các đơn vị đã lắp đặt và ký kết hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Lâm Đồng.
“Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về quản lý trật tự xây dựng, phân cấp quản lý trật tự xây dựng và tiếp nhận thông báo khởi công kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý các KCN chịu trách nhiệm về công tác quản lý trật tự xây dựng trong phạm vi diện tích được giao quản lý”, lãnh đạo Sở Công thương Lâm Đồng cho hay.
Trên cơ sở đó, Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh xem xét cho các doanh nghiệp (bên thứ hai) đã có giấy chứng nhận đầu tư được bổ sung, hoàn thiện hồ sơ lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp còn thiếu như: điều chỉnh giấy phép xây dựng (bổ sung phần điện hệ thống mặt trời trên mái nhà) và điều chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái nhà trong giấy chứng nhận đầu tư.
Sở Công thương cũng đề xuất UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp trong KCN đã ký kết hợp tác đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa đúng quy định về đầu tư, trật tự xây dựng để xử lý, hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trước khi xem xét cho đơn vị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Đối với doanh nghiệp cho thuê lại mái nhà xưởng (không đúng theo giấy chứng nhận đầu tư) để đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đã cho thuê mái thanh lý hợp đồng cho thuê lại mái nhà xưởng với bên thứ ba, đồng thời tháo gỡ toàn bộ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng.
Đồng tình với đề xuất của Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng bổ sung, với trường hợp Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc đã triển khai hệ thống điện trên mái với quy mô lớn (tổng quy mô công suất điện 3.437,3 kWp), trong đó trực tiếp ký hợp đồng bán điện và hợp tác đầu tư với 2 công ty khác bán điện cho Công ty Điện lực Lâm Đồng, tức là có tham gia bên thứ ba trong dự án điện năng lượng mặt trời trên mái; sử dụng diện tích đất công nghiệp nhiều (diện tích tấm năng lượng trên mái khoảng 18.200 m2).
Mặt khác, dự án chậm tiến độ thực hiện 8 tháng so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, mục tiêu chính của dự án đầu tư tại KCN Lộc Sơn vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, Công ty đã lắp đặt hoàn thành và đấu nối hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái, ký hợp đồng mua bán điện từ tháng 12/2020. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh giao cơ quan này rà soát các quy định để xem xét thu hồi dự án đầu tư của Vinasolar Bảo Lộc theo quy định của pháp luật.
Linh Đan – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Nhiều doanh nghiệp tại KCN Lộc Sơn và Phú Hội (Lâm Đồng) lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng hoặc cho thuê lại mái để lắp hệ thống điện mặt trời.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baodautu.vn/lam-dong-yeu-cau-thao-go-toan-bo-he-thong-dien-mat-troi-ky-sinh-d192970.html